Mỗi năm thêm 172.000 người mắc mới, Việt Nam là quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao

Việt Nam là 11/30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao; 11/30 quốc gia có gánh nặng lao đa kháng thuốc. Năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới ước tính mỗi năm Việt Nam có thêm 172.000 người mắc mới bệnh lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao.

Việt Nam là 11/30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao

Báo cáo tại cuộc họp về công tác phòng chống lao tại Việt Nam và chuẩn bị đánh giá, tổng kết 10 năm triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp đã đề ra trong Quyết định số 374/QĐ-TTg ngày 17/3/2014 về việc Phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 ngày 5/4 diễn ra ở Bộ Y tế với sự chủ trì của GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Bình Hòa – Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi TW cho biết, COVID-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến tình hình chống lao tại Việt Nam.

GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh quyết tâm bằng mọi cách để đạt mục tiêu thanh toán bệnh lao.

Trong 2 năm diễn ra dịch COVID-19, công tác phòng chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch.

"Có thể nói dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam vẫn còn rất nặng nề, tốc độ giảm quá chậm và kinh phí đầu tư cho công tác chống lao rất thấp"- ông Hòa cho biết và thông tin thêm: Theo số liệu của giữa năm 2021 so với năm 2019, chúng ta đứng thứ 7 trong 10 nước có tỷ lệ giảm phát hiện lao cao nhất thế giới. Cùng đó Việt Nam là 11/30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao; 11/30 quốc gia có gánh nặng lao đa kháng thuốc.

Mỗi năm nước ta có khoảng 9.200 ca bệnh nhân lao đa kháng thuốc mới mắc, chiếm 4,5% trong nhóm bệnh nhân lao mới và 15% trong nhóm đã từng điều trị. So với miền Bắc và miền Trung, dịch tễ lao tại miền Nam còn nặng nề hơn rất nhiều, đặc biệt tại các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ với khoảng 400 đến 500 ca lao trên 100.000 dân.

TS Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Phổi TW và PGS.TS Nguyễn Bình Hòa – Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi TW phát biểu tại cuộc họp.

Năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới ước tính mỗi năm Việt Nam có thêm 172.000 người mắc mới bệnh lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông.

Theo đại diện Bệnh viện Phổi TW số bệnh nhân lao được phát hiện hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính (>100.000 bệnh nhân). Như vậy sẽ có trên 40% bệnh nhân lao nằm trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị.

Quyết tâm bằng mọi cách để đạt mục tiêu thanh toán bệnh lao

Qua nghe báo cáo về kết quả phòng chống lao tại Việt Nam thời gian qua cũng như các ý kiến thảo luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đánh giá cao vai trò điều phối của Bệnh viện Phổi TW cũng như Chương trình phòng chống lao Quốc gia đã nỗ lực cùng các đơn vị liên quan trong thực hiện các hoạt động phòng chống lao. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng trong công tác phòng chống lao ở nước ta vẫn còn không ít khó khăn, cần quyết liệt có những giải pháp thực hiện để phấn đấu đạt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Quang cảnh cuộc họp.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn giao Bệnh viện Phổi TW hoàn thiện báo cáo tổng thể dựa trên nội dung của sẵn có và những ý kiến đóng góp của các vụ cục tại cuộc họp để giúp Bộ Y tế có nhận định cụ thể tình hình phòng chống lao hiện nay và nguyên nhân sâu xa của những vướng mắc, khó khăn đó là do đâu.

Những vướng mắc do thể chế, chính sách, những vướng mắc do thanh toán BHYT, vướng mắc về tài chính và những tồn tại về truyền thông, ý thức của người dân, sự quan tâm đầu tư của địa phương trong công tác phòng chống lao còn chưa thỏa đáng…

"Từ những khó khăn đó đưa ra những giải pháp đầy đủ và chi tiết, quyết tâm bằng mọi cách để mục tiêu thanh toán bệnh lao năm 2030 là không thay đổi"- GS.TS Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thứ Trưởng Trần Văn Thuấn yêu cầu Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Cục Y tế dự phòng phối hợp, hỗ trợ Bệnh viện Phổi TW xây dựng đề án để thực hiện được Nghị quyết 42 của Trung ương về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới trong đó có mục tiêu cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét năm 2030 trình Chính phủ.

"Trong đề án cần đưa ra đầy đủ các giải pháp quyết liệt để phòng chống lao, có thể đưa chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương, phân bổ ngân sách cho hoạt động phòng chống lao tại địa phương. Xác định việc chấm dứt Bệnh lao vào năm 2030 là mục tiêu chính trị để khẳng định vị trí, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn lưu ý.

Đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị liên quan của Bộ Y tế đã cùng thảo luận, trao đổi về kết quả trong phòng chống lao cũng như những khó khăn trong công tác này ở nước ta...

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn yêu cầu Bệnh viện Phổi TW cần sớm hoàn thành báo cáo tổng kết 10 năm hoạt động phòng chống lao quốc gia, kết hợp với Cục Quản lý Khám chữa bệnh rà soát lại quy trình chuyên môn, kĩ thuật và khẩn trương kiện toàn Ban chỉ đạo Phòng chống lao quốc gia, chỉnh sửa quy chế cho phù hợp với tình hình hiện tại, phối hợp với Vụ Kế hoạch Tài chính xây dựng quy chế chi tiêu trong hoạt động của chương trình. Cùng đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành của Chương trình phòng chống lao Quốc gia.

Thứ trưởng lưu ý các Vụ, Cục và đơn vị chuyên môn cần quan tâm đến lĩnh vực y tế tư nhân để tránh bỏ sót và tạo ra lỗ hổng trong công tác phòng chống lao. Cùng đó, cần quan tâm hoàn thiện các lỗ hổng trong cơ chế, chính sách. Bệnh viện Phổi TW cần rà soát và có giải pháp xử lý kịp thời. Tất cả các công việc này trước ngày 15/4 phải xong và chuẩn bị để xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ...

Thái Bình/Ảnh: Trần Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/moi-nam-them-172000-nguoi-mac-moi-viet-nam-la-quoc-gia-co-ganh-nang-benh-lao-cao-169240405203120152.htm