Miền ký ức cảng xưa

Ngược dòng ký ức những ngư dân có chuỗi ngày gắn bó tại cảng cá Thuận Phước (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) trước những năm 2000 là hình ảnh tất bật, vội vã nào cá, nào tôm, nào ruốc cùng mùi tanh nồng thấm đẫm quãng tuổi xuân. Dẫu bụi cát sông Hàn mù mịt, đất đá còn chông chênh, liếp tre cảng xưa không che nổi gió lùa nhưng đó vẫn là khoảng thời gian khó quên đối với họ.Không chỉ ông Thu, ông Xấu, bà Chung mà còn nhiều mảnh đời khác gắn bó tuổi xuân với cảng cá, qua nhiều giai đoạn, thời kỳ đổi thay nhưng giờ đây tựu trung lại họ đều vui mừng nhớ lại hình ảnh bụi đá, tấm phênh cảng xưa mai đây sẽ khoác lên chiếc áo rực rỡ hơn khi âu thuyền và cảng cá Thọ Quang sẽ trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với phục vụ du lịch.

Thuyền về neo bến vịnh Mân Quang. Ảnh: NGUYỄN TRÌNH

Theo các bô lão sinh sống tại phường Thuận Phước, tiền thân của âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) là cảng cá Thuận Phước (nay là đường Như Nguyệt). Tuy nhiên, tại vị trí cảng cá trước ngày đất nước giải phóng là chợ cá từng được người dân gọi bằng hai cái tên khá thơ đó là bãi Trẹm và Thanh Bồ. Từ những năm 50, gọi là bãi Trẹm bởi ở đây là cồn cát, bãi lầy ven sông Hàn, đa số người dân các tỉnh Hà Tĩnh, Huế, Quảng Bình… di cư đến sinh sống dần tạo nên. Sau này, cư dân đến sống ngày đông hơn và hình thành nhiều khối phố như Thanh Bồ, Đức Lợi, Thuận Lập hay Đa Phước. Khu chợ cá nằm tại khối phố Thanh Bồ nên người dân dần gọi lái tên chợ theo tên phố là chợ cá Thanh Bồ.

Ký ức về bãi Trẹm

Trò chuyện cùng ông Trần Thu (70 tuổi, phường Thuận Phước), khi tôi nhắc đến cảng cá Thuận Phước, bất giác ông vừa tỏ rõ hào hứng xen lẫn trầm buồn. Chắc có lẽ, với ông, ký ức về một thời cả gia đình nghèo khó bám trụ với bãi Trẹm đã in sâu vào tiềm thức. Gia đình ông Thu gốc ở phường Thuận An (thành phố Huế), có ba đời làm nghề ra khơi thu mua hải sản và cung cấp nguyên vật liệu cho ngư dân.Từ năm 60, khi ông 10 tuổi, gia đình ông đã đến bãi Trẹm mua bán hải sản. Bởi thời kỳ này ở Huế chưa có nơi mua bán tập trung nên đa số ngư dân vùng này sau khi đánh bắt hoặc thu mua hải sản ở khơi xa đều di chuyển đến bãi Trẹm mua bán vài ngày.

Trong trí nhớ của ông Thu thì bãi Trẹm ban đầu là cồn cát lớn nhưng quy mô nhỏ, chỉ là nơi giao lưu, mua bán của ngư dân chài lưới trong vùng. Về sau, số lượng tàu thuyền đông đúc đến từ các tỉnh miền Trung thì bãi Trẹm dần biến mất. Lúc này, khu phố Thanh Bồ hình thành tại vị trí bãi Trẹm nên người dân gọi lách là chợ cá Thanh Bồ, ngôi chợ bài bản hơn và phân chia từng gian hàng, ngành hàng từ hải sản đến thực phẩm, quần áo… nhưng vẫn còn ô nhiễm, bụi tung mù mịt, đất đá chông chênh, trông khá nhếch nhác. “Thời đó, cứ chừng hai ba ngày theo ba đi biển rồi tạt ngang chợ là tôi vui như mở cờ trong bụng. Đến đây, tôi được lang thang quanh khu chợ, được hít hà mùi cá tanh nồng để thêm yêu cái nghề biển bởi nhờ con cá mà gia đình vượt qua lúc nghèo khó. Sau này kế thừa nghề truyền thống gia đình, tôi một mình vươn khơi và vẫn đến chợ cá mua bán. Bây giờ tuổi cao, tôi tạm nghỉ đi biển 5 năm qua, hai con trai đảm đương với nghề”, ông Thu bày tỏ.

Với ông Nguyễn Xấu (73 tuổi, phường Thọ Quang) mỗi khi nhắc đến cảng cả, ông vẫn theo thói quen gọi là bãi Trẹm bởi tên gọi này hằn sâu vào trí nhớ của cậu bé 9 tuổi. Giống ông Thu, năm 1964, gia đình ông Xấu di cư từ xã Cẩm Kim (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) đến khu vực bãi Ngang (gần lăng Cá Ông, đường Hoàng Sa) sinh sống bằng nghề chài lưới. Ông Xấu kể, tuổi 15, ông theo ba ra khơi tập tành cho thạo nghề. Theo thói quen, sau một đêm đánh bắt hải sản tại bãi Ngang thì gia đình ông lại nhổ neo vòng qua bán đảo Sơn Trà hơn 4 tiếng đến bãi Trẹm mua bán. “Ban đầu, gia đình tôi đánh bắt gần bãi Ngang và bán ngay trên bờ , phải mất đến hai năm, ba tôi được bạn thuyền mách bảo qua bên kia bờ có bãi Trẹm, ở đó đông người cũng như tàu thuyền các tỉnh ghé đến. Từ khi qua bãi Trẹm, hải sản mua bán nhanh hơn và thuận tiện bởi ở đây có đầy đủ nguyên vật, liệu đi biển như đá, muối… Tên gọi bãi Trẹm chỉ những ai cùng thời như tôi mới nhớ, mới thương chứ bây chừ lớp trẻ ít ai biết lắm. Bãi Trẹm giờ đây dần lãng quên theo nhịp sống hiện đại, nơi đó được thay mới bằng những tòa nhà sang trọng, bề thế. Cứ mỗi khi đi ngang bãi Trẹm xưa, trong tôi lại bồi hồi nhiều cảm xúc”, ông Xấu bộc bạch.

Quanh gánh nặng trĩu một đời

Trong ký ức bà Nguyễn Thị Hạnh, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân phường Thuận Phước, những năm 90, sau khi rời thành phố Huế đến công tác tại phường Thuận Phước với vị trí là nhân viên thu thuế tại chợ cá Thanh Bồ, bà mãi ấn tượng những gánh cá nặng trĩu trên bờ vai gầy của người mẹ, người vợ mưu sinh. Bà chia sẻ, khi bà đến thì khu chợ khá lớn, mặt hướng ra dòng sông Hàn thơ mộng nhưng số phận người dân mưu sinh tại chợ thì khắc nghiệt, đắng ngắt, nhất là những người phụ nữ.Đều đặn cứ đêm đến họ lại cần mẫn chờ tàu, thuyền cập bờ.

Còn bà Bùi Thị Chung (68 tuổi, phường Thuận Phước) ngậm ngùi nói, bà theo người quen gánh cá thuê tại cảng cá Thuận Phước gần 15 năm bởi chồng mất sớm, bà phải gồng gánh nuôi con. Hằng ngày, khoảng 23 giờ, khi sương đêm còn đẫm ướt trên những phiến lá,thì bà vội khoác chiếc áo cùng nón tơi, đạp xe đến cảng cá bắt đầu công việc. Thời đó, nghề gánh cá thu nhập tạm ổn nên thu hút rất đông phụ nữ từ các tỉnh như Quảng Ngãi, Quảng Nam, có người Thừa Thiên Huế, hay tận Quảng Trị… đến làm nghề mưu sinh, gia tài của họ chỉ có đôi gióng, đòn gánh rồi mài sức qua năm tháng với từng con cá, con tôm. Bà Chung mô tả, gánh cá thì nhẹ nhưng cá thường đi đôi với nước, với đá nên sức nặng nhân đôi. Có những đêm bà gánh quá nhiều, phải nghỉ đôi ba hôm sau mới lại sức. Vất vả không nói hết nhưng hơn một thập kỷ ba mẹ con bà gắn cuộc đời với gánh cá. Bây giờ, cuộc sống tạm ổn hơn xưa nhưng câu nói “Gánh nhiều thì no, gánh ít thì đói” vẫn còn trong tâm trí bà.

Nhiều phụ nữ gắn bó tuổi xuân bên những gánh cá thuê tại cảng cá Thọ Quang từ đêm khuya cho đến sáng hôm sau. Câu nói “Gánh nhiều thì no, gánh ít thì đói” luôn hiện hữu trong tâm trí họ. Ảnh: H.T.V

Không chỉ ông Thu, ông Xấu, bà Chung mà còn nhiều mảnh đời khác gắn bó tuổi xuân với cảng cá Thuận Phước, qua nhiều giai đoạn, thời kỳ đổi thay nhưng giờ đây tựu trung lại họ đều vui mừng nhớ lại hình ảnh bụi đá, tấm phênh của cảng xưa mai đây sẽ khoác lên chiếc áo rực rỡ hơn khi âu thuyền và cảng cá Thọ Quang sẽ trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với phục vụ du lịch.

Khởi sắc tương lai

Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang được UBND thành phố Đà Nẵng đưa vào quy hoạch thành điểm tham quan du lịch đặc sắc tạo cơ hội cho sự phát triển của thành phố Đà Nẵng nói chung và cảng cá Thọ Quang nói riêng theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có định hướng phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế hiện đại gắn với bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo. Đồng thời, hình thành trung tâm nghề cá hiện đại gắn ngư trường truyền thống Hoàng Sa, đầu tư xây dựng âu thuyền và cảng cá Thọ Quang thành trung tâm thương mại văn minh, hiện đại, an toàn, sinh thái, thân thiện môi trường gắn với dịch vụ, du lịch; góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển và trung tâm thủy sản vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Trung.

Theo ông Phạm Trung Thành, Phó trưởng ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, đề án quản lý tổng thể âu thuyền và cảng cá Thọ Quang gắn với dịch vụ, du lịch là phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển thành phố và đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội, an ninh chủ quyền biển, đảo. Những năm gần đây, Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang tích cực học hỏi kinh nghiệm các cảng cá trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, ban nghiên cứu đặc điểm, điều kiện địa phương, cơ sở vật chất để đưa cảng cá Thọ Quang ngày một lớn mạnh, phục vụ ngư dân ngày tốt hơn.

Mong rằng, âu thuyền và cảng cá Thọ Quang tương lai gần sẽ sánh vai cùng cảng cá các nước trên thế giới như cảng cá Davao, cảng cá Navotas (Philipines) hay chợ cá Jagalchi (Hàn Quốc) hoặc chợ cá Sydney (Australia)… từ không gian đến phát triển điểm tham quan du lịch. Được như vậy, thì thành phố của chúng ta sẽ sớm trở thành trung tâm kinh tế biển trọng điểm khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung hay xa hơn sẽ vang danh tận năm châu xa xôi.

HUỲNH TƯỜNG VY

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202403/mien-ky-uc-cang-xua-3969116/