Một thế giới đang chuyển mình

Năm 2023 chứng kiến một trật tự quốc tế đang trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ và toàn diện với nhiều hệ lụy địa chính trị sâu rộng.

Ảnh minh họa

Hướng tới thế giới đa cực

Trong bối cảnh các quốc gia tầm trung ngày càng vươn lên mạnh mẽ, khoảng cách về quyền lực giữa hai siêu cường và nhóm những nước có ảnh hưởng khác dường như đang thu hẹp dần. Tuy các học giả quốc tế vẫn tiếp tục tranh luận về việc thế giới hiện nay là đa cực hay lưỡng cực, song nhiều ý kiến cho rằng xu thế tất yếu về lâu dài vẫn sẽ hướng tới một thế giới đa cực.

Lý do bởi những trạng thái đơn cực hay lưỡng cực thường không ổn định và khó duy trì về lâu dài, đặc biệt trong kỷ nguyên của toàn cầu hóa, khi mà quyền lực có xu hướng phân tán hơn là tập trung vào bất kỳ quốc gia nào. Vai trò ngày một lớn hơn của Ấn Độ và Indonesia trong nhóm Nam bán cầu cùng thách thức mà Nga đặt ra đối với nhóm các nước phương Tây do Mỹ dẫn dắt là minh chứng cho thấy ngày càng có nhiều sự bất mãn đối với trật tự hậu 1945.

Điều này gần sẽ tạo sức ép rất lớn để buộc các nước phải đàm phán lại các chuẩn mực ứng xử, “luật chơi” hiện hành và lớn hơn là các cấu trúc khu vực và quản trị toàn cầu trong một tương lai không xa.

Tuy nhiên, đây không phải là một kết cục tất yếu bởi lịch sử hiện đại chưa có trường hợp chuyển giao trật tự toàn cầu nào một cách hòa bình thực thụ. Hệ thống Hòa hợp quyền lực châu Âu chỉ được sinh ra sau khi chiến tranh Napoleon đã phá bỏ toàn bộ trật tự cai quản quan hệ giữa các cường quốc châu Âu. Chỉ sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Mỹ và Liên Xô mới có thể thiết lập trật tự lưỡng cực. Trường hợp ngoại lệ duy nhất là Mỹ bước vào kỷ nguyên đơn cực sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991.

Tuy nhiên, hai siêu cường này đã cạnh tranh với nhau quyết liệt và toàn diện trong hơn bốn thập kỷ trước đó, và gián tiếp đối đầu nhau trong nhiều xung đột lớn của thế kỷ XX. Do đó, có thể nói rằng chưa thực sự có trường hợp nào trật tự thế giới chuyển đổi trạng thái mà không có biến cố lớn xảy ra.

Trong năm 2023, các cường quốc tốp đầu tiếp tục cạnh tranh toàn diện song đang có một số dấu hiệu cho thấy Mỹ đang tìm cách hạ nhiệt căng thẳng với cả Trung Quốc và Nga. Bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC vừa qua ở thành phố San Francisco, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã đối thoại trực tiếp lần đầu sau một năm kể từ khi hai bên gặp mặt tại Bali vào tháng 11/2022. Tuy cuộc gặp cấp cao này chưa tạo ra một sự đột phá trong quan hệ Mỹ - Trung nhưng hai bên cũng đạt được đồng thuận trong một số vấn đề quan trọng, đặc biệt là khôi phục kênh liên lạc giữa hai quân đội.

Với Nga, bất chấp tình hình chiến sự cam go ở Ukraine, Mỹ vẫn quyết định gửi lời mời Nga tham dự APEC như một cách nhằm từng bước phá băng quan hệ. Một điểm đáng chú ý khác là trong những phỏng vấn gần đây, cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ Mark Milley nhiều lần nhắc lại nhận định trước đây của ông rằng Ukraine nên đàm phán với Nga ở thời điểm tình hình trên chiến trường đang thuận lợi và rằng xung đột này chỉ có thể kết thúc bằng một giải pháp ngoại giao.

Nỗ lực quản trị quan hệ

Nhìn chung, các nước lớn vẫn ưu tiên lợi ích của mình và tìm cách khống chế đối thủ, song vẫn có những nỗ lực nhất định để quản trị các mối quan hệ, tránh để các mâu thuẫn leo thang thành xung đột vũ trang. Trong tương lai gần, có thể kỳ vọng rằng quan hệ Mỹ-Trung sẽ tốt lên đáng kể (dù không có chuyển biến về chất), đặc biệt nếu ông Biden thắng cử trong kỳ bầu cử tới.

Hai yếu tố mấu chốt khác ảnh hưởng tới chiều hướng cũng như khả năng cải thiện của quan hệ Mỹ-Trung sẽ là sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc và quyết tâm “giảm rủi ro” (de-risking) của Mỹ và các đồng minh Tây Âu. Quan hệ Mỹ-Nga sẽ tiếp tục là một ẩn số lớn bởi cả những yếu tố cá nhân như ông Putin lẫn những diễn biến trên chiến trường Ukraine có thể tương tác với nhau theo nhiều cách phức tạp để tác động tới quan hệ Nga - Mỹ.

Chiến dịch phản công chậm tiến độ của quân đội Ukraine gần như đảm bảo rằng xung đột Nga-Ukraine sẽ không thể kết thúc sớm. Theo Metaculus, chỉ có 1% xác suất hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận ngừng bắn hoặc một hiệp ước hòa bình để chấm dứt xung đột hiện nay trước khi năm 2023 kết thúc. Cũng theo số đông các nhà dự báo trên trang này, phải đến quý 3 năm 2025 thì xung đột Nga-Ukraine mới có thể đi đến hồi kết. Đánh giá này là có cơ sở bởi hiện đã có một số thành viên NATO như Ba Lan, Slovakia quyết định ngừng hỗ trợ quân sự cho Ukraine và một bộ phận đáng kể trong chính giới Mỹ cũng đang đặt câu hỏi về cam kết tài chính – quân sự của nước này dành cho Ukraine.

Trong bối cảnh nền kinh tế Nga đã dần tìm được sự ổn định sau những làn sóng lệnh trừng phạt trong năm đầu tiên, và sự hậu thuẫn của phương Tây dành cho Ukraine đang giảm dần, sẽ khó có thể chấm dứt được xung đột này trong tương lai gần.

Một cú sốc lớn đối với thế giới nói chung và khu vực Trung Đông nói riêng là cuộc tấn công quy mô lớn của Hamas nhằm vào Israel ngày 7/10.

Sự kiện “Tê giác xám” này đã và đang làm gián đoạn tiến trình bình thường hóa quan hệ của Israel với các nước láng giềng trong thế giới Ả Rập, mà đáng kể nhất là Saudi Arabia. Nó cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành một cuộc chiến quy mô diện rộng với sự can thiệp của cả Hezbollah, Iran và Mỹ. Tuy đây là một cuộc xung đột phức tạp nhiều khả năng sẽ âm ỉ kéo dài song xác suất leo thang là không cao.

Về kinh tế, theo đánh giá của IMF, nền kinh tế toàn cầu sắp tới phải tiếp tục đối mặt với những tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 và hậu quả từ xung đột Nga-Ukraine, dẫn đến sự phục hồi chậm và không đồng đều. Tổ chức này cũng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống từ 3,5% vào năm 2022 xuống còn 3,0% vào năm 2023, và chỉ còn 2,9% vào năm 2024 (thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng trung bình 3,8% của giai đoạn 2000-2019). Sự suy giảm này rõ rệt hơn ở các nền kinh tế phát triển, đặc biệt ở khu vực đồng Euro. Thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển cũng phải đối mặt với sự suy giảm tăng trưởng, một phần đáng kể do cuộc khủng hoảng của lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc.

Lạm phát, mối lo ngại chính, được dự báo sẽ giảm đều đặn nhưng vẫn cao hơn mức mục tiêu, với lạm phát toàn cầu dự kiến sẽ giảm xuống 5,8% vào năm 2024. Bối cảnh toàn cầu còn phức tạp hơn do căng thẳng địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, tác động đến thương mại và góp phần gây biến động giá cả, đặc biệt là hàng hóa.

Tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn do những thách thức kinh tế mà Trung Quốc đang gặp phải và nguy cơ xảy ra những cuộc khủng hoảng sâu rộng hơn với những tác động toàn cầu. Ngoài ra, nợ cao và chi phí trả nợ, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp, cũng tạo ra rủi ro đáng kể. Mặc dù kịch bản “hạ cánh cứng” có thể đã giảm bớt nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về địa chính trị, làm phức tạp thêm quá trình phục hồi kinh tế nói chung và chuyển đổi sang kinh tế xanh nói riêng.

Cuối cùng, một trong những từ khóa quan trọng nhất năm 2023 là “công nghệ” với bước đột phá lớn đến từ lĩnh vực trí tuệ nhân tạo sau khi công ty OpenAI tung ra ChatGPT. Phần mềm này đã nhanh chóng trở thành tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận, gióng lên hồi chuông cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn mà lĩnh vực AI có thể đặt ra đối với toàn nhân loại trong cả tương lai gần lẫn tương lai xa.

Công nghệ nói chung và AI nói riêng không những có thể thay đổi đáng kể cán cân quyền lực giữa các quốc gia, thay đổi cách các nước tiến hành chiến tranh, mà còn có thể làm đảo lộn hoàn toàn trật tự quốc tế, hoặc trong kịch bản cực đoan nhất là tạo ra một chủng loài có khả năng thống trị con người. Vì lẽ đó, nước Anh mới đây đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh AI lần đầu tiên với sự tham dự của đại biểu đến từ 28 quốc gia.

Sự kiện này cho thấy các quốc gia hiểu được cả cơ hội lẫn thách thức mà AI đặt ra, và rằng sẽ cần có một nỗ lực hợp tác đa phương để định hướng quỹ đạo phát triển của công nghệ này, đồng thời kiểm soát những nguy cơ tiêu cực nhất của nó.

Ngô Di Lân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mot-the-gioi-dang-chuyen-minh-254343.html