Nâng cao chất lượng sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng

Thời quan qua, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đã được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh chú trọng thực hiện có hiệu quả. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp lý tưởng, tình yêu quê hương, đất nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ mới.

Hội thảo Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Khánh, giai đoạn 1945-2020.

Để nâng cao chất lượng sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc quán triệt, triển khai nghiêm túc, sâu rộng Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảngđến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Đồng thời chỉ đạo quan tâm hướng dẫn, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo cho đội ngũ này có trình độ chuyên môn tốt, trách nhiệm và tâm huyết với nhiệm vụ.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành văn bản hướng dẫn quy trình thẩm định, hướng dẫn quy trình nghiên cứu, biên soạn một công trình lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống và văn bản về tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, qua đó góp phần thống nhất quy trình nghiên cứu, biên soạn và thẩm định các công trình lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để cơ sở triển khai thực hiện Chỉ thị số 20.

Đến nay, 8/8 huyện, thành phố đã bố trí cán bộ chuyên trách công tác lịch sử Đảng. Hơn 90% đảng bộ xã, phường, thị trấn thành lập ban (tổ) nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ.

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử các ban, ngành, đoàn thể, đồng thời quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ, sử dụng có hiệu quả các ấn phẩm lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống đã xuất bản. Do vậy, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử ban, ngành được chú trọng đẩy mạnh.

Để nâng cao chất lượng biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương, nhiều nơi đã chú trọng mời các chuyên gia, các nhà nghiên cứu tham gia đóng góp ý kiến.

Đồng chí Hoàng Văn Thắng, Bí thư Huyện ủy Yên Khánh cho biết: Nhận thức được ý nghĩa quan trọng và sự cần thiết của việc sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, tái bản Lịch sử Đảng bộ địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng trong huyện thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định chung về tổ chức biên soạn, thẩm định, xuất bản nhằm góp phần nâng cao chất lượng các công trình. Quan tâm bố trí kinh phí hàng năm để triển khai thực hiện tốt công tác xuất bản lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống ở các cấp, các ngành, các địa phương.

Chỉ đạo Đảng bộ các xã, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo, Ban biên soạn nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ từ 5-10 đồng chí, do đồng chí Bí thư làm Trưởng Ban chỉ đạo, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy trực tiếp làm Trưởng Ban biên soạn để triển khai, thực hiện khi tiến hành biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ các địa phương. Đồng thời đôn đốc, kiểm tra về công tác Lịch sử tại đảng bộ xã, thị trấn. Thông qua kiểm tra đã kịp thời biểu dương kết quả đạt được; hướng dẫn, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong công tác biên soạn lịch sử Đảng ở cơ sở.

Việc bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng các công trình lịch sử đảng bộ được cấp ủy đảng từ huyện đến các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Yên Khánh quan tâm triển khai thực hiện. Đến hết năm 2022, có 19/19 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã hoàn thành xuất bản cuốn lịch sử đảng bộ địa phương (đạt 100%).

Đặc biệt, nhằm lưu lại những giá trị lịch sử, truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân huyện Yên Khánh, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo biên soạn và xuất bản cuốn sách Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Khánh, giai đoạn 1945-2020, dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào dịp kỷ niệm 30 năm tái lập huyện (1994-2024); chào mừng huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.

"Cuốn sách Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Khánh, giai đoạn 1945-2020 được xuất bản sẽ có ý nghĩa quan trọng trong công tác chính trị - tư tưởng của Đảng bộ huyện Yên Khánh, là tài liệu quý phục vụ công tác giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục lòng tự hào, tự tôn dân tộc, lòng yêu quê hương, đất nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân Yên Khánh, phục vụ sự nghiệp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh"- đồng chí Bí thư Huyện ủy Yên Khánh khẳng định.

Cùng với huyện Yên Khánh, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành.

Năm 2023, cùng với việc tham mưu hoàn thành chỉnh lý, bổ sung, tái bản cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh tập I (1930 - 1975), Lịch sử Đảng bộ tỉnh tập II (1975 - 2000) và nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng bộ tỉnh tập III (2001 - 2020), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục hướng dẫn, giúp đỡ các cơ quan, đơn vị tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành.

Đến nay, toàn tỉnh có 141/143 (đạt tỷ lệ 98,6%) xã, phường, thị trấn hoàn thành xuất bản lịch sử đảng bộ. Huyện Nho Quan xuất bản "Lịch sử Đảng bộ huyện Nho Quan giai đoạn 2000 - 2020"; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xuất bản lịch sử truyền thống của ngành; huyện Yên Khánh đang tiến hành chỉnh lý, bổ sung, biên soạn Lịch sử Đảng bộ huyện giai đoạn 1945 - 2020; huyện Gia Viễn hoàn thành biên soạn, xuất bản cuốn Gia Viễn - Lịch sử văn hóa; thành phố Ninh Bình đang tiến hành nghiên cứu, biên soạn cuốn "Thành phố Ninh Bình - lịch sử truyền thống văn hóa".

Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Các công trình lịch sử đã biên soạn, xuất bản có nhiều tiến bộ về chất lượng; đảm bảo được tính Đảng, tính khách quan và khoa học; thống nhất nội dung với lịch sử của Đảng, đồng thời thể hiện rõ những nét đặc thù, độc đáo riêng của từng địa phương, đơn vị, góp phần làm rõ thêm lịch sử của Đảng bộ tỉnh; tái hiện một cách chân thực và sinh động hơn lịch sử các ngành, các địa phương; khắc phục từng bước sự phản ánh xuôi chiều. Nhiều công trình đã chú ý đến tổng kết thực tiễn lịch sử và kinh nghiệm địa phương, ngành, góp phần quan trọng vào công tác tư tưởng, lý luận, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh và tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Mai Lan-Trường Giang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nang-cao-chat-luong-suu-tam-nghien-cuu-bien-soan-lich-su/d20240126084818473.htm