Lương giáo viên sẽ thay đổi thế nào khi được luật hóa?

Một trong những nội dung được hàng triệu giáo viên quan tâm nhất trong dự thảo Luật Nhà giáo là quy định tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề

Bộ GDĐT đã công bố Dự thảo Luật Nhà giáo để lấy ý kiến rộng rãi dư luận xã hội. Bộ GDĐT cho biết, Luật Nhà giáo được xây dựng với quan điểm tiếp tục luật hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà giáo, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục, trong đó có nhà giáo.

Một giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hà Nội)..

Một giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hà Nội)..

Đồng thời, kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ; điều chỉnh các vấn đề về nhà giáo nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề.

Dự thảo Luật Nhà giáo cũng quy định một số chính sách mới để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực quan trọng và đặc thù của nhà giáo.

Trong đó, một trong những nội dung được hàng triệu giáo viên quan tâm nhất trong dự thảo Luật Nhà giáo là quy định tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Đối với chính sách tiền lương, đãi ngộ nhà giáo, Bộ GDĐT cho biết, dự thảo Luật đề xuất các chế tài để đảm bảo tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, tự chủ phải đảm bảo không ít hơn so với nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Tiền lương mới bảo đảm không thấp hơn tiền lương cũ

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó có nội dung liên quan đến cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 từ ngày 1/7/2024.

Khi thực hiện cải cách tiền lương đối với giáo viên, từ ngày 1/7, cơ cấu tiền lương mới của giáo viên sẽ thay đổi.

Lương cơ bản chiếm 70% tổng quỹ lương, các khoản phụ cấp chiếm 30% tổng quỹ lương. Lương xếp theo vị trí việc làm, phân định rõ năng lực, trách nhiệm giáo viên.

Phụ cấp mới dành cho giáo viên gộp 3 khoản phụ cấp: ưu đãi theo nghề, trách nhiệm theo nghề, phụ cấp độc hại, nguy hiểm. Phụ cấp thâm niên bị bãi bỏ.

Việc lương nhà giáo được tính toán ưu tiên xếp cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp theo dự thảo Luật Nhà giáo nhưng lại cắt bỏ phụ cấp thâm niên đang khiến nhiều giáo viên tâm tư, lo lắng rằng lương mới dự kiến áp dụng từ 1/7 sẽ thấp hơn lương hiện tại.

Về vấn đề này, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) cho biết, dự thảo Luật Nhà giáo đảm bảo xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp; đảm bảo bình đẳng giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập.

Theo quy tắc xây dựng tiền lương mới, tiền lương cơ bản chiếm 70%, phụ cấp ưu đãi chiếm 30%. Riêng ngành giáo dục sẽ được hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề ở mức cao nhất.

Ông Đức khẳng định, theo quy định, tiền lương mới không thấp hơn tiền lương cũ, trong trường hợp thấp hơn, nhà giáo sẽ được bảo lưu mức cũ.

Trong năm 2023, Bộ GDĐT đã tổ chức hơn 100 cuộc họp chuyên môn, hội thảo xin ý kiến chuyên gia trong và ngoài ngành với các quy mô khác nhau; tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của 547.786 nhà giáo, cán bộ quản lý để phục vụ phân tích, đánh giá, phục vụ hoàn thiện các chính sách trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Bộ GDĐT cho biết, Bộ xác định việc đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong giai đoạn từ 2021-2025. Vì vậy, việc chuẩn bị đề xuất xây dựng luật đã được chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng, tạo cơ sở bước đầu quan trọng để xây dựng Luật.

Nguyễn Hoài

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/luong-giao-vien-se-thay-doi-the-nao-khi-duoc-luat-hoa-10280243.html