Chạy trốn về phía trước

Cuộc vận động tranh cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ vốn rất đặc biệt. Nó lặp lại cuộc đấu cách đây 4 năm.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ năm nay thêm đặc biệt sau khi hai ứng cử viên chưa danh chính là Tổng thống đương nhiệm Joe Biden (Đảng Dân chủ) và cựu Tổng thống Donald Trump (Đảng Cộng hòa) tự thỏa thuận với nhau về điều kiện, thời điểm và số lượng những lần tranh luận tay đôi công khai và trực tiếp với nhau.

Lần đầu tiên được tiến hành vào năm 1960, giữa ứng cử Richard Nixon (Đảng Cộng hòa) và John F. Kennedy (Đảng Dân chủ), hình thức tranh luận này dần trở thành bộ phận không thể thiếu, thậm chí còn được coi là đỉnh cao của vận động tranh cử tổng thống ở nước Mỹ.

Từ năm 1988, một Ủy ban độc lập liên đảng được thành lập chuyên cho việc tổ chức các cuộc tranh luận này. Cho tới lần bầu cử năm 2020, thông lệ là ủy ban này tổ chức 3 lần tranh luận giữa các ứng cử viên tổng thống và một cuộc cho các ứng cử viên phó tổng thống trong một tháng trước ngày diễn ra cuộc bầu cử tổng thống.

Ủy ban độc lập liên đảng còn đưa ra tiêu chuẩn và điều kiện, chọn địa điểm và hãng truyền thông thực hiện. Các cuộc tranh luận đều được truyền hình trực tiếp và được số lượng khán giả nhất định chứng kiến trực tiếp tại trung tâm hội nghị nào đó.

Năm nay, ông Trump và Biden quyết định làm theo cách riêng. Họ thỏa thuận chỉ đấu khẩu trực tiếp 2 lần, tại trường quay truyền hình không có khán giả và vào thời điểm rất sớm, cuộc đầu tiên cuối tháng 7 tới.

Hai người quyết chuyện này trước khi được phe cánh chính trị của họ đề cử làm ứng cử viên tổng thống chính thức. Điều đó đồng nghĩa họ không đếm xỉa gì đến ủy ban chuyên trách kia.

Từ giác độ toan tính lợi ích riêng, cả hai ứng viên đều có lý do xác đáng để chủ động cuộc chơi này. Cuộc vận động tranh cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ vốn rất đặc biệt. Nó lặp lại cuộc đấu cách đây 4 năm.

Cả ông Biden lẫn Trump đều cao tuổi, bộc lộ yếu kém nhất định về trí nhớ và kỹ năng thể hiện mà rồi đây rất có thể trở thành điểm yếu chết người đối với chính họ. Cuộc chạy đua này còn là cuộc rửa hận thất bại đối với ông Trump và là cuộc chơi được ăn cả, ngã về không với cả hai.

Hai ứng viên đều ý thức được rằng bộ phận cử tri đóng vai trò quyết định nhất tới số phận chính trị của họ hiện vẫn phân vân trong quyết định lựa chọn và chưa thật sự tin tưởng ai. Họ ngần ngại về tuổi tác và hoài nghi về cương lĩnh tranh cử của cả hai.

Vì thế, cả hai mới phải làm cuộc chạy trốn về phía trước với việc tự dàn xếp các cuộc tranh luận trực tiếp từ rất sớm. Có như thế, 2 ứng viên này còn thời gian điều chỉnh cương lĩnh vận động tranh cử và thay đổi cách thức vận động tranh cử sao cho chinh phục được nhóm cử tri chưa biết bỏ phiếu cho ai.

Cả hai đều muốn cải thiện mức độ tín nhiệm và tin cậy ở cử tri. Ông Trump muốn làm cho ông Biden tự bộc lộ những điểm yếu từ rất sớm. Trong khi đó, ông Biden chủ trương làm cho cử tri Mỹ thấy rõ sự khác biệt rất cơ bản giữa mình và đối thủ về nội dung cương lĩnh tranh cử.

Từ đó, ông Biden mong muốn cử tri chọn lựa giữa hai người mà không phán xét thành quả cầm quyền của ông đến nay.

Phù Dung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chay-tron-ve-phia-truoc-post684140.html