Mùa Hè đắt đỏ nhất lịch sử của du lịch Pháp và Italy

Mùa Hè năm nay, mức giá là điều khiến du khách đến Pháp và Italy lo lắng nhất, thậm chí làm họ quan ngại. Giá leo thang lên mức kỷ lục trong mùa du lịch cao điểm, đặc biệt là vào tháng Tám.

Du khách tham quan bảo tàng Louvre tại Paris, Pháp. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nhật báo Le Figaro của Pháp cho biết, mùa Hè năm nay, mức giá là điều khiến du khách đến Pháp và Italy lo lắng nhất, thậm chí làm họ quan ngại. Giá leo thang lên mức kỷ lục trong mùa du lịch cao điểm, đặc biệt là vào tháng Tám.

*Quy luật cung-cầu?

Câu hỏi đặt ra là liệu tình trạng đó có phải do quy luật cung - cầu? Không hẳn vậy. Hóa đơn tăng cao thể hiện tại từng công đoạn của kì nghỉ. Cho dù bạn đi ô tô, máy bay hay tàu hỏa, mọi thứ đều đắt hơn. Tại nhà hàng, hóa đơn cũng trở nên cao hơn. Từ việc thuê xe đến uống bia ngoài trời, tất cả các nhà cung cấp dịch vụ du lịch dường như đã mất kiểm soát về mức giá của họ. Do nhu cầu du lịch bùng phát sau đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp du lịch đang tận dụng để tăng giá khi nhu cầu vẫn rất cao.

Theo MKG Group - một tập đoàn chuyên ngành khách sạn, tại Pháp, giá khách sạn đạt mức kỷ lục, tăng 32% vào tháng 7/2023 so với cùng kỳ năm 2019. Ba du khách đi nghỉ vào đầu tháng 8 trong 15 ngày tại đảo Corse cho biết: ‘‘Tôi thấy giá cả tại đây như ở Paris vậy’’. Vé máy bay và chỗ ở đã được họ đặt từ nhiều tháng trước. Dù đã quyết tâm để tận hưởng vui chơi tại đây một cách hợp lý, nhưng ba du khách này đã phải thất vọng. Họ nói: "Chúng tôi sẽ đi ăn ngoài ít hơn so với dự định, vì mức giá từ 25 euro (27,4 USD) đến 30 euro (32,9 USD) cho một món ăn và chúng tôi không thể chi trả như vậy mọi lúc. May mắn là chúng tôi đã thuê một căn hộ đầy đủ tiện nghi, có bếp nấu ăn. Tại bãi biển, vào ngày giữa tuần, giá thuê ghế xếp có ô che cũng tăng lên 25%. Chúng tôi được giải thích đó là mức giá tháng Tám. Chúng tôi sẽ đến đó ít hơn".

Những người khác không chờ đến khi đến nơi mới hạn chế các khoản chi tiêu của họ. Nhiều người đã từ bỏ kế hoạch đi nghỉ tại đảo Corse. Thường quen với sự tấp nập vào những ngày lễ lớn, nhưng mùa Hè này hòn đảo xinh đẹp lại trải qua một sự yên ả bất thường, với tỷ lệ khách đến nghỉ dưỡng giảm trong tháng Sáu.

Lạm phát đã làm cho việc du lịch trở nên khó khăn hơn cho một số người và họ phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ kế hoạch đi nghỉ của mình. Theo ADN Tourisme, Liên đoàn của các tổ chức du lịch, thời gian lưu trú trung bình ở Pháp đã giảm từ 9 ngày xuống còn 8,5 ngày. Các khoản chi tiêu cho giải trí đã giảm để bù cho chi phí thuê chỗ ở tăng cao. Các địa điểm du lịch ở gần được ưu tiên lựa chọn hơn. Mùa Hè này, những người sống tại vùng Île-de-France và phía Bắc nước Pháp đến miền Nam ít hơn, thay vào đó họ đến Bretagne và Normandie nhiều hơn.

Nhiều người Pháp đã chọn đi thăm bạn bè và gia đình, hoặc những điểm đến phù hợp hơn về mặt kinh tế, thay vì các khu nghỉ dưỡng tại Pháp. Tunisia là một địa điểm điển hình, đã thu hút số lượng người Pháp đi tới đó tăng 18% so với tháng 7/2022, bất chấp nhiệt độ cao.

Italy cũng đã chứng kiến sự thay đổi rõ rệt. Theo Furio Truzzi, Chủ tịch của Hiệp hội người tiêu dùng (Assoutenti), mùa Hè năm 2023 sẽ trở thành mùa Hè đắt đỏ nhất mọi thời đại. Điều này đã khiến ngày càng nhiều người Italy ở nhà thay vì đi du lịch. Theo Viện Youtrend, 62% người dân Italy dự kiến sẽ đi nghỉ trong năm nay, giảm so với tỷ lệ 71% năm 2021. Theo Codacons, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng tại Italy, giá vé máy bay đã tăng vọt, nhất là các chuyến bay nội địa (tăng 50% tính đến cuối tháng Bảy so với cùng kỳ năm trước), đặc biệt là các chuyến bay đến các đảo, từ Naples đến Olbia (tăng khoảng gấp đôi), từ Rome đến Trapani. Bằng cách tích hợp các đặt chỗ, các thuật toán của các hãng hàng không đã dự đoán sự bùng nổ nhu cầu trong mùa Hè này, trong khi số lượng chỗ trên các chuyến bay vẫn còn ít hơn so với trước đại dịch.

Các dịch vụ vận chuyển bằng phà cũng đã tăng giá 13%, giá vé tàu tăng 6%. Giá khách sạn đã tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, với sự tăng mạnh tại các thành phố nghệ thuật. Đứng đầu là Florence, nơi giá khách sạn và phòng trọ đã tăng 53% so với năm trước. Vị trí thứ hai là Palermo (tăng 35,9%), tiếp theo là Milan (tăng 27,7%), Olbia (tăng 27,2%), Venise (tăng 25,5%) và Rome (tăng 20,9%). Giá đồ giải khát cũng ngày càng đắt đỏ, giá nước uống và kem tăng 20%. Giá thuê ô dù che trên các bãi biển riêng tư đã tăng đến 50%.

Mặc dù khách nội địa giảm, nhưng không hề thấy những người làm việc trong ngành du lịch than phiền: Dù có ít khách hàng Italy hơn nhưng du khách nước ngoài đang bù đắp cho sự sụt giảm này. Số lượng khách du lịch quốc tế đã vượt qua mức năm 2019 (dự kiến có 101 triệu lượt khách đến, tăng 1% so với năm 2019), nhưng mọi người lấy làm tiếc về tình trạng du lịch quá tải ở những điểm đến nổi tiếng nhất, không chỉ ở Rome, Florence và Venise. Trên bờ biển Amalfi và trong vùng núi Trentin-Haut-Adige, nơi những con đường đi bộ được ưa thích nhất của Dolomites xung quanh các hồ Garde, Braies và Carezza cũng đông đúc như đi qua del Corso vào một buổi chiều thứ bảy ở Rome. Thậm chí nhiều nơi rơi vào tình trạng "du lịch không được kiểm soát". Một số người đề xuất việc hạn chế số lượng du khách tại các thung lũng, thông qua việc đăng ký đặt chỗ trước để tiếp cận, tương tự như cách được áp dụng tại hồ Braies.

*Ngưỡng giới hạn của sự tăng giá

Du lịch toàn cầu được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển, song các nhà cung cấp dịch vụ du lịch cần phải đảm bảo rằng chất lượng dịch vụ của họ phải tương xứng với mức giá mà khách hàng phải trả. Tuy nhiên, thực tế không hẳn là như vậy, việc tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn cao ngày càng trở nên phức tạp. Khi người tiêu dùng chấp nhận hy sinh các nhu cầu khác để duy trì kỳ nghỉ của mình, họ muốn nhận được thứ xứng đáng với giá trị đồng tiền bỏ ra. Nhưng ngày càng nhiều khách du lịch cảm thấy "bị lừa gạt". Thậm chí ngay cả những người giàu có cũng không ngần ngại chỉ trích khi giá cả trở nên quá cao. Một du khách phản ứng: "62 euro cho một đĩa cà chua kèm burrata. Kể cả là trên bãi biển Saint-Tropez, tôi cũng không hiểu nổi".

Có một ngưỡng giới hạn không nên vượt qua và có vẻ như đà tăng giá đã đạt đến ngưỡng đó. Vanguelis Panayotis, Chủ tịch MKG Group, nhấn mạnh: "Chúng ta đã đến một ngưỡng khó có thể chấp nhận. Kể từ tháng 6/2023, người tiêu dùng đã trở nên nhạy cảm hơn đối với sự tăng giá của các sản phẩm và dịch vụ du lịch, làm cho việc tăng giá trở nên khó hơn". Kết quả là tại Pháp, nhiều chương trình khuyến mãi được đưa ra trong tháng Bảy và thậm chí cả tháng Tám, tuy nhiên hầu hết các cơ sở lưu trú thương mại vẫn còn chỗ trống. Dường như như khách hàng đang quay lưng lại với du lịch đắt đỏ. Việc tăng giá đã đến lúc phải dừng lại./.

Thu Hà (P/v TTXVN tại Pháp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/mua-he-dat-do-nhat-lich-su-cua-du-lich-phap-va-italy/302399.html