Mở rộng diện tích hồng không hạt Na Rì

Với mục tiêu nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, tạo sản phẩm hàng hóa có chất lượng, ngoài cây cam, quýt, huyện Na Rì chú trọng phát triển cây hồng không hạt.

Nông dân thôn Phiêng Cuôn, xã Sơn Thành mở rộng diện tích trồng cây hồng không hạt

Thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, huyện Na Rì chú trọng phát triển sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm trên cơ sở phát huy lợi thế địa phương, trong đó, phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Cam Xã Đoài, cam Đường Canh, quýt, bưởi da xanh, bưởi Diễn, hồng không hạt… Toàn huyện hiện có hơn 800ha cây ăn quả các loại.

Bên cạnh nâng cao năng suất, chất lượng cây ăn quả có múi, huyện tiếp tục xây dựng giá trị thương hiệu cho hồng không hạt, tiến tới đưa loại cây ăn quả này vào nhóm sản phẩm OCOP của địa phương. Được biết, hồng không hạt vốn được trồng từ nhiều năm, tuy nhiên trước đây do chưa trở thành hàng hóa, giá trị kinh tế không cao nên chưa được chú trọng. Những năm trở lại đây, thị trường ưa chuộng, giá trị kinh tế nâng lên, sản lượng hằng năm không đủ cung cấp cho thị trường nên nhiều hộ dần khôi phục loại cây ăn quả này. Đến nay trên địa bàn huyện có khoảng hơn 50ha hồng không hạt, trong đó hàng chục héc-ta đã cho thu hoạch. Hồng không hạt TL-1 quả tròn được đánh giá chất lượng giòn, ngọt, năng suất, giá trị kinh tế cao.

Theo một hộ dân trồng hồng không hạt ở xã Sơn Thành, năm 2019, sản phẩm tham gia trưng bày giới thiệu tại siêu thị Big C Hà Nội, giá bán dao động từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Thấy được giá trị kinh tế, nhiều hộ trên địa bàn đã tự nhân giống và mua giống về trồng và cải tạo dần. Trên địa bàn xã có hộ trồng hàng nghìn cây hồng không hạt. Theo đánh giá của bà con, hồng không hạt LT-1 năm đầu bói quả năng suất đạt trên 16kg quả/cây, từ năm thứ 2 - 3 mỗi cây đạt 30kg quả trở lên.

Nhằm tạo vùng sản xuất chuyên canh cây hồng không hạt, huyện Na Rì thực hiện quy hoạch vùng trồng tập trung, phấn đấu đến năm 2025 đạt diện tích 300ha. Huyện đã và đang phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả khôi phục giống hồng không hạt TL-1 nhân giống bằng phương pháp ghép thực hiện tại 12 xã, thị trấn trên địa bàn. Tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ giống, vật tư phân bón; nguồn giống được nhân giống bằng phương pháp ghép, áp dụng theo tiêu chuẩn của Viện Nghiên cứu rau quả ban hành công bố giống. Huyện phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả tập huấn chuyển giao kỹ thuật thâm canh, trồng, chăm sóc hồng không hạt...

Giải pháp về thị trường, huyện thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, tập trung sản xuất theo chuỗi giá trị, tham gia đánh giá sản phẩm OCOP, xây dựng, hoàn thiện hồ sơ, tem nhãn, sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; phối hợp với các HTX, doanh nghiệp làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm, từng bước xây dựng các cơ sở chế biến một số sản phẩm từ quả hồng như: Hồng sấy dẻo, mứt hồng, hồng khô treo gió...

Để nâng cao giá trị thương hiệu, từng bước sản xuất hàng hóa đối với cây ăn quả nói chung và hồng không hạt nói riêng, bên cạnh việc mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng, huyện tiếp tục tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh, liên kết đưa các sản phẩm nông sản đặc sản địa phương vào hệ thống siêu thị trên toàn quốc và xuất khẩu./.

Tùng Vân

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202203/mo-rong-dien-tich-hong-khong-hat-na-ri-f522fa9/