Mỹ tái gia nhập UNESCO và những tác động

Sau phiên bỏ phiếu cuối tuần qua với với 132 phiếu thuận, 10 phiếu chống và 15 phiếu trắng, Mỹ đã chính thức tái gia nhập Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), đảo ngược quyết định rút khỏi tổ chức này dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump.

Về lợi ích của UNESCO, có thể thấy rõ điều này qua hai phát biểu của lãnh đạo tổ chức này qua các thời kỳ. Ngay sau khi thông báo quyết định của Mỹ, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay khẳng định, đây là hành đồng thể hiện sự tự tin mạnh mẽ đối với UNESCO và chủ nghĩa đa phương. Bốn năm trước, tại thời điểm Mỹ chính thức rút khỏi tổ chức này, lãnh đạo UNESCO lúc đó là bà Irina Bokova, tuyên bố đây là “một tổn thất đối với UNESC, là một mất mát đối với đại gia đình Liên Hợp Quốc. Đây là một tổn thất cho chủ nghĩa đa phương”.

Mỹ chính thức tái gia nhập UNESCO từ 1/7. Ảnh: Synology.

Kể từ khi được thành lập, UNESCO đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nhân loại, đặc biệt là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Việc Mỹ, quốc gia đóng góp hơn 20% tổng kinh phí hàng năm của tổ chức này rút đi khiến UNESCO rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính, bắt buộc cắt giảm nhiều hoạt động, phải dựa vào các khoản đóng góp tự nguyện.

Việc Mỹ quay trở lại, với cam kết trả dần khoản nợ hơn 500 triệu USD cũng như những gói tài trợ mới không chỉ giúp cho tổ chức này có thêm ngân sách mà còn tăng cường vai trò, mở rộng các chương trình hoạt động của mình. Mỹ quay trở lại tham gia, thực hiện nghĩa vụ tài chính cũng là động lực buộc một số nước khác như Anh, Nhật Bản hoặc Brazil trả các khoản đóng góp còn nợ cho UNESCO.

Đối với Mỹ, việc quay trở lại UNESCO cùng với các cam kết mạnh mẽ phục vụ cho chiến lược toàn cầu của Chính quyền Tổng thống Biden, củng cố vị thế lãnh đạo và quảng bá cho hình ảnh của nước này. Cụ thể hơn, Mỹ muốn giải quyết các mối quan ngại và đối phó với ảnh hưởng không chỉ của Trung Quốc mà còn các nước lớn khác trong UNESCO nói riêng và các tổ chức quốc tế khác nói chung.

Theo đánh giá của giới chức Mỹ, những gì đang diễn ra tại UNESCO thực sự quan trọng, ví dụ như nghiên cứu quy tắc, chuẩn mực cho trí tuệ nhân tạo, tác động đến sự phân tách thế giới đang gia tăng, góp phần định hình trật tự thế giới thông qua giáo dục, đào tạo trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Hay có thể nói rằng, Mỹ sẽ có thêm nền tảng để củng cố và thúc đẩy cho lợi ích của nước này trong tương lai.

“Lách luật” để tìm kiếm lợi ích quốc gia

Trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu phức tạp như hiện nay thì tất cả các nước đều ưu tiên và đặt lợi ích quốc gia của mình lên hàng đầu. Việc tham gia các tổ chức quốc tế không chỉ là thực hiện các mục tiêu chung cho nhân loại mà bên cạnh đó còn có mục đích chính trị, phục vụ lợi ích của mỗi nước, đặc biệt là các nước lớn.

Trong trường hợp nếu các nước thấy không có lợi ích hoặc làm tổn hại lợi ích thì khả năng rút khỏi các tổ chức đa phương hoặc không đóng góp tài chính là có thể xảy ra. Điều này đã xảy ra không chỉ tại UNESCO và không chỉ đối với Mỹ mà còn đối với các tổ chức đa phương và một số quốc gia khác.

Đối với trường hợp của Mỹ, quyết định ngừng thực hiện nghĩa vụ tài chính năm 2011 là nhằm phản đối việc tổ chức này công nhận Palestine là thành viên đầy đủ. Giới chức Mỹ viện dẫn lý do là theo một đạo luật thì nước này không được tài trợ cho bất kỳ cơ quan nào của Liên Hợp Quốc công nhận tư cách nhà nước của Palestine.

Còn lý do của việc Mỹ rút khỏi UNESCO dưới thời chính quyền Tổng thống Trump là cáo buộc tổ chức này có những chính sách bất công đối với Israel, thiên vị công nhận các địa danh cổ tranh chấp giữa Palestine và Israel. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa phía sau là chính sách “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump, không ủng hộ, thậm chí rút khỏi nhiều tổ chức và hiệp định đa phương.

Tái gia nhập UNESCO, mặc dù chưa bãi bỏ đạo luật nhưng Chính quyền Tổng thống Biden sẵn sàng “lách luật” để trả các khoản nợ còn tồn động và cam kết những khoản tài trợ mới. Trước đó, hồi tháng 4 năm ngoái, khi điều trần tại Thượng viện Mỹ, Ngoại trưởng Blinken đã bảo vệ quyết định quay trở lại UNESCO với các đánh giá tập trung vào lợi ích địa chính trị hơn là về khía cạnh văn hóa, di sản, đối phó với chiến lược gây ảnh hưởng của các nước khác trong các tổ chức đa phương của Liên Hợp Quốc. Thực tế này cho thấy, nếu đi ngược lại hoặc không mang lại lợi ích hoặc phục vụ chiến lược quốc gia thì không chỉ Mỹ mà các nước khác cũng có thể rút khỏi các tổ chức quốc tế hoặc các tổ chức đa phương.

Áp lực chính trị hóa trong hoạt động chuyên môn

Quay trở lại với UNESCO, đây là một cơ quan của Liên Hợp Quốc được giao nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác quốc tế và hòa bình thông qua việc thúc đẩy các hoạt động giáo dục, khoa học và văn hóa trên toàn cầu. Tuy nhiên, tổ chức này được biết đến nhiều nhất với việc chỉ định và bảo vệ các địa điểm khảo cổ và di sản thế giới. Hầu hết các hoạt động của tổ chức này đều nhận được sự đồng thuận quốc tế, ngoại trừ một số quyết định liên quan đến các địa danh tôn giáo hoặc khảo cổ đang tranh chấp hoặc thông qua tư cách thành viên…

Trong thời gian vừa qua, có một thực tế là xu hướng các nước đưa những vấn đề chính trị nhạy cảm vào chương trình nghị sự của UNESCO và các tổ chức trực thuộc ngày càng rõ hơn. Theo đánh giá của giới chuyên gia, Ủy ban Di sản thế giới, cơ quan trực thuộc UNESCO đảm nhiệm việc chỉ định và bảo vệ các địa danh văn hóa đóng một vai trò rất quan trọng. Quyết định của Ủy ban này có tác động rất lớn đến du lịch và kinh tế, đồng thời có thể gây ra mâu thuẫn khi chỉ định các di sản trong khu vực vốn đang tranh cãi hoặc có tranh chấp. Mâu thuẫn trong việc bỏ phiếu chỉ định các địa danh đang có xu hướng tăng mạnh trong thời gian qua.

Thực tế lịch sử các tổ chức đa phương cho thấy, đây cũng là diễn đàn cạnh tranh chiến lược, tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn và bảo vệ quyền lợi của các nước nhỏ. Các nước lớn để phục vụ lợi ích chiến lược đã và đang “chính trị hóa” các tổ chức đa phương, tuy nhiên, các nước này lại quay lại cáo buộc các tổ chức này “chính trị hóa” hoạt động của mình.

Tuyên bố của lãnh đạo UNESCO về cải tổ và tìm kiếm đồng thuận, tập trung vào chuyên môn không hề dễ dàng khi đối mặt với hàng loạt khó khăn phía trước. Việc thực hiện tuyên bố này càng khó khăn hơn trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung gia tăng trên tất cả các lĩnh vực cộng với xu hướng phân tách từ chuỗi cung ứng toàn cầu, các tiêu chuẩn khoa học công nghệ cho đến các giá trị chung như dân chủ, nhân quyền thậm chí là tự do thông tin

Hiện nay, giới chức Mỹ đang cáo buộc Trung Quốc cố gắng định hình hoạt động của UNESCO, ví dụ như vận động chuyển trụ sở Văn phòng giáo dục quốc tế UNESCO từ Thụy Sỹ về Thượng Hải, mở Viện cấp 1 về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học, Viện đầu tiên của UNESCO bên ngoài châu Âu… Việc quay trở lại UNESCO, theo như tuyên bố của giới chức Mỹ, đó là giúp nước này gia tăng vị thế cạnh tranh toàn cầu trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của TQ tại các thể chế đa phương chắc chắn sẽ đặt tổ chức này trước những thách thức và khó khăn với trong việc tập trung vào hoạt động chuyên môn thuần túy.

PV/VOV-Washington

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/my-tai-gia-nhap-unesco-va-nhung-tac-dong-post1030027.vov