'Năm du lịch quốc gia sẽ giúp du lịch Điện Biên cất cánh'

Ông Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Điện Biên cho rằng: 'Trong phát triển du lịch, việc đúc rút kinh nghiệm từ những đơn vị đi trước, cùng nội lực riêng và tư duy mới sẽ tạo ra con đường đưa du lịch tỉnh nhà phát triển đúng quỹ đạo và ngày càng vững mạnh'.

Trao đổi với Tạp chí Du lịch TP.HCM, ông Phú chia sẻ, các sự kiện trong “Năm du lịch quốc gia tại Điện Biên” giúp ích rất nhiều trong việc quảng bá cảnh sắc địa phương đến du khách, nên địa phương đang tận lực cho các hoạt động này.

Ông Nguyễn Minh Phú - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Điện Biên

Ông đánh giá thế nào về tiềm năng lượng du khách từ TP.HCM đến Điện Biên?

Du khách ở TP.HCM và các tỉnh phía nam chiếm thị phần lớn khách du lịch cả nước nói chung, Điện Biên nói riêng. Chúng tôi tin những người dân ở đây đều sẽ mến mộ và muốn đến điểm cực Tây tổ quốc. Những năm qua vì khoảng cách địa lý, giao thông khó khăn, lượng khách phía nam về Điện Biên chưa nhiều. Chúng tôi hy vọng khi đường bay Điện Biên – TP.HCM nối liền, lượng khách phía Nam sẽ đến Điện Biên ngày một nhiều hơn. Chúng tôi rất kỳ vọng vào điều này.

Điện Biên đặt mục tiêu về lượng khách đến địa phương trong năm 2024 như thế nào, thưa ông?

Phát triển du lịch Điện Biên cản trở lớn nhất là hạ tầng giao thông. Việc kết nối đường bay giữa Hà Nội - Điện Biên và TP.HCM - Điện Biên, Hải Phòng - Điện Biên cùng việc nâng cấp sân bay Điện Biên có thể sẵn sàng đón các máy bay cỡ lớn đã cởi ra được một nút thắt về khó khăn giao thông. Với tiền đề này, hy vọng Điện Biên sẽ kết nối được với nhiều sân bay quốc tế trong tương lai gần.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ kết hợp với các địa phương như Sơn La, Hà Giang để cùng xây dựng hệ thống giao thông đường bộ thuận lợi. Nếu hạ tầng đường bộ được giải quyết, từ Điện Biên có thể sang các nước láng giêng như Lào, Trung Quốc thuận lợi hơn.

Trong thời gian đầu đường bay được mở lại, Điện Biên đặt mục tiêu khiêm tốn đón khoảng 1.500.000 lượt khách trong năm 2024, trong đó có cả khách quốc tế.

Năm 2024, Điện Biên đăng cai tổ chức “Năm du lịch Quốc gia”, hiện địa phương đã có kế hoạch thế nào cho các hoạt động này?

Điện Biên đã có đề án trình Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch và được phê chuẩn. Về công tác chuẩn bị, địa phương đã hoàn tất các hạng mục lớn và tiếp tục hoàn thiện các nội dung chi tiết.

Ông Nguyễn Minh Phú Giám đốc Sở VHTTDL Điện Biên tặng quà kỷ niệm ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam

Tuần Văn hóa Du lịch Điện Biên - Tây Bắc tại TP. HCM đầu tháng 12 chính là một trong các hoạt động hướng tới Năm du lịch Quốc gia. Ngay sau đó, từ 15/12 sẽ có “Tuần lễ du lịch Điện Biên tại Hà Nội”. Có thể nói đây là một trong các sự kiện mở đầu cho chuỗi sự kiện. Chúng tôi sẽ tổ chức 138 sự kiện trong “Năm du lịch Quốc gia” diễn ra tại Điện Biên hoặc các địa bàn trên cả nước, thông qua đó giới thiệu đến du khách hình ảnh con người, đất nước Việt Nam nói chung, và Điện Biên nói riêng.

“Năm du lịch quốc gia - Điện Biên” là tiền đề thúc đẩy mạnh mẽ để đưa du lịch Điện Biên cất cánh. Chúng tôi nhận thức đây là cơ hội lớn của Điện Biên, vì thế lãnh đạo các cấp và nhân dân đều đang dành hết sức lực cho các sự kiện này.

Điện Biên đang có những nhóm sản phẩm du lịch tiêu biểu nào?

Điện Biên đã được toàn thế giới biết đến với sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Điện Biên Phủ là một điểm nhấn về điểm đến mang tính lịch sử. Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung khai thác sâu vào 3 lĩnh vực: du lịch lịch sử tâm linh, khám phá thiên nhiên hùng vĩ, nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và thể thao mạo hiểm.

Bức tranh Panorama về chiến thắng Điện Biên Phủ

Hiện đầu tư cho du lịch ở Điện Biên được xếp tỉ trọng thế nào trong cán cân chung khi so với các lĩnh vực khác?

Trong nghị quyết của Đảng bộ tỉnh từ 2021 đã xác định xây dựng du lịch Điện Biên thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong cơ cấu kinh tế chung, Điện Biên phấn đấu tăng trưởng về du lịch sẽ là 15%. Điện Biên phấn đấu đến 2025, doanh thu từ du lịch sẽ chiếm 10% GDP của toàn tỉnh.

Một số tỉnh miền Tây Bắc như Hà Giang, Sơn La đã xác định được vị thế có dấu ấn đậm nét trên bản đồ du lịch Việt Nam với nhiều sản phẩm đặc trưng, ông đánh giá thế nào về hiện trạng và công tác quảng bá du lịch của Điện Biên khi so với các vùng lân cận?

Có thể nói, hiện Điện Biên đang tiến hành từng bước bài bản và khá chu đáo cho công tác phát triển du lịch với mục tiêu bền vững. Ban lãnh đạo Điện Biên nhận thấy nếu so với các tỉnh bạn, Điện Biên đang đi sau nhưng chúng tôi tin tưởng việc đúc rút được kinh nghiệm của những đơn vị đi trước, cùng với nội lực riêng và tư duy mới sẽ giúp địa phương có được con đường đưa du lịch tỉnh nhà phát triển đúng quỹ đạo và ngày càng vững mạnh.

Cột mốc cực Tây tổ quốc tại Điên Biên

Là người phụ trách phát triển du lịch, theo quan điểm của ông, điều gì cần được lưu tâm nhiều nhất trong phát triển?

Chúng tôi xác định mục tiêu phát triển du lịch bền vững, dựa vào thiên nhiên và văn hóa.

Du lịch cộng đồng đang là bài toán chung của các tỉnh miền núi phía Bắc, theo ông, đặc trưng riêng của các sản phẩm du lịch cộng đồng của Điện Biên là gì?

Điện Biên đi sâu khai thác nét đặc trưng văn hóa của những dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Chẳng hạn chúng tôi khai thác Lễ hội hoa Ban và đi sâu khắc họa khát vọng về tình yêu cuộc sống của người Thái.

Ông đánh giá thế nào về sự sẵn sàng của người dân trong việc tham gia phát triển du lịch cộng đồng tại Điện Biên?

Điện Biên còn có tiềm năng văn hóa phi vật thể với 19 dân tộc anh em chung sống. Hiện hiện nhiều vùng, người dân vẫn giữ được phong tục tập quán sơ khai, điển hình là dân tộc Thái và H' Mông.

Mùa hoa ban nở ở Điện Biên

Mặc dù còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc tham gia cùng làm du lịch của người dân tại Điện Biên còn có mặt hạn chế, nhưng từ đầu chúng tôi đã nhận thức được làm du lịch là công việc của cả cộng đồng, mấu chốt quyết định thành công chính là sự góp sức của cộng đồng dân cư. Vì thế, trong những năm qua chúng tôi tập trung nhiều cho công tác vận động và chia sẻ để mỗi người dân hiểu được cách làm du lịch thực sự.

Trân trọng cảm ơn ông!

CƠ SỞ LƯU TRÚ CỦA ĐIỆN BIÊN

Điện Biện hiện có 210 cơ sở lưu trú du lịch, với gần 3.000 buồng, hơn 5.000 giường cùng nhiều bản văn hóa du lịch và homestay.

MỘT SỐ ĐỊA DANH NỔI TIẾNG CỦA ĐIỆN BIÊN

Pa A Chải – ngã ba biên giới “một tiếng gà gáy, ba nước cùng nghe”

Pa A Chải thuộc địa phận của xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, Điện Biên. Đây cũng là nơi gắn liền giữa ranh giới của nước ta với Lào và Campuchia. Đi dọc theo dãy núi, du khách được khám phá vẻ đẹp hoang sơ của những ngọn núi cao hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang chồng xếp lớp.

Mường Nhé – Khu bảo tồn thiên nhiên

Mường Nhé có tổng diện tích gần 310.262 ha, khoảng 118.000 ha đất rừng nguyên sinh. Được bao phủ bởi nhiều loại cây rừng quý hiếm.

Cao nguyên đá Tủa Chùa

Cách trung tâm thành phố Điện Biên khoảng 130 km, thuộc huyện Tủa Chùa, cao nguyên gồm các ngọn núi đá vôi liên tiếp xen lẫn với nương rẫy, các nếp nhà và làng bản, tạo nên một vẻ đẹp độc đáo có một không hai.

Đèo Pha Đin

Pha Đin tiếng Thái gọi là “Phạ Đin”, trong đó “Phạ” là trời, Đin là “đất”. Tên của con đèo này có nghĩa là nơi giao thoa giữa đất và trời. Đèo Pha Đin cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 100km. Đây được xem là ranh giới giữa 2 tỉnh Điện Biên và Sơn La. Pha Đin cùng với Ô Quy Hồ, Khau Phạ, Mã Pí Lèng làm nên tứ đại đỉnh đèo huyền thoại của vùng cao Tây Bắc.

Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ

Nơi đây sở hữu thiết kế vô cùng ấn tượng với biểu tượng hình nón cụt. Phía bên trong được trang trí hình quả trám. Hình quả trám tượng trưng cho tấm lưới ngụy trang của chiếc mũ cụ Hồ thời xưa.

Suối nước nóng U Va

Nằm cách thành phố Điện Biên khoảng 15km, suối nước nóng U Va sở hữu tổng diện tích lên đến 73.000 m2. Tương truyền rằng suối nước nóng này chính là một cái nôi được bà tiên nằm trên đó. Du khách sẽ vô cùng ngỡ ngàng trước cảnh sắc hữu tình ở nơi đây.

Thành Bản Phủ

Thành Bản Phủ Điện Biên được nhà nước xếp hạng di tích quốc gia. Địa điểm này được xây dựng cách đây hơn 200 năm. Nơi đây ghi dấu rất nhiều những hoạt động nổi bật cho người anh hùng Hoàng Công Chất - hình tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc khi chống giặc ngoại xâm.

Châu Giang (thực hiện)

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/nam-du-lich-quoc-gia-se-giup-du-lich-dien-bien-cat-canh-c2a65405.html