Sau Trung Quốc, Tổng thống Nga Putin lên kế hoạch tới thăm Triều Tiên

Ngày 19/5/2024, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Nga Putin đang lên kế hoạch tới thăm Triều Tiên. Động thái cho thấy, hướng Đông hiện là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga trong bối cảnh phải chịu sức ép ngày càng lớn từ phương Tây.

Bối cảnh đặc biệt của chuyến thăm

Chuyến thăm Triều Tiên của Tổng thống Nga Putin diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Moscow và Bình Nhưỡng không ngừng được tăng cường, thúc đẩy. Về chính trị - ngoại giao, hai nước thường xuyên xúc tiến các chuyến thăm, các cuộc hội đàm ở nhiều cấp độ khác nhau. Từ ngày 12-17/9/2023, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đến thăm vùng Viễn Đông của Nga, hội đàm với Tổng thống Nga Putin, cũng như thăm loạt địa điểm quân sự, công nghệ quan trọng của Nga.

Tiếp đó, ngày 18-19/10/2023, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có chuyến thăm chính thức Bình Nhưỡng. Vào tháng 1/2024, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choi Song Hui đã có chuyến thăm trở lại Moscow, tiếp kiến Tổng thống Putin và hội đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Các cuộc hội đàm cấp cao với tần suất dày đặc giúp Moscow và Bình Nhưỡng kịp thời trao đổi và đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương phù hợp với diễn biến nhanh chóng của tình hình khu vực và thế giới.

Về kinh tế-thương mại, Nga là một trong những đối tác thương mại truyền thống của Triều Tiên. Các lệnh trừng phạt quốc tế, cũng như các hạn chế đơn phương do Mỹ và các đồng minh áp đặt, đã tạo ra nhiều khó khăn cho quan hệ thương mại Nga-Triều. Đại dịch COVID-19 bùng phát và lây lan nhanh chóng cũng gây ra những tác động tiêu cực.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, hợp tác thương mại Nga-Triều có xu hướng gia tăng. Nếu như năm 2022, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Nga-Triều chỉ đạt 3,78 triệu USD, thì trong 10 tháng đầu năm 2023, con số này đã vượt quá 29 triệu USD. Việc phối hợp tương tác kinh tế và thương mại giữa Nga và Triều Tiên được thực hiện thông qua cơ chế của Ủy ban liên chính phủ về hợp tác thương mại, kinh tế, khoa học và kỹ thuật, mà cuộc họp gần đây nhất, lần thứ 10, được tổ chức vào ngày 15/11/2023 tại Bình Nhưỡng.

Về viện trợ nhân đạo, Nga đã gửi cho Triều Tiên 50 nghìn tấn lúa mì vào năm 2020. Thông qua Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc giai đoạn 2020-2021, Nga đã phân bổ 7 triệu USD để cung cấp viện trợ lương thực cho Triều Tiên.

Về văn hóa-giáo dục, hợp tác giữa hai nước cũng có những bước phát triển ổn định. Tháng 3/2024, chuyến lưu diễn của đoàn múa ba lê trên Sân khấu Primorsky của Nhà hát Mariinsky đã diễn ra tại Bình Nhưỡng, hoạt động hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nga-Triều. Từ ngày 11-25/4/2024, Liên hoan nghệ thuật Hữu nghị Mùa xuân tháng tư lần thứ 33 được tổ chức tại Bình Nhưỡng với sự tham gia tích cực của các nghệ sĩ đến từ Nga.

Hiện nay, Moscow và Bình Nhưỡng đều đang phải đối mặt với sức ép rất lớn từ phương Tây. Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2/2022, Mỹ đã thực hiện một loạt các lệnh trừng phạt tập trung vào việc cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, cắt thu nhập từ ngành năng lượng của Nga. Cùng với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước đồng minh khác đã áp dụng những biện pháp trừng phạt riêng đối với các cá nhân và tổ chức của Nga. Cuối tháng 2/2024, ngay trước thời điểm tròn 2 năm xung đột, Tổng thống Mỹ Biden đã công bố hơn 500 lệnh trừng phạt mới nhắm vào lĩnh vực tài chính, doanh thu từ dầu khí và tổ hợp công nghiệp quân sự của Moscow.

Trong khi đó, Triều Tiên cũng đang phải chịu lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc, bao gồm lệnh cấm vận vũ khí vì phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa. Ở khu vực Đông Bắc Á, Mỹ tăng cường các cuộc tập trận hải quân, không quân với các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản mà Triều Tiên luôn coi đây là các động thái gây hấn, đe dọa trực tiếp đến môi trường an ninh của Bình Nhưỡng. Mới đây, ngày 17/5/2024, Chính quyền Triều Tiên đã đưa ra cảnh báo Hàn Quốc và Mỹ có thể đối mặt với “hậu quả thảm khốc” nếu hai nước này tiến hành cuộc tập trận chung thường niên Lá chắn Tự do Ulchi (UFS) vào tháng 8 tới.

Mong đợi gì từ chuyến thăm sắp tới

Konstantin Asmolov, Chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Trung Quốc và châu Á đương đại, Viện Hàn lâm khoa học Nga, cho rằng, trước sức ép ngày càng lớn từ phương Tây, Nga thực hiện điều chỉnh chiến lược, thúc đẩy chính sách hướng Đông và xem Triều Tiên là một trong những đối tác quan trọng. Mức độ hợp tác Nga-Triều sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố; đó có thể là xu hướng đối đầu căng thẳng giữa Nga và phương Tây, tình hình chính trị-an ninh khu vực Đông Bắc Á và Bán đảo Triều Tiên, hoặc thậm chí là tình hình an ninh ở các khu vực biên giới của Nga. Trong chuyến thăm Triều Tiên sắp tới của Tổng thống Putin, nhiều khả năng hai bên sẽ chưa chính thức nâng cấp quan hệ song phương, mà tập trung phát triển hơn nữa các lĩnh vực tương tác hiện có; cụ thể là:

Thứ nhất, mở rộng hợp tác kinh tế-thương mại, bảo đảm không vi phạm các biện pháp trừng phạt hoặc khai thác “các vùng xám” nhằm vô hiệu quá các lệnh cấm vận từ phương Tây. Công việc này hiện đang được hai nước thực hiện thông qua Ủy ban liên chính phủ; tuy nhiên, những số liệu thông kê gần đây rõ ràng là còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai nước láng giềng. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho lãnh đạo hai nước là thảo luận và đề ra những cơ chế hợp tác mới, hiệu quả hơn, nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại song phương.

Thứ hai, hợp tác trong phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và truyền thông. Hiện nay, trong bối cảnh mới, nhu cầu hợp tác giữa Nga và Triều Tiên không chỉ dừng lại ở việc xây dựng các cầu, đường xuyên biên giới, sự xuất hiện của các dịch vụ đường sắt thông thường, mà còn có cả sự xuất hiện hệ thống thông tin di động của Nga tại Triều Tiên hoặc sự kết nối của một số phân khúc nhất định của Triều Tiên với mạng internet Nga. Sự hợp tác này sẽ kéo theo công tác đào tạo chuyên gia, nhằm nâng cao năng lực của hai nước, trong bối cảnh vấn đề an ninh mạng đang trở thành một trong những vấn đề đang lo ngại ở nhiều quốc gia hiện nay.

Thứ ba, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực tương đối nhạy cảm, nhất là khi cả Moscow và Bình Nhưỡng đều đang phải đối mặt với những thách thức an ninh, quân sự và bị phương Tây cấm vận. Theo báo cáo vào tháng 10/2023 của trung tâm đường sắt Tumangan (Triều Tiên), nằm ở biên giới Nga, đã chứng kiện sự gia tăng đáng kể và chưa từng có về số lượng toa chở hàng. Sự gia tăng mạnh về giao thông đường sắt bị các nước phương Tây cho rằng, Triều Tiên đang cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga để được Nga chuyển giao công nghệ quân sự tiên tiến, và việc Triều Tiên phóng thành công một vệ tinh do thám vào vũ trụ ngày 21/11/2023 là nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật từ Nga. Đô đốc John Kirby, điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ đã cáo buộc Moscow sử dụng bệ phóng và tên lửa mà Bình Nhưỡng cung cấp trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 30/12/2023 và 2/1/2024.

Thứ tư, thúc đẩy hợp tác du lịch, giáo dục, y tế, giao lưu giữa Nhân dân hai nước. Thực tế, thời gian gần đây, Triều Tiên đã đầu tư mạnh mẽ nhằm phát triển cơ sở hạ tầng nhằm kích cầu du lịch. Sau khi phong tỏa biên giới để kiểm soát dịch bệnh, từ tháng 2/2024, Triều Tiên đã bắt đầu đón những đoàn khách du lịch Nga đầu tiên. Điều này cho thấy Triều Tiên đang hướng tới khai thác nguồn khách du lịch từ Nga khi mà khách du lịch Trung Quốc chưa tích cực đến Bình Nhưỡng. Trong lĩnh vực y tế, giáo dục, lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận về thỏa thuận hợp tác cung cấp thiết bị của Nga cho các trung tâm y tế, bệnh viện ở Triều Tiên, thậm chí là khả năng xây dựng các chi nhánh bệnh viện của Nga ở Bình Nhưỡng với đội ngũ y bác sĩ Nga và trang thiết bị hiện đại.

Chuyến thăm Triều Tiên của Tổng thống Nga Putin sẽ là chuyến thăm mang ý nghĩa biểu tương quan trọng, tạo một nền tảng mới, chặt chẽ nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương; đồng thời, là thông điệp khẳng định sự hỗ trợ ngoại giao mà hai nước dành cho nhau bất chấp sức ép ngày càng lớn từ phương Tây. Nhiều thỏa thuận hợp tác sẽ được lãnh đạo Nga-Triều thảo luận và ký kết, nhưng mức độ hợp tác giữa hai nước, nhất là tác động của những thỏa thuận này đối với tình hình chính trị-an ninh khu vực Đông Bắc Á hay cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine, vẫn sẽ là một dấu hỏi lớn và được các nước phương Tây đặc biệt quan tâm, lo ngại.

Hùng Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/sau-trung-quoc-tong-thong-nga-putin-len-ke-hoach-toi-tham-trieu-tien-214549.htm