Mỹ tăng cường chuẩn bị đối phó với cuộc tấn công nhằm vào hệ thống vệ tinh Starlink

Các nhà hoạch định quốc phòng Mỹ đang xây dựng các kế hoạch ứng phó trước nguy cơ một cuộc tấn công có thể xảy ra từ Nga hoặc Trung Quốc vào hệ thống vệ tinh Starlink.

Các cuộc thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh có thể tạo ra một lượng lớn mảnh vụn gây nguy hiểm cho các vệ tinh và tàu vũ trụ có người lái khác. Ảnh: Atalayar

Theo báo Washington Post, Mỹ đang phát triển các chính sách ứng phó đối với một cuộc tấn công tiềm tàng của Moskva hoặc Bắc Kinh nhằm vào các vệ tinh Starlink trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại xảy ra chiến tranh vùng xám trong không gian.

Vệ tinh Starlink, một sản phẩm của công ty SpaceX, được cho là đã giúp Ukraine có được lợi thế quyết định trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga, bằng cách cung cấp thông tin liên lạc trên chiến trường, định hướng hỏa lực pháo binh và hỗ trợ các hoạt động của máy bay không người lái nước này.

Theo Tướng David Thompson - chỉ huy cấp cao của Lực lượng Không gian Mỹ, việc các nhà hoạch định quốc phòng lên kế hoạch mới chỉ dừng lại ở ý tưởng do lo ngại các công ty thương mại sở hữu thiết bị vệ tinh nghĩ rằng chính quyền đang can thiệp vào công việc của họ.

Việc các nhà chính sách lên kế hoạch ứng phó trước một cuộc chiến không gian diễn ra sau khi Konstantin Vorontsov – Phó Giám đốc Cục Giải trừ vũ khí của Bộ Ngoại giao Nga phản ánh mối đe dọa từ các vệ tinh của tư nhân trên quỹ đạo hồi tháng 10 năm ngoái.

Ông Vorontsov cho biết việc sử dụng ngày càng nhiều các vệ tinh thuộc sở hữu tư nhân để hỗ trợ các hoạt động quân sự là một xu hướng cực kỳ nguy hiểm, vượt ra ngoài các chức năng vô hại của công nghệ ngoài vũ trụ và điều này đã trở nên rõ ràng trong những diễn biến mới nhất ở Ukraine.

Sự hợp tác giữa các công ty vũ trụ tư nhân và chính phủ đã xóa mờ đi những khác biệt giữa khả năng thương mại và quốc gia, từ đó tạo ra các tình huống khó xử về cách phản ứng trước một cuộc tấn công nhằm vào các vệ tinh thương mại hỗ trợ hoạt động quân sự.

Trong một bài viết hồi tháng 1 trên GIS, nhà phân tích Dean Cheng lưu ý vai trò ngày càng tăng của các công ty vũ trụ như một người chơi chiến lược độc lập đang đặt ra những thách thức. Ông Cheng chỉ ra các công ty vũ trụ hiện sở hữu những năng lực quan trọng, bao gồm cung cấp hình ảnh Trái Đất có độ phân giải cao, chuyển tiếp dữ liệu và truy cập Internet - vốn trước đây là lĩnh vực duy nhất của các chương trình không gian nhà nước.

Nhà phân tích Cheng lưu ý các công ty vũ trụ phương Tây có thể phối hợp với các chính phủ phương Tây trong việc quyết định họ cung cấp dịch vụ cho ai, trong khi các công ty vũ trụ còn lại như những công ty được thành lập ở châu Á, châu Mỹ Latinh và châu Phi, có thể tự do lựa chọn khách hàng của họ.

Rõ ràng, các công ty vũ trụ thiếu một bộ quy tắc và tiêu chuẩn thống nhất trong việc cung cấp dịch vụ. Các công ty vũ trụ có thể liên minh với các quốc gia cụ thể hoặc trở thành công cụ của quyền lực quốc gia.

Trong bối cảnh không gian đang trở nên chật chội hơn với các công ty tư nhân, việc ban hành các quy tắc chung sẽ trở nên khó khăn.

Trong một bài viết vào tháng 5/2021 cho báo Defense One, chuyên gia công nghệ Patrick Tucker chỉ ra rằng các nước lớn như Trung Quốc, Nga và Mỹ dường như tỏ ra miễn cưỡng hoặc không quan tâm đến việc thúc đẩy các tiêu chuẩn và thỏa thuận không gian, để từ đó hạn chế lợi thế quân sự trong không gian và buộc họ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Nhà nhận định Tucker lưu ý Washington đang tiếp cận với các quốc gia có cùng quan điểm để tạo ra các tiêu chuẩn cho việc sử dụng không gian nhưng họ vẫn chưa đi đến ký kết bất kỳ thỏa thuận ràng buộc pháp lý nào.

Ngay cả bản thân Mỹ, mặc dù đưa ra một lệnh cấm thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh song nước này cũng đang theo đuổi các công nghệ tiêu diệt vệ tinh như laser di động trên mặt đất, thiết bị gây nhiễu tần số vô tuyến, vũ khí vi sóng và vệ tinh sát thủ.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Asia Times)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/my-tang-cuong-chuan-bi-doi-pho-voi-cuoc-tan-cong-nham-vao-he-thong-ve-tinh-starlink-20230314113020401.htm