Liên đoàn Arab thống nhất lập trường chung về Gaza

Trong cuộc họp ở thủ đô Manama của Bahrain, Bộ trưởng Ngoại giao các quốc gia Arab đã nỗ lực để đạt được lập trường chung về vấn đề Gaza trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) vào ngày 16/5.

Phát biểu trước báo giới, Trợ lý Tổng Thư ký AL, ông Hossam Zaki cho biết trong cuộc họp ngày 14/5, Bộ trưởng Ngoại giao các quốc gia thành viên AL đã không đề cập đến vấn đề cắt đứt quan hệ với Israel, mà chỉ nỗ lực để đạt được lập trường chung về vấn đề Gaza. Theo ông Zaki, các Bộ trưởng Ngoại giao Arab đã đạt được sự đồng thuận hoàn toàn và toàn diện về dự thảo Tuyên bố Bahrain của Hội nghị thượng đỉnh AL sắp tới, trong đó chủ yếu tập trung vào cuộc xung đột ở Dải Gaza.

Tuyên bố Bahrain là sự tiếp nối các nội dung đã được thông qua ở Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp được triệu tập tại Saudi Arabia hồi tháng 11/2023, một tháng sau khi cuộc xung đột tại Gaza nổ ra.

Tổng Thư ký AL Ahmed Aboul Gheit đã đến Manama chủ trì cuộc họp của Hội đồng Kinh tế và Xã hội của khối, trước khi tham dự các cuộc họp về kế hoạch tái thiết Gaza thời kỳ hậu chiến. Ông Aboul Gheit cho biết AL đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm kiếm giải pháp để giảm bớt nỗi đau của người dân Gaza, đồng thời cho biết Hội nghị thượng đỉnh AL sắp tới cần phải đưa ra kế hoạch khẩn cấp để giải quyết hậu quả xung đột.

Chiến sự tại Rafah khiến đàm phán bế tắc

Qatar, nhà hòa giải cuộc xung đột Hamas-Israel, cho biết chiến dịch quân sự của Israel tại thành phố Rafah (phía Nam của Dải Gaza) đã khiến các cuộc đàm phán ngừng bắn với Hamas gần như bế tắc. Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Qatar, Thủ tướng Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani cho biết ông không thấy thiện chí của Israel trong việc ngừng giao tranh, dù các bên đang nỗ lực đàm phán ngừng bắn.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Qatar ra tuyên bố cho biết hàng viện trợ nhân đạo đã không thể vào Gaza kể từ ngày 9/5, thời điểm Israel bắt đầu tấn công thành phố Rafah và đóng các cửa khẩu. Đây là dấu hiệu cho thấy khủng hoảng nhân đạo tại Gaza đang ngày một nghiêm trọng hơn.

Ngày 14/5, xe tăng của Israel đã tới khu vực Al-Geneina và đang tiến về trung tâm Rafah, khi hàng chục nghìn cư dân đang tìm kiếm nơi trú ẩn. Cơ quan của Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine cho biết gần 450.000 người đã bị buộc phải di dời khỏi Rafah kể từ ngày 6/5. Họ đang di chuyển đến những vùng đất trống không bảo đảm vệ sinh và nguồn nước cho các gia đình phải sơ tán, đặt ra nhiều vấn đề đáng báo động đối với sức khỏe của người dân.

Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ sự kinh hoàng trước việc leo thang hoạt động quân sự của quân đội Israel tại thành phố Rafah thuộc Dải Gaza. Ông Guterres thúc giục ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức và trả tự do cho tất cả con tin. Tổng Thư ký kêu gọi Liên hợp quốc sớm mở lại cửa khẩu Rafah để tạo điều kiện cho việc tiếp cận hàng viện trợ nhân đạo trên khắp Gaza.

Mở thêm bệnh viện dã chiến

Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) thông báo khai trương một bệnh viện dã chiến ở thành phố Rafah với sức chứa 60 giường. Bệnh viện dã chiến này sẽ bổ sung và hỗ trợ công việc của Hiệp hội Trăng Lưỡi liềm Đỏ Palestine, nhằm đáp ứng nhu cầu y tế ngày càng cao ở Gaza.

Khoảng 30 nhân viên y tế sẽ làm việc tại bệnh viện dã chiến nói trên, cung cấp dịch vụ chăm sóc phẫu thuật khẩn cấp, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, chăm sóc trẻ sơ sinh, dịch vụ nhi khoa và phòng khám ngoại trú. Bệnh viện có khả năng xử lý số ca thương vong quy mô lớn, cũng như có khả năng đánh giá và phân loại những trường hợp bị thương. Ngoài ra, bệnh viện có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cho khoảng 200 người mỗi ngày.

ICRC phối hợp với Hội Chữ thập đỏ địa phương và các tổ chức quốc tế điều hành bệnh viện. Theo Tổ chức Y tế thế giới, 23 trong số 39 bệnh viện ở Gaza đã ngừng hoạt động.

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/lien-doan-arab-thong-nhat-lap-truong-chung-ve-gaza-211930.html