Mốc hoàn thành bốn cây cầu dang dở nhiều năm ở TP.HCM

Cầu Nam Lý, Tăng Long, Phước Long, Rạch Đỉa là những dự án chậm tiến độ suốt nhiều năm qua ở TP.HCM. Hiện, các công trình này đã có mặt bằng và được thúc đẩy thi công để hoàn thành trong giai đoạn 2024-2025.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, cuối tháng 10, ngành giao thông TP.HCM ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực khi khởi động lại hàng loạt dự án trên địa bàn. Trong đó, cầu Tăng Long (TP Thủ Đức), cầu Phước Long, Rạch Đỉa (nối quận 7 và huyện Nhà Bè) là những dự án bị chậm tiến độ được người dân chờ đợi nhiều năm qua.

Ngoài ra, dự án cầu Nam Lý (TP Thủ Đức) sau 6 tháng tái thi công đã có thể hợp long nhịp chính. Theo kế hoạch, cầu sẽ được thông xe vào dịp 2/9/2024.

Cầu Nam Lý vượt sông Rạch Chiếc dài 750m, phần cầu dài 450m, rộng 20m, còn lại là đường dẫn rộng 30-37m. Công trình có vốn đầu tư 919 tỷ đồng khởi công tháng 10/2016 để thay cầu cống đập Rạch Chiếc đã xuống cấp.

Cầu đã hoàn thành 40% tiến độ rồi ngừng thi công từ tháng 4/2019 do vướng mặt bằng 3 tổ chức và 51 hộ dân trên đường Đỗ Xuân Hợp. Đến tháng 4 vừa qua, mặt bằng dự án mới được bàn giao và sau nửa năm thi công, cầu đã có thể hợp long.

Cầu Nam Lý dài 750m đã có thể hợp long, dự kiến hoàn thành vào dịp 2/9/2024 (Ảnh: H.M).

Công trình này được phê duyệt từ năm 2008, phê duyệt điều chỉnh dự án vào năm 2011 rồi phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện đến năm 2024 vào hồi tháng 4/2022.

Cầu Nam Lý được xây dựng nhằm đồng bộ với đường Đỗ Xuân Hợp, đáp ứng nhu cầu vận tải, phù hợp với mức độ đô thị hóa của khu vực TP Thủ Đức và đảm bảo yêu cầu giao thông đường thủy của sông Rạch Chiếc sau khi cải tạo.

Cách cầu Nam Lý hơn 6km là công trình cầu Tăng Long nằm trên đường Lã Xuân Oai (TP Thủ Đức) bắc qua rạch Trau Trảu. Cầu rộng 23m, dài 231m, đáp ứng 4 làn xe và lề bộ hành hai bên. Tổng vốn đầu tư được điều chỉnh tăng từ hơn 450 tỷ đồng lên hơn 688 tỷ đồng hồi tháng 7/2022.

Công trình cầu Tăng Long vừa được bàn giao mặt bằng, tái khởi động hôm 28/10, dự kiến thi công, hoàn thành công trình vào 30/4/2025.

Cầu Tăng Long trên đường Lã Xuân Oai (TP Thủ Đức). Ảnh: Quỳnh Danh.

Trước đó, cầu Tăng Long được phê duyệt vào tháng 10/2016, trải qua phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến năm 2024 hồi tháng 4/2022. Công trình khởi công hồi tháng 12/2017 rồi tạm ngừng thi công từ năm 2018 vì thiếu mặt bằng. Hiện, dự án đã hoàn thành nhịp đúc hẫng nhánh cầu trái và tường chắn phía Khu Công nghệ cao.

Ngoài ra, dự án cầu Phước Longnối Nhà Bè với quận 7 cũng vừa được thi công trở lại hồi cuối tháng 7 vừa qua. Công trình dự kiến được hoàn thành, thông xe vào tháng 12/2024.

Cầu Phước Long nằm trên tuyến đường Phạm Hữu Lầu. Trục Phạm Hữu Lầu kết nối đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè với đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7. Khi hoàn thành, cầu mới có chiều dài khoảng 380m, rộng 10,5m (cầu cũ rộng khoảng 3-4m).

Trước đó, cầu Phước Long được thực hiện từ năm 2020, nhưng phải tạm dừng thi công sau bốn năm vì vướng công tác giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư. Dự án được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ gần 398 tỷ đồng lên 748 tỷ đồng.

Bên cạnh cầu Phước Long, một cây cầu khác cũng dự kiến hoàn thành vào cùng tháng 12/2024 là cầu Rạch Đỉa.

Dự án cầu Rạch Đỉa nằm tại phường Tân Phong, kết nối quận 7 và huyện Nhà Bè. Đầu cầu rộng từ 14m đến 27m, dài khoảng 173m, kết nối với đường Lê Văn Lương hiện hữu.

Cầu Rạch Đỉa hiện hữu chỉ rộng từ 3-4m, thường xuyên bị ùn tắc giao thông do lượng phương tiện di chuyển lớn (Ảnh: Hữu Huy).

Sau khi hoàn thành, cầu Rạch Đỉa sẽ thay thế cầu cũ, đồng thời giúp giảm tải cho cầu Rạch Đỉa 2 trên đường Nguyễn Hữu Thọ.

Cầu này sẽ giải quyết một trong bốn điểm ùn tắc giao thông tại quận 7 và huyện Nhà Bè, gồm: Cầu Kênh Tẻ, ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh, ngã ba Huỳnh Tấn Phát - Bùi Văn Ba và cầu Phước Long, rút ngắn thời gian di chuyển từ huyện Nhà Bè sang quận 7 và ngược lại. Tổng mức đầu tư khoảng 513 tỷ đồng, từ vốn ngân sách thành phố.

Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết các dự án chậm tiến độ, kéo dài chủ yếu gặp khó khăn về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư. Quá trình thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thẩm định, phê duyệt đơn giá bồi thường, thiếu quỹ đất, nhà tái định cư cho người dân thuộc diện giải tỏa trắng và những người không đồng tình phương án bồi thường.

"Điều này dẫn đến thời gian thực hiện dự án bị kéo dài, phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án", đại diện Sở GTVT cho biết.

Thư Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/moc-hoan-thanh-bon-cay-cau-dang-do-nhieu-nam-o-tphcm-192231029161733615.htm