Malaysia thúc đẩy chính sách ngoại giao 'đười ươi'

Trong nỗ lực xoa dịu lo ngại về tác động môi trường của ngành công nghiệp dầu cọ, Malaysia đã tặng những con đười ươi quý hiếm cho các quốc gia nhập khẩu sản phẩm này.

Chính phủ Malaysia đang lên kế hoạch tặng đười ươi cho các quốc gia nhập khẩu dầu cọ như một phần của chiến lược "ngoại giao đười ươi". Mục tiêu của chiến lược này là nhằm xoa dịu lo ngại về tác động đối với môi trường của ngành công nghiệp dầu cọ, vốn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Malaysia.

Quốc gia Đông Nam Á hiện đang là nhà sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới. Dầu cọ có mặt trong hơn một nửa sản phẩm đóng gói được bày bán tại các siêu thị, từ bánh pizza, bánh quy đến son môi và dầu gội đầu. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ dầu cọ toàn cầu được cho là một trong những yếu tố làm gia tăng tốc độ phá rừng tại Malaysia và nước láng giềng Indonesia gia tăng, gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường.

Đười ươi trong vườn thú ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: Lim Huey Teng/Reuters

Ông Johari Abdul Ghani, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Trồng trọt và Hàng hóa Malaysia, cho biết quốc gia này không nên giữ cách tiếp cận bị động đối với vấn đề dầu cọ.

“Chúng ta cần phải cho thế giới thấy rằng Malaysia là một nhà sản xuất dầu cọ bền vững và cam kết mạnh mẽ về bảo vệ môi trường” - ông cho biết.

Bộ trưởng Johari Abdul Ghani cho biết việc tặng đười ươi này sẽ chứng minh cho cộng đồng quốc tế thấy những cam kết của Malaysia về bảo tồn đa dạng sinh học. Ông ví chiến lược này với "ngoại giao gấu trúc" của Trung Quốc, quốc gia đã tặng gấu trúc cho các quốc gia khác để thúc đẩy quan hệ ngoại giao.

Ông đồng thời cũng kêu gọi các công ty sản xuất dầu cọ hợp tác với những tổ chức phi chính phủ (NGO) để hỗ trợ bảo tồn và cung cấp chuyên môn kỹ thuật về động vật hoang dã ở Malaysia.

Lời kêu gọi này được đưa ra trong bối cảnh Malaysia đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ cộng đồng quốc tế về vấn đề phá rừng và bảo tồn động vật hoang dã. Năm ngoái, EU đã thông qua lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến phá rừng, khiến Malaysia, một trong những nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, phải chịu ảnh hưởng nặng nề.

Đười ươi Borneo, loài đặc hữu của đảo Borneo, được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt kê là loài động vật trong sách đỏ.

Ước tính 100 năm trước, tổng số lượng đười ươi trên thế giới có thể lên tới hơn 230.000 cá thể. Tuy nhiên, do nạn phá rừng và săn bắn trái phép, quần thể Đười ươi Borneo đã sụt giảm nghiêm trọng.

Báo cáo của tổ chức bảo tồn WWF cho thấy, hiện nay chỉ còn khoảng 104.700 cá thể Đười ươi Borneo còn sót lại trong tự nhiên. Trong khi đó, đười ươi Sumatra, được tìm thấy ở phía Bắc đảo Sumatra của Indonesia hiện chỉ còn khoảng 7.500 cá thể.

Nhiều tổ chức bảo vệ động vật hoang dã đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ Malaysia cân nhắc các biện pháp khác thay vì "ngoại giao đười ươi" để bảo vệ loài này. Tuy nhiên, các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã cho rằng biện pháp này không hiệu quả và có thể phản tác dụng. Nhóm Công lý cho Động vật Hoang dã Malaysia (Justice for Wildlife Malaysia) nhấn mạnh ý tưởng "ngoại giao đười ươi" sẽ đòi hỏi phải có những nghiên cứu khoa học và pháp lý sâu rộng, đồng thời cảnh báo việc vận chuyển đười ươi ra nước ngoài có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của chúng.

Các chuyên gia về động vật hoang dã cho rằng, bảo vệ rừng - môi trường sống tự nhiên của loài đười ươi - mới là bước đi quan trọng nhất để bảo vệ loài linh trưởng quý hiếm này.

Bác sĩ Felicity Oram, cố vấn khoa học của Hiệp hội Linh trưởng Malaysia, đã hoan nghênh cam kết của Chính phủ Malaysia trong việc hỗ trợ sự chung sống với động vật hoang dã. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng bảo vệ môi trường sống là chìa khóa để bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm này.

“Mặc dù mô hình 'ngoại giao gấu trúc' đã thành công trong việc bảo tồn một loài biểu tượng, Malaysia có thể áp dụng cách tiếp cận riêng để thúc đẩy bảo tồn động vật hoang dã hiệu quả hơn" - bà Oram nói.

Cụ thể, bà Oram đề xuất tập trung vào ba biện pháp chính là bảo vệ môi trường sống, phục hồi môi trường sống và việc chung sống với động vật hoang dã tại nơi ở của chúng. Theo bà, điều này sẽ tạo ra tác động lớn hơn nhiều và làm gương cho các quốc gia khác trong việc thúc đẩy quản lý bảo tồn môi trường đa dạng sinh học.

Thu Hương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/malaysia-thuc-day-chinh-sach-ngoai-giao-duoi-uoi.html