'Mưa xuân', tình yêu và hy vọng

Nếu người đời gọi Nguyễn Bính là 'thi sĩ chân quê' thì bài thơ 'Mưa xuân', sáng tác năm 1936, nằm trong tập đầu tay 'Lỡ bước sang ngang', xuất bản năm 1940 ở nhà in Lê Cường (Hà Nội) có lẽ là một trong những bài thơ 'chân quê' và hay nhất của ông.

Bài thơ là một viên ngọc không tỳ vết thể hiện được đầy đủ cái hồn cốt “nhà quê” của người thi sĩ đa tình. Tuy nhiên, đương thời bài thơ cũng chưa đủ duyên với con mắt xanh của Hoài Thanh và Hoài Chân nên không được xuất hiện trong cuốn “Thi nhân Việt Nam”. Sự thiếu duyên này đã từng được tác giả Nguyễn Xuân Nam nhắc đến như một điều tiếc nuối trên báo Văn Nghệ. Toàn bộ viên ngọc toàn bích ấy như sau:

Mưa xuân

Em là con gái trong khung cửi

Dệt lụa quanh năm với mẹ già

Lòng trẻ còn như cây lụa trắng

Mẹ già chưa bán chợ làng xa.

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay.

Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh.

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chả sang xem!

Em xin phép mẹ, vội vàng đi
Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe
Mưa bụi nên em không ướt áo
Thôn Đoài cách có một thôi đê.

Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem.
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em

Chờ mãi anh sang, anh chẳng sang.
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng.

Mình em lầm lụi trên đường về
Có ngắn gì đâu một dải đê
Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya.

Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: "Mùa xuân đã cạn ngày"

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ
Để mẹ em rằng hát tối nay?

(Tuyển tập Nguyễn Bính, NXB Văn học, Hà Nội, 1986)

Đọc lại bài thơ, nhìn tổng thể, câu chuyện tình yêu của thôn nữ được tạo dựng trong khung cảnh làng quê giữa mùa xuân rộn ràng lễ hội với những chiếu chèo nơi cửa đình đất Bắc. Mưa xuân và hoa xoan trong tiết trời chưa hết lạnh làm nền cho mối tình chớm nở trong lòng cô gái. Và đến lượt mình, câu chuyện tình nhỡ nhàng do lỗi hẹn lại góp phần tạo nên hồn cốt thi vị cho phong cảnh mùa xuân. Tình yêu và mùa xuân quyện vào nhau như xác với hồn, cùng nâng đỡ cho nhau làm thành bức tranh tình quê rất chân thực, sống động; đồng thời cũng tạo thành cái tứ thơ tình yêu lỗi hẹn, tựa như tên của tập thơ từng dung chứa thi phẩm: “Lỡ bước sang ngang”.

Đến với “Mưa xuân” chúng ta dễ dàng nhận ra người thi sĩ quê mùa Nguyễn Bính đã nhập vai vào cô thôn nữ để kể lại câu chuyện tình lỡ làng của chính mình cho mọi người nghe. Ở đây Nguyễn Bính đã sử dụng nghệ thuật “thác lời” (chữ dùng của Nguyễn Đăng Điệp) để tái hiện lại các sự việc. Nhà thơ để cho cô gái tự bộc lộ mọi điều từ diễn biến tâm trạng đến những nghĩ suy, buồn vui của cuộc đời. Dường như nhà thơ đã khéo léo khai thác triệt để sức mạnh của cách nói “thác lời” (vốn là thế mạnh của các nhà tiểu thuyết) và đưa vào bài thơ trữ tình làm tạo thành một thế giới nghệ thuật vô cùng sống động. Cái thế giới trữ tình ấy có một cốt truyện rất hoàn chỉnh với đủ nhân vật (chính, phụ) người dẫn chuyện (cô gái), lời nói, khởi đầu, cao trào, kết thúc. Cụ thể, diễn biến câu chuyện của cô gái trong bài thơ có thể tóm tắt như sau: chuyện xảy ra ở một thôn Đoài nào đó trên đất Bắc, có một cô gái làm nghề canh cửi ở thôn bên (có thể là thôn Đông chăng?) yêu đương và lần đầu hẹn hò gặp gỡ với chàng trai ở thôn Đoài trong đêm hội làng. Cô gái lấy cớ đi xem hội để gặp chàng trai và xin phép mẹ cho đi. Trời tháng giêng mưa xuân bay phơi phới, hoa xoan rụng từng lớp trên đường, cô gái đưa tay ra trước mái hiên để xem mức độ mưa rơi, mưa chấm vào bàn tay từng chấm lạnh. Khi hàng xóm lên đèn, cô bắt đầu náo nức đến hội. Cô không để ý gì đến đêm hát chèo mà ngóng tìm chàng trai. Cô tìm mãi mà chẳng thấy. Chàng trai đã quên lời hẹn. Giã hội mà cô chưa gặp người hẹn hò. Cô một mình trở về lầm lụi dưới mưa đêm trong nỗi tủi sầu mênh mang cùng với bao câu hỏi chất chứa kèm theo cả những hy vọng. Có lẽ sự kết hợp hoàn hảo giữa tự sự và trữ tình đã tạo nên nét thú vị và làm thành sức hấp dẫn đặc biệt cho bài thơ. Đó là bài thơ về một câu chuyện tình của cô gái thôn quê (chứ không phải là truyện thơ). Căn cứ vào nội dung câu chuyện và mạch cảm xúc chúng ta có thể thấy bài thơ có hai phần khá rõ. Phần thứ nhất là bốn khổ thơ đầu, cô gái kể về tâm trạng náo nức chuẩn bị đi xem hát hội trong khung cảnh làng quê mùa xuân. Phần thứ hai là sáu khổ thơ cuối, cô gái kể về câu chuyện chàng trai lỡ hẹn trong đêm hát hội và nỗi niềm tâm trạng khi trở về nhà.

1. Mùa xuân - mùa của tình yêu.

Có lẽ không phải riêng tôi, nhiều người cũng thấy thế, mỗi khi nghĩ đến mùa xuân là lại nghĩ đến mùa của tình yêu. Như thế, Nguyễn Bính không phải là ngoại lệ. Xuân về mang theo những cơn mưa bụi ấm áp xua đi cái giá lạnh, hanh hao, nứt nẻ của mùa đông để làm cho đất trời tươi sáng trở lại, vạn vật được hồi sinh, cây cối đâm chồi nảy lộc, ra hoa kết trái … Với con người, mùa xuân cũng là mùa lễ hội của rất nhiều làng quê. Đó là những tháng ăn chơi triền miên với những chiếng chèo trong đêm hội rộn rã tới canh khuya. Tất nhiên đấy cũng là mùa của trai gái tìm hiểu yêu thương nhau. Chẳng biết có phải vì mùa xuân như thế mà cô thôn nữ trong bài thơ của Nguyễn Bính cũng rạo rực tựa như “nhựa sống ở trong người căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai …” (Vũ Bằng). Và dường như Nguyễn Bính cũng đã phải lòng mùa xuân thì phải? Mùa xuân và tình yêu đã hút hồn thi nhân từ khi nào chẳng rõ. Chỉ biết rằng trong “Mưa xuân”, Nguyễn Bính đã hóa thân vào cô gái để kể lại một câu chuyện tình yêu, một mối tình đơn phương của cô thôn nữ.

Mở đầu bài thơ, Nguyễn Bính để cho cô gái giới thiệu với người đọc, người tình về mình và gia đình bằng bốn dòng thơ rất ngắn gọn: “Em là con gái trong khung cửi/ Dệt lụa quanh năm với mẹ già/ Lòng trẻ còn như cây lụa trắng/ Mẹ già chưa bán chợ làng xa”. Ngắn gọn vậy thôi nhưng cô gái đã cung cấp cho mọi người (đặc biệt là đối tượng hẹn hò) biết được những thông tin cơ bản về mình: gia nghiệp (gia đình làm nghề dệt cửi), công việc (dệt cửi cùng mẹ), đức tính (cần cù, chăm chỉ - dệt lụa quanh năm) và đời tư (chưa yêu lần nào). Đáng chú ý ở đây nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật so sánh để cho cô gái tự bạch về bản thân. Cách so sánh này giống như một bức tranh tự họa. Cô gái so sánh mình với cây lụa trắng. So sánh như thế phải chăng nhà thơ muốn nói với mọi người rằng cô gái ấy rất trẻ trung, hồn nhiên, trinh trắng, ngây thơ. Có thể nói cách so sánh này rất hay. Nó đã sử dụng một hình ảnh vật chất rất cụ thể để diễn tả một khái niệm trừu tượng là sự trẻ trung, trinh trắng, ngây thơ. Hình ảnh cây lụa trắng trong cách so sánh này còn hay ở chỗ là phù hợp với các từ cùng nằm trong trường nghĩa (các từ chỉ nghề dệt). Đặc biệt câu thơ cuối khổ, cô gái cũng đã nói được cái điều muốn nói, cái điều mà đối tượng quan tâm đang cần biết: mình chưa có người yêu, gia đình chưa gả bán cho ai.

Sau lời tự giới thiệu, cô gái bắt đầu thể hiện cái trạng thái xốn xang, rạo rực yêu đương của một tâm hồn vừa mới lớn, đang thổn thức mối tình đầu. Điều diệu kỳ ở đây là Nguyễn Bính đã để cho cô gái hiện lên với hai vai, vừa trong vai trò của người dẫn chuyện vừa trong vai trò là đối tượng chính của câu chuyện. Xuất hiện trong vai trò của người dẫn chuyện, tác giả để cho cô gái kể lại những sự việc đang diễn ra theo thực tế khách quan: mưa xuân phới phới bay, hoa xoan rụng từng lớp, hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ, mẹ bảo: thôn Đoài hát tối nay. Còn trong vai trò là nhân vật chính của câu chuyện thì cô gái đang thổ lộ, bộc bạch nỗi niềm đang yêu của mình: “Lòng thấy giăng tơ một mối tình/ Em ngừng thoi lại giữa tay xinh/ Hình như hai má em bừng đỏ/ Có lẽ là em nghĩ đến anh”, kể lại cái việc chuẩn bị cho hành động “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” của bản thân: khi hàng xóm lên đèn, ngửa tay trước hiên thấy mưa chấm lạnh (nhằm xem mức độ mưa như thế nào), suy nghĩ (phỏng đoán) đối tượng của mình cũng sang xem. Khi thể hiện cô gái trong vai trò người dẫn chuyện, lời thơ của Nguyễn Bính tỏ ra khách quan nhưng đằng sau đó người ta vẫn nhận ra không ít điều chủ quan của người kể chuyện. Tinh ý, người đọc sẽ thấy bức tranh tả cảnh đang nhuốm màu tâm trạng của gái đang yêu. Có thế thì bức tranh mới có cái cảnh “mưa xuân phơi phới bay”, “hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”. Từ láy “phơi phới” vừa diễn tả đúng cảnh mưa mùa xuân nhưng cũng vừa thể hiện được sự hớn hở đang diễn ra trong lòng người. Cũng như vậy, từ láy “lớp lớp” cũng gợi lên một con đường trải thảm hoa xoan, một loài hoa tiêu biểu của mùa xuân ở làng quê với những cánh trắng phơn phớt tím rất duyên dáng và đáng yêu. Bức tranh xuân như thế bảo sao không đẹp, không đáng yêu. Và cứ lấy cái quy luật tâm lý mà đo thì hẳn ta sẽ thấy nếu lòng không vui thì sao có cảnh huyền ảo, diệu kỳ đến như thế được. Ở đây phải chăng nhà thơ chân quê cũng đã học được cái nghệ thuật tả cảnh ngụ tình rất vi diệu của người xưa chăng? Với vai trò là nhân vật chính của câu chuyện, Nguyễn Bính để cho cô gái kín đáo thể hiện cái rạo rực tình đầu trong vẻ “phơi phới” tựa như “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Ở đây nhà thơ đã sử dụng thủ pháp đối thoại nội tâm (Hình như hai má em bừng đỏ/ Có lẽ là em nghĩ đến anh) và độc thoại nội tâm (Thế nào anh ấy chả sang xem) để tái hiện câu chuyện. Cô gái đã tưởng tượng đối tượng của mình như đang hiện ra trước mặt để trò chuyện, tâm sự. Nguyễn Bính đã sử dụng các từ chỉ tình thái “hình như”, “có lẽ” để diễn tả rất tinh tế cái tâm trạng vừa e thẹn, lúng túng vừa thích thú, yêu thương khi đối diện với người khác giới ở cái thủa ban đầu. Cùng với đối thoại trong tưởng tượng, nghệ thuật độc thoại nội tâm trong cô cũng đã góp phần thể hiện cái sự tương tư đang diễn ra mạnh mẽ trong lòng người. Và cái sự tương tư mãnh liệt này sẽ là căn nguyên đang thôi thúc cô tiến tới hành động.

2. Mùa xuân - mùa của hy vọng.

Nếu xuân của đất trời là một chất xúc tác làm cho xuân của lòng rạo rực, khiến “nhựa sống ở trong người căng lên” thì sau những suy tưởng, cô gái đã có những hành động “xin phép mẹ” rồi “vội vàng đi” cũng là điều dễ hiểu. Cái vội vàng của cô lại làm người ta liên tưởng tới hành động “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” của nàng Kiều. Cô thôn nữ trong bài thơ của Nguyễn Bính đã bỏ qua những định kiến ràng buộc của lễ giáo phong kiến để đi theo sự mách bảo của con tim, giống như “vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa”.

Đọc phần sau của bài thơ ta thấy có hai nét tâm trạng đối lập nhau đang diễn ra trong lòng cô gái, tương ứng với hành động lúc khởi đầu đi xem hội và khi tan hội trở về nhà. Lúc ra đi, cô gái trong nỗi niềm nâng nâng, háo hức; khi trở về, bước chân cô có vẻ nặng nề với những bước đi “lầm lụi”. Cô gái xin phép mẹ đi xem hát nhưng việc đó chỉ là cái cớ thôi. Đến hội cô đâu có xem: “Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm/ Em mải tìm anh chả thiết xem”, “Chờ mãi anh sang, anh chẳng sang/ Thế mà hôm nọ hát bên làng/ Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn/ Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng”. Hóa ra cái đích của việc xem hội là “cọc” đi tìm “trâu”. Nhưng cái việc tìm gặp ấy cũng bất thành. Nguyễn Bính đã thể hiện những nét tâm trạng rất tinh tế của trái tim đang lỗi nhịp này bằng việc sử dụng rất thành công nghệ thuật tả cảnh ngụ tình. Trước khi xin mẹ cho đi xem hội, cô gái đưa tay ra hiên nhà và thấy “Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh”. Bởi vì trong lòng hò hẹn đầy hân hoan nên cô thấy đấy chỉ là cơn “mưa bụi”, “không ướt áo”. Tất nhiên trong tâm trạng ấy thì con đê sang thôn Đoài dù có dài đến mấy thì cũng chỉ là “một thôi đê” (đoạn đường ngắn, không đáng kể). Tuy nhiên khi chuyện hẹn hò bị “nhỡ nhàng” khiến cô trở nên “lầm lụi trên đường về” trong tâm trạng “lạnh lùng thêm tủi với canh khuya” thì cơn mưa và quãng đê ấy cũng sẽ không còn như vậy nữa. Trái lại quãng đê như dài ra “có ngắn gì đâu một dải đê” và cơn mưa không ướt áo ấy giờ cũng đã thành nặng hạt. Thậm chí, “mưa xuân phơi phới bay” giờ cũng trở thành đã “mưa xuân đã ngại bay”, hoa xoan “lớp lớp” trên đường đầy mơ mộng cũng trở nên “nát dưới chân giày”. Đúng là “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Xem ra nghệ thuật tả cảnh ngụ tình vẫn chưa lột tả hết nỗi niềm nên nhà thơ còn sử dụng thêm biện pháp tu từ nhân hóa để tô đậm sự hụt hẫng của mối tình đơn phương: “Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh/ Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em”.

Cùng với nhân vật chính là cô gái trong mối tình đơn phương, bài thơ còn có một nhân vật phụ là bà mẹ. Bà mẹ cô gái trong bài thơ hiện lên là một người phụ nữ đã từng trải và cũng rất tinh tế, nhẹ nhàng. Bà như thấu cảm trái tim yêu của con gái. Luôn đồng hành, dõi theo và chia sẻ, nâng đỡ cho con. Ở phần đầu của bài thơ, khi thấy “hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ” thì bà đã bảo với cô gái: “Thôn Đoài hát tối nay”. Có lẽ câu nói này không chỉ đơn giản là một lời thông báo mà còn là một lời nhắc nhở con gái. Phải chăng bà đã nhận ra những thay đổi trong tâm lý của đứa con gái mới lớn. Những rung động đầu đời ấy bà đã từng trải qua cho nên khi con gái xin phép đi xem hội bà đã không hề cấm cản. Và khi con gái tan hội trở về với một nỗi buồn hò hẹn “nhỡ nhàng” trên khuôn mặt thì bà cũng sẵn sàng chia sẻ với con bằng một câu nói tựa như lời thở dài nhưng chẳng bâng quơ: “ Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ/ Mẹ bảo: Mùa xuân đã cạn ngày". Mùa xuân cạn ngày là đã hết mùa xuân, hết hát hội. Cũng có nghĩa là hết cơ hội hẹn hò cho con gái. Phải chăng đây cũng là sự chia sẻ với con gái một cách đầy ý nhị.

Mùa xuân là cũng là mùa của hy vọng nên dù có “cạn ngày” thì cô gái trong bài thơ cũng không hết hy vọng. Bởi thế ở khổ thơ cuối của bài thơ Nguyễn Bính trở lại với nghệ thuật đối thoại nội tâm nhằm tái hiện cái niềm hy vọng của cô gái: “Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày/ Bao giờ em mới gặp anh đây?/ Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ/ Để mẹ em rằng hát tối nay?” Nhà thơ đã dùng biện pháp tu từ điệp ngữ để cho cô gái liên tiếp hỏi chàng trai “bao giờ …?”, “bao giờ …?”. Nghệ thuật điệu ngữ và câu nghi vấn đó đâu phải chỉ là để nhấn mạnh cái khát vọng cháy bỏng của cô gái mới lớn mà còn để nhen lên những hy vọng mới vào mùa xuân sau trong trái tim yêu.

Câu chuyện tình của một cô gái mới lớn yêu đơn phương được Nguyễn Bính tái hiện lại trong bài thơ thất ngôn trường thiên rất duyên dáng và đáng yêu. Và bài thơ được khép lại bằng một sự “nhỡ nhàng” đầy thi vị để gieo vào lòng người đọc những nỗi niềm cảm thương man mác. Ngót chín mươi mùa xuân đã đi qua nhưng bài thơ vẫn giữ nguyên được những nét hiện đại cùng những rung cảm vô tư, trong sáng như thủa ban sơ vốn có. Nó phảng phất nét buồn nhưng không đau, một nỗi buồn trong sáng và ẩn chứa những niềm tin như những mùa xanh tràn trề hy vọng. Đây cũng chính là giá trị nhân bản của bài thơ. Giờ đây “Mưa xuân” đã được đưa vào chương trình Ngữ văn lớp 9 (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống) để trả lại vị trí đáng có của nó trong lòng người đọc.

__________________

*Trường THCS Nguyễn Văn Huyên, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội

Thu Hiền*

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/mua-xuan-tinh-yeu-va-hy-vong-a23875.html