Mỹ tích hợp hệ thống AI vào năng lực chiến đấu

Bộ Quốc phòng Mỹ vừa công bố kế hoạch chi tiết về việc tăng tốc áp dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo trong chiến tranh trong tuần qua. Nhà nghiên cứu Gloria Shkurti Ozdemir của SETA cho biết, việc tạo ra chiến lược này là hợp lô-gic, trong bối cảnh cuộc đua toàn cầu giành quyền thống trị AI đang ngày càng nóng lên, nhưng lại thiếu sự đảm bảo về việc sử dụng công nghệ một cách có đạo đức trong tình huống chiến tranh.

Lầu Năm Góc đã công bố một chiến lược tổng thể mới về việc tích hợp các hệ thống AI vào năng lực chiến đấu của mình. Tài liệu tập trung vào việc sử dụng AI để đạt được cái được gọi là “lợi thế quyết định” bằng cách hỗ trợ nhận thức vượt trội về không gian chiến đấu, lập kế hoạch và ứng dụng lực lượng thích ứng, “chuỗi tiêu diệt nhanh, chính xác và linh hoạt” và hỗ trợ duy trì sức bền.
Chiến lược này tập trung vào và ưu tiên tốc độ, “sự tích hợp, tính minh bạch và chia sẻ kiến thức tốt hơn giữa các tổ chức” và nhấn mạnh sự cần thiết của “các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt” để ngăn chặn việc khai thác các lỗ hổng kỹ thuật của công nghệ AI.
Cuộc tranh luận toàn cầu về việc sử dụng AI làm vũ khí tập trung chủ yếu vào vấn đề đạo đức - đặc biệt là về triển vọng loại bỏ con người khỏi quá trình ra quyết định liên quan đến mạng sống của con người. Vấn đề này đã được tranh luận trong nhiều thập kỷ, không chỉ trong giới học giả.
Bộ quốc phòng Mỹ cho biết sẽ tiếp cận các cải cách nhanh chóng và có trách nhiệm: nhắm mục tiêu sửa đổi chính sách đã được đề ra để cải thiện tính linh hoạt, tốc độ và khả năng triển khai cũng như khả năng mở rộng; đồng thời duy trì cam kết nhất quán về hành vi hợp pháp và đạo đức; và bảo vệ quyền riêng tư cũng như quyền tự do dân sự”, tài liệu trong phần “quản trị doanh nghiệp”.
Nhưng mối nguy hiểm thực sự bắt nguồn từ AI không phải là vấn đề công nghệ mà là “cách thức sử dụng nó”, theo nhà nghiên cứu Ozdemir. “Lấy máy bay không người lái làm ví dụ, đặc biệt là những chiếc được Mỹ sử dụng ở Trung Đông. Khi được triển khai một cách phi đạo đức, chúng đã gây ra cái chết của nhiều thường dân. Tuy nhiên, nếu được sử dụng một cách có đạo đức và thận trọng, máy bay không người lái có thể là công cụ then chốt và hiệu quả trong các hoạt động quân sự.”
Theo đó, nhà quan sát tin rằng mặc dù các cân nhắc về đạo đức và việc sử dụng có trách nhiệm phải là trọng tâm chính trong việc xác định tác động của AI, nhưng “thật không may, chiến lược này không hề đề cập đến” các vấn đề đó ở bất kỳ thời điểm nào. Thay vào đó, kế hoạch chi tiết mới của Lầu Năm Góc dường như tập trung vào môi trường tổ chức và cải thiện khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng của quân đội Mỹ.
Nhà phân tích giải thích: “Chiến lược mới nhất được xây dựng dựa trên Chiến lược AI năm 2018 nhưng cũng xem xét Chiến lược dữ liệu năm 2020”. “Trong 5 năm qua, đã có sự gia tăng đáng kể trong việc tích hợp AI vào các hệ thống quân sự khác nhau, chẳng hạn như hệ thống tự động, robot, an ninh mạng, hậu cần và quy trình ra quyết định…Việc tập trung vào dữ liệu vẫn là mối quan tâm đáng kể, như đã thấy trong chiến lược AI mới nhất của DoD, phản ánh tầm quan trọng không ngừng của cách sử dụng dữ liệu và chất lượng của nó.”
Trên thực tế, nhà phân tích Ozdemir cho biết, việc Lầu Năm Góc triển khai chiến lược AI mới, cùng với sắc lệnh của Tổng thống Joe Biden về trí tuệ nhân tạo, đều có liên quan đến một mối quan tâm của các nhà hoạch định chính sách Mỹ: đó là duy trì vị thế tối cao của Mỹ trong cuộc đua AI toàn cầu.
Nguồn: Sputnik

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/my-tich-hop-he-thong-ai-vao-nang-luc-chien-dau-201889.htm