'Nam sinh TP.HCM quay lén toilet nữ là bạo hành tình dục với bạn gái'

Theo chuyên gia, hành vi quay lén bạn học trong nhà vệ sinh là rất nghiêm trọng, có thể gây hậu quả khó lường. Các nam sinh vi phạm cần được theo dõi, giám sát trong thời gian dài.

Sáng 12/12, trường THPT Giồng Ông Tố (quận 2, TP.HCM) xác nhận đã thay đổi hình thức kỷ luật đối với 2 nam sinh lớp 12 có hành vi đặt camera quay lén trong nhà vệ sinh nữ của trường.

Cụ thể, 2 học sinh này bị tạm dừng học tập 2 tuần, đồng thời xếp loại hạnh kiểm yếu kỳ I năm học 2020-2021.

Trước đó, trường đưa ra hình thức kỷ luật tạm dừng học tập 1 năm, nhưng bị cho rằng là quá nặng, không nhân văn. Sở GD&ĐT TP.HCM đã làm việc với trường, đề nghị tìm hình thức kỷ luật phù hợp hơn.

Sáng 30/11, 12 học sinh nữ lớp 10 vào nhà vệ sinh thay áo dài thì phát hiện camera điện thoại đang hoạt động được gắn trên tường. Qua theo dõi, nhóm nữ sinh tìm ra 2 nam sinh lớp 12 làm việc này. Ảnh minh họa: The Straits Times.

Chưa đủ sức răn đe

Là người thường xuyên theo dõi và bày tỏ chính kiến trước các vụ việc trẻ em, phụ nữ bị xâm hại, sàm sỡ, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) - nhận định hành vi đặt camera quay lén bạn học trong nhà vệ sinh nữ là rất nghiêm trọng.

“Đó là hành vi bạo hành tình dục với các em gái, có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nếu không được phát hiện sớm, các clip có thể đã bị tung lên mạng. Khi ấy, cuộc sống của những em bị quay lén sẽ ra sao. Đó là điều mọi người phải nghĩ đến”, bà nói với Zing.

Theo TS Hồng, trong trường hợp này, việc các nam sinh có kiến thức mà lại sử dụng công nghệ để thực hiện hành vi như vậy càng không thể chấp nhận được và cần xử lý nghiêm. Chắc chắn sau sự việc, các nữ sinh rất sợ hãi mỗi khi bước vào nhà vệ sinh của trường.

Do đó, bà Hồng cho rằng việc xử lý kỷ luật 2 tuần có lẽ chưa đủ sức răn đe với các nam sinh vi phạm và không công bằng với những học sinh nữ.

TS Khuất Thu Hồng cho rằng hình thức kỷ thuật cho thôi học 2 tuần với các nam sinh đặt camera quay lén trong nhà vệ sinh nữ là chưa đủ sức răn đe. Ảnh: ISDS.

Tuy nhiên, TS Khuất Thu Hồng cho rằng nhà trường và cơ quan chức năng có khó khăn trong việc xử lý bởi học sinh vi phạm đang trong độ tuổi vị thành niên. Bên cạnh đó, hành vi đặt máy quay lén như vậy chưa có quy định cụ thể về mặt pháp lý ở Việt Nam.

“Với các em ở độ tuổi vị thành niên, còn đang đi học, nếu xử lý theo cách buộc thôi học hoặc đưa vào trường giáo dưỡng có thể khiến các em đi chệch hướng, tương lai trở nên rất tồi tệ. Vì vậy, nhà trường có thể không thực hiện những biện pháp ảnh hưởng đến tương lai của các em. Thế nhưng, việc các em hiểu được mình đã làm sai và phải trả giá cho hành động của mình là cần thiết”, bà nhận định.

Theo TS Hồng, nhà trường THPT Giồng Ông Tố có thể chuyển 2 em học sinh nam vi phạm sang trường khác thay vì tiếp tục học ở đây. Như vậy, các nữ sinh trong trường sẽ cảm thấy bớt căng thẳng hơn.

Khi chuyển trường, các thầy cô ở trường mới tiếp nhận các nam sinh này phải được thông báo rõ về hành vi của các em và có biện pháp theo dõi, giám sát trong thời gian dài.

Hai nam sinh và gia đình phải cam kết thay đổi, không tái phạm. Hành vi vi phạm cũng cần được ghi trong hồ sơ của các em kèm yêu cầu rằng nếu không thay đổi trong thời gian nhất định (có thể là 1-3 năm), nội dung đó sẽ tồn tại vĩnh viễn.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần bắt đầu xây dựng các giải pháp xử lý làm sao để phù hợp với những tội danh như vậy.

Người lớn cũng có trách nhiệm

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Lữ Gia - Quản lý dự án Bảo vệ trẻ em thuộc Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam (Save the Children Vietnam) - nhận định hành vi quay lén trong nhà vệ sinh đã vi phạm nội quy nhà trường và trái với tất cả chuẩn mực đạo đức, hành xử trong trường học cũng như cộng đồng.

Ông nhận định 2 nam sinh đặt camera quay lén ở nhà vệ sinh nữ đang ở độ tuổi 17-18. Theo luật trẻ em Việt Nam, các em này đã hết tuổi trẻ em, nhưng vẫn ở độ tuổi người chưa thành niên.

Với hành vi quay lén gây ra sự cố nghiêm trọng, các em hoàn toàn có thể chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề dân sự, thậm chí hình sự.

Điều này tùy thuộc vào việc công an hoặc các cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét những yếu tố cấu thành tội phạm. Nếu hành vi chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, chưa cấu kết thành tội hình sự thì họ sẽ không truy tố.

Với hành vi quay lén gây ra sự cố nghiêm trọng, các nam sinh hoàn toàn có thể chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề dân sự, thậm chí hình sự. Ảnh minh họa: BBC.

Về vấn đề kỷ luật của nhà trường, rõ ràng 2 nam sinh đặt máy quay lén đã vi phạm nội quy, đạo đức của người học sinh. Theo ông Gia, hình thức xử lý cần được xem xét dựa trên 2 yếu tố.

Thứ nhất, các em còn thiếu sự chín chắn, trưởng thành nên hành vi không đúng mực cần được điều chỉnh, áp dụng theo nội quy của nhà trường. Nếu như có động cơ hay mục đích thương mại nào phía sau các em quay clip, dù hình ảnh chưa bị phát tán hoặc gây ra hậu quả nghiêm trọng, mức độ kỷ luật sẽ cao hơn.

Thứ hai, nhà trường khi đưa ra hình thức kỷ luật phải mang tính giáo dục, đạo đức cho các em. Điều đó có nghĩa là tạo cơ hội răn đe vừa đủ. Các em có tính chưa trưởng thành, chín chắn nên cần có cơ hội để sửa chữa, hội nhập lại với cộng đồng sau này.

Theo ông Gia, khi xem xét mức độ nào đó về vấn đề những đứa trẻ chưa trưởng thành, việc các em vi phạm nội quy cũng có trách nhiệm của người lớn trong đó.

“Nhiều khi chính các em vi phạm cũng là nạn nhân. Ở đây, các em là nạn nhân của việc chưa được giáo dục đúng cách hay chưa được cung cấp kiến thức, kỹ năng sống, cách hành xử đúng mực tại gia đình, nhà trường hoặc xã hội thiếu những chương trình giáo dục kỹ năng. Do đó, tất cả hình thức kỷ luật được đưa ra phải mang tính răn đe vừa đủ, vừa mang tính giáo dục, vừa tạo cơ hội cho các em có sửa chữa lỗi lầm”, ông nói.

Theo chuyên gia, thời hạn đình chỉ học bao lâu không quan trọng bằng việc giúp học sinh vi phạm thật sự nhận ra lỗi lầm và mong muốn sửa chữa. Ảnh minh họa: Mediacorp.

Với ông Nguyễn Lữ Gia, việc mức kỷ luật là 2 tuần, 3 tháng, nửa năm hay 1 năm không quan trọng bằng thái độ, mong muốn sửa chữa lỗi lầm của các em vi phạm.

Ông cho rằng trong trường hợp này, việc đình chỉ học 1 năm đối với 2 nam sinh đặt máy quay lén không có gì quá đáng. Tuy nhiên, trong 1 năm đó, các em có thể sẽ bỏ học và ra đời sớm hơn bạn bè đồng trang lứa. Khi đó, cơ hội giáo dục với các em này sẽ càng xa.

“Chúng ta có nghĩ các em với sự thiếu trưởng thành khi ra đời, liệu những hành vi tương tự hoặc nghiêm trọng hơn sẽ không xảy ra? Bởi vậy, quan trọng là cách chúng ta giáo dục để các em ý thức được rằng hành vi của mình rất sai trong việc cư xử với bạn bè. Cùng với đó là sự theo dõi, giám sát của chúng ta”.

Theo ông Gia, cần có buổi trao đổi thẳng thắn giữa các em vi phạm, phụ huynh với những nữ sinh trong trường. Đó là cơ hội để nhà trường lắng nghe ý kiến của các em vi phạm trong việc nhận thức lỗi lầm, vừa lấy ý kiến của người bị hại để xem tâm lý của các em ra sao, có quan điểm thế nào về hình thức xử lý kỷ luật dành cho bạn học.

Từ đó, nhà trường có thể chuyển 2 nam sinh vi phạm sang trường khác hoặc hệ khác và trong thời gian bao nhiêu lâu.

Ngoài ra, ông Gia nhận định sự việc trên cũng là tín hiệu về việc cần bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Vấn đề này từng được nói đến nhưng ngành giáo dục chưa quan tâm đúng mức. Các em đang tham gia vào mạng xã hội, truy cập Internet mà thiếu đi kỹ năng cơ bản để bảo vệ mình và người khác trên môi trường mạng.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nam-sinh-tphcm-quay-len-toilet-nu-la-bao-hanh-tinh-duc-voi-ban-gai-post1162829.html