Nơi ghi dấu ký ức biệt động Sài Gòn một thời

Quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn nằm tại căn nhà số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, Quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Căn nhà này, do vợ chồng ông Đỗ Miễn và bà Nguyễn Thị Sự đứng tên sở hữu, được xây dựng năm 1946, là một trong những cơ sở bí mật được Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Trần Văn Lai (tức Năm Lai), Mai Hồng Quế, Năm U.SOM, …) và đồng đội xây dựng theo chỉ đạo của Quân khu Sài Gòn – Gia Định để chuẩn bị cho cuộc tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.

Theo chia sẻ của đại diện Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định, sau năm 1945 bà Nguyễn Thị Sự được ông Nguyễn Văn Lai giao nhiệm vụ sang Nam Vang (Phnôm Pênh, Campuchia) hoạt động tình báo.

Quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn, được thiết kế theo kiến trúc nhà 3 gian truyền thống của người Việt.

Sau một thời gian hoạt động ở nước ngoài dưới vỏ bọc một thương gia, bà Sự trở về nước cùng với ông Đỗ Miễn mở quán bán cơm tấm tại Sài Gòn mang tên Đỗ Phủ (phủ của gia tộc họ Đỗ).

Vào những năm 1960, đối diện quán cơm tấm Đỗ Phủ là thương xá công binh của binh lính Đại Hàn (Hàn Quốc). Để phục vụ cho thực khách chính của quán lúc bấy giờ là lính Đại Hàn, cơm tấm của quán đã được biến tấu thành món cơm tấm Việt Nam được dùng kèm với kim chi Hàn Quốc, nước mắm cũng sử dụng tỏi ớt Hàn Quốc. Vì vậy, dần dà về sau người ta gọi là cơm tấm Đại Hàn.

Quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn, được thiết kế theo kiến trúc nhà 3 gian truyền thống của người Việt có gác xép, phần mái lợp ngói âm dương, thông thoáng từ trong ra ngoài, ánh sáng đủ cho cả không gian bên trong.

Trong thời kỳ hoạt động bí mật, bên ngoài là quán ăn nhưng thực chất đây là nơi nuôi giấu cán bộ, chiến sỹ biệt động; cất giữ, chuyển giao tài liệu mật, tiền vàng, thuốc tây… để gửi ra chiến khu phục vụ kháng chiến.

Sau năm 1975, quán cơm tấm vẫn hoạt động cho đến khi vợ chồng ông Đỗ Miễn qua đời. Đầu năm 2018, ông Trần Vũ Bình (con ông Trần Văn Lai) được gia đình ông Miễn giao quyền quản lý căn nhà, ông Bình đã mở quán cà phê ngay tại di tích này.

Mang trong lòng niềm tự hào về người cha là Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân và những ký ức, tình yêu với những người lính Biệt động, ông Bình đã trùng tu và mày mò phục dựng nguyên bản các căn hầm bí mật, từng hiện vật để quán không chỉ là nơi uống cà phê thư giãn mang phong cách hoài cổ, mà còn là “địa chỉ đỏ” cho thế hệ sau tham quan, tìm hiểu lịch sử.

Có thể nói, quán giống như một “bảo tàng chiến sỹ Biệt động Sài Gòn” với hiện vật nguyên vẹn, đồ dùng sinh hoạt hay sử dụng trước năm 1975 mang đến cho du khách những hình ảnh sống động về quá trình sống và chiến đấu trong lòng địch của quân và dân Sài Gòn – Gia Định hết sức gan dạ và đầy lòng quả cảm.

Vừa qua, “cà phê Đỗ Phủ - cơm Tấm Đại Hàn” là 1 trong 10 điểm vừa được vinh danh ở hạng mục “Quán cà phê thú vị”, đã góp phần tạo nên 100 điều thú vị của TP Hồ Chí Minh do giới chuyên gia và người tiêu dùng bình chọn.

Huy Chương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/noi-ghi-dau-ky-uc-biet-dong-sai-gon-mot-thoi.html