Nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành hợp tác xã

Góp ý với dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ghi nhận, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật hiện hành, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho sự phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế, sự phát triển của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Các ĐBQH cũng góp ý vào các nội dung nhằm tiếp tục hoàn thiện quy định về huy động, phát triển thành viên; tăng cường tính minh bạch hoạt động của hợp tác xã; nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành hợp tác xã.

Bảo đảm nguyên tắc mở cho thành viên khi gia nhập, rút khỏi hợp tác xã

So với Luật hiện hành, dự thảo Luật xây dựng nguyên tắc mở đối với thành viên tham gia hợp tác xã cho cả đối tượng là công dân từ đủ 15 tuổi trở lên, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân khác tham gia; bổ sung và khuyến khích phát triển các thành viên liên kết để mở rộng các hoạt động hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, góp vốn, góp sức lao động đóng góp cho tổ chức kinh tế hợp tác… Về thành lập hợp tác xã, dự thảo Luật giảm số lượng thành viên tối thiểu thành lập từ 7 xuống 5 thành viên để tạo điều kiện hợp tác xã dễ dàng thành lập.

ĐBQH Khang Thị Mào (Yên Bái) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: P. Thắng

Góp ý vào quy định về số lượng thành viên hợp tác xã tại khoản 11, Điều 4 dự thảo Luật, ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (An Giang) đề nghị, nên giữ quy định hiện hành là tối thiểu 7 thành viên tự nguyện thành lập như hiện nay, hoặc nâng số lượng thành viên tự nguyện thành lập lên khoảng 10 - 15 thành viên thay vì quy định ít nhất 5 thành viên chính thức tự nguyện thành lập như trong dự thảo Luật. Đại biểu nêu lý do, thời gian qua, đa số hợp tác xã, nhất là các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu có quy mô siêu nhỏ. Một số hợp tác xã được thành lập mang tính chất gia đình, chưa phát huy vai trò hỗ trợ thành viên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng bản chất của hợp tác xã. Nếu giảm số lượng thành viên tự nguyện thành lập sẽ tạo điều kiện cho nhiều hợp tác xã quy mô dưới siêu nhỏ ra đời.

Đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định số lượng thành viên hợp tác xã hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã. Nên quy định lộ trình tăng số lượng thành viên hợp tác xã theo thời gian hoạt động của hợp tác xã; nghiên cứu các tiêu chí hỗ trợ, ưu tiên cho các hợp tác xã có nhiều thành viên và các quy định nhằm khuyến khích các thành viên mới tham gia hợp tác xã. Mặt khác, các quy định liên quan đến việc chuyển nhượng vốn góp làm thay đổi cơ cấu thành viên hợp tác xã cũng cần được tính toán thêm, tránh làm thay đổi bản chất của hợp tác xã.

ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị xem xét lại việc mở rộng đối tượng thành viên của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân đối với thành viên liên kết có góp vốn, với lý do: thành viên liên kết có góp vốn nhưng không sử dụng sản phẩm, dịch vụ và không góp sức lao động mà chỉ nhằm chia lợi nhuận là không đúng với bản chất và nguyên tắc tổ chức hoạt động của hợp tác xã, chỉ phù hợp với loại hình doanh nghiệp tư nhân. Nguyên tắc hợp tác xã là hoạt động nhằm mục đích phục vụ nhu cầu chung về kinh tế, xã hội, văn hóa của các thành viên, khác với các tổ chức doanh nghiệp chủ yếu hoạt động vì lợi nhuận.

Khoản 1, Điều 62 dự thảo Luật cho phép thành viên chính thức hoặc thành viên liên kết góp vốn của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân được phép chuyển nhượng vốn góp với thành viên khác hoặc cá nhân, pháp nhân có đủ điều kiện trở thành thành viên của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân. Đại biểu đề nghị xem xét lại quy định này, không nên cho phép việc chuyển nhượng vốn vì sẽ làm mất đi bản chất hợp tác xã của các tổ chức kinh tế hợp tác. Việc cho phép chuyển nhượng vốn góp sẽ làm cho tổ chức kinh tế hợp tác hoạt động tương tự như loại hình công ty cổ phần. Việc cho phép chuyển nhượng vốn góp có thể dẫn đến nguy cơ các tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức kinh tế hợp tác từng bước “thâu tóm” qua việc nhận chuyển nhượng vốn góp để trở thành thành viên chính thức, nhằm hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi của Nhà nước về thuế, tín dụng, đất đai, hạ tầng kỹ thuật, thậm chí chiếm hữu cả phần vốn quỹ, tài sản tích lũy của các tổ chức kinh tế hợp tác. Việc cho phép chuyển nhượng vốn góp của thành viên chính thức, thành viên liên kết có góp vốn và mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng vốn góp sẽ dẫn đến thay đổi địa vị pháp lý của các thành viên trong tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, gây ra nhiều xáo trộn trong tổ chức. Từ những phân tích trên, đại biểu cũng đề xuất, nên quy định theo hướng để các thành viên ra khỏi tổ chức kinh tế hợp tác khi không còn nhu cầu gắn bó được phép chuyển nhượng vốn góp với thành viên khác; các tổ chức kinh tế khác nếu có nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của các tổ chức kinh tế hợp tác và tự nguyện xin tham gia thì có thể thực hiện đúng quy định của luật và điều lệ để được kết nạp thành thành viên của các tổ chức kinh tế hợp tác.

Tăng cường minh bạch thông tin hoạt động của hợp tác xã

Một trong những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành là thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã còn thiếu minh bạch, chưa bảo đảm độ tin cậy; chế độ báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước còn lạc hậu, chưa xây dựng Hệ thống thông tin quốc gia về các tổ chức kinh tế hợp tác. Luật Hợp tác xã năm 2012 chưa làm rõ nguyên tắc minh bạch thông tin đối với thành viên của tổ chức kinh tế hợp tác; chưa quy định cụ thể nội dung, hình thức, thời gian cung cấp thông tin cho thành viên.

Nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành hợp tác xã, dự thảo Luật đã bổ sung một chương riêng về kiểm toán, trong đó quy định về kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập bảo đảm phù hợp tiêu chuẩn kiểm toán về hợp tác xã, pháp luật về kiểm toán ở nước ta và trên thế giới. Tán thành với quy định về kiểm toán, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, việc đưa nội dung kiểm toán hợp tác xã là phù hợp với xu hướng của nền kinh tế thị trường hiện nay, bởi lẽ hợp tác xã muốn phát triển lớn mạnh thì phải minh bạch, muốn minh bạch thì phải có kiểm toán. Đại biểu cũng đề nghị, hợp tác xã cần thực hiện kiểm toán khi mở rộng một phần góp vốn, khi mua cổ phần, cổ phiếu bên ngoài cũng phải kiểm toán; đồng thời, thành viên hợp tác xã phải nắm rõ năng lực, tiềm lực của hợp tác xã khi tham gia góp vốn, nhằm bảo đảm quyền lợi của chính mình.

Điều 98 dự thảo Luật quy định tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân phải thực hiện kiểm toán độc lập. Theo Tờ trình của Chính phủ, kiểm toán là một trong các căn cứ để Nhà nước xem xét, hỗ trợ cho tổ chức của kinh tế hợp tác. ĐBQH Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) cho rằng, nội dung này chưa được quy định rõ ràng trong mục đích của báo cáo kiểm toán tại Điều 99 dự thảo Luật. Ngoài ra, nếu kiểm toán là căn cứ để Nhà nước hỗ trợ cho tổ chức kinh tế hợp tác thì đối với tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân, không bắt buộc kiểm toán thì việc hỗ trợ phải được căn cứ từ đâu? Băn khoăn về quy định này, đại biểu đề nghị, cần phải làm rõ quy định này để các tổ chức có liên quan dễ dàng trong triển khai thực hiện.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-quan-tri-dieu-hanh-hop-tac-xa-i307211/