Muôn màu cuộc sống: Trăm năm hạt muối Sa Huỳnh

Những hạt muối được kết tinh từ biển.Những phận đời diêm dân phơi mình trong nắng mang theo giấc mơ từ hạt muối giữa ruộng đồng. Qua bao biến thiên của thời cuộc, qua bao nỗi nhọc nhằn của nghề, những người con trên vùng đất cát Sa Huỳnh, Quảng Ngãi vẫn gìn giữ được nghề làm muối truyền thống như một lẽ tự nhiên để nối nghiệp cha ông nơi miền biển mặn. Họ nối nghiệp, giữ nghề không chỉ để mưu sinh mà còn để lưu lại một nét văn hóa biển vốn có tự ngàn đời, để hạt muối Sa Huỳnh luôn đọng mãi với thời gian…

Không ai có thể đoán định đúng được thời gian về nghề muối Sa Huỳnh bắt đầu từ thời điểm nào, cũng không ai biết rõ từ đâu trên vùng đất Sa Huỳnh này lại có nghề làm muối. Nhưng, tương truyền ông tổ nghề muối Sa Huỳnh, vốn người đất Bắc di cư vào Nam rồi chọn vùng biển Sa Huỳnh định cư. Nơi đây có đầm nước mặn thông với đại dương qua cửa biển Sa Huỳnh, cạnh đầm nước là khu đất sình lầy.

Khi định cư ở vùng đất Sa Huỳnh, ông tổ nghề muối Sa Huỳnh dạo quanh bờ đầm rồi tình cờ phát hiện những vũng nước đọng có lớp màng màu trắng. Ông đưa tay sờ nhẹ, lớp màng vỡ thành những hạt nhỏ mang vị mặn đậm đà rồi gọi đó là muối. Những hạt muối đầu tiên ấy giúp ông nảy ra ý tưởng sử dụng nguồn nước mặn trong đầm để làm ra hạt muối.

Từ lần phát hiện này, ông cần mẫn phát dọn, be bờ, tạo thành những ô ruộng vuông vức để làm ra hạt muối. Sau nhiều ngày chờ đợi, mọi người hồ hởi đón nhận những hạt muối đầu tiên từ tay ông trao tặng. Họ vui mừng khôn xiết, rồi gắng sức cùng ông mở mang ruộng đồng, dâng cho đời hạt muối trắng đậm đà hương vị biển khơi. Tích ghi lại là thế, rồi từ đó ra đời nghề muối Sa Huỳnh ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ của tỉnh Quảng Ngãi và trường tồn đến tận ngày nay.

Lần giở sử sách còn lưu, dù không nêu bật nghề muối Sa Huỳnh nhưng trong Đồng Khánh địa dư chí có nhắc tới ấp Tân Diêm, tổng Triêm Đức, huyện Mộ Đức xa xưa - tức vùng Sa Huỳnh ngày nay - là vựa muối lớn của Quảng Ngãi. Trong Quảng Ngãi tỉnh chí được in trên Nam phong tạp chí 1933 cũng định danh nghề muối ở Sa Huỳnh. Từ những năm 1929 được coi là thời kỳ hưng thịnh của muối Sa Huỳnh khi có năm xuất cảng hơn 7.000 tấn muối đi nhiều nơi. Trong Niên giám thống kê về các loại thuế ở Đông Dương, vào năm 1905, muối Tân Diêm - Sa Huỳnh cũng là nơi đóng nhiều thuế nhất so với những nơi làm muối khác.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/muon-mau-cuoc-song-tram-nam-cuoc-song-sa-huynh-181842.htm