Một số vấn đề mới về dân tộc ở nước ta hiện nay

Ngày 29-11, tại Hà Nội, Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo 'Một số vấn đề mới về dân tộc ở nước ta hiện nay'.

Hội thảo nhận được tài trợ một phần kinh phí của Quỹ Đổi mới sáng tạo, Tập đoàn Vingroup.

Theo thông tin từ hội thảo, quá trình đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung và ở vùng dân tộc thiểu số nói riêng khá nhanh. Tuy nhiên, cùng với những kết quả đã đạt được, ở nước ta hiện nay còn có một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết. Đó là các vấn đề về ý thức quốc gia dân tộc, sự phân hóa xã hội, chênh lệch khoảng cách phát triển, nhất là mức độ giàu nghèo giữa các vùng, miền, giữa các dân tộc và trong từng dân tộc; tình trạng suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường…

Các đại biểu dự hội thảo.

Tại hội thảo, các tham luận đề cập đến những vấn đề mới trên nhiều lĩnh vực từ các góc độ tiếp cận khác nhau. Các đại biểu sôi nổi tranh luận, bàn thảo một số vấn đề về ý thức tộc người và ý thức quốc gia - dân tộc; dân tộc ở vùng biên giới, liên biên giới và xuyên quốc gia. Đặc biệt, hội thảo đưa ra những vấn đề mới về thực hiện chính sách dân tộc, nhất là chính sách đặc thù dành riêng cho các dân tộc thiểu số rất ít người của Đảng và Nhà nước ta.

TS Nguyễn Thị Tám phát biểu tham luận tại hội thảo.

TS Nguyễn Thị Tám (Viện Dân tộc học) đưa ra các quan điểm, cách nhìn và việc thực hiện chính sách đối với dân tộc thiểu số rất ít người Brâu ở vùng biên giới tỉnh Kon Tum.

Trên cơ sở phân tích thực trạng đời sống của người Brâu, bước đầu đánh giá những thành công, hạn chế của các dự án phát triển, tác giả cho rằng: "Các đề án, dự án phát triển sản xuất cần có sự phân bổ tập trung, cần lựa chọn một số nhân vật có tư duy làm ăn trong cộng đồng để hướng dẫn, hỗ trợ họ phát triển mô hình sản xuất. Từ những mô hình triển vọng, có thể nhân rộng để những hộ khác học tập, không chỉ có người Brâu mà còn cả những dân tộc thiểu số tại chỗ, từ đó rút dần khoảng cách so bì giữa các tộc người".

Nghiên cứu về chính sách phát triển kinh tế đối với dân tộc rất ít người Ơ Đu ở tỉnh Nghệ An, TS Bùi Minh Hào (Tạp chí Sông Lam) phân tích các điểm mạnh cũng như những hạn chế cần khắc phục. TS Bùi Minh Hào cho rằng, cần những chính sách hợp lý và hiệu quả để giúp họ tiếp cận các nguồn lực xã hội để vươn lên. Muốn vậy cần nhìn lại một số vấn đề quan trọng trong việc xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển dành cho các dân tộc rất ít người, dựa vào các tiêu chí xác định đối tượng cần hỗ trợ cũng như cách tiếp cận, đánh giá các nội dung hỗ trợ…

Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định và thực hiện chính sách dân tộc, giải quyết tốt hơn các vấn đề dân tộc ở nước ta. Từ đó góp phần phát triển bền vững các tộc người, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay.

Tin, ảnh: THỦY TIÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/dan-toc-ton-giao/mot-so-van-de-moi-ve-dan-toc-o-nuoc-ta-hien-nay-753458