Mãi mãi xanh tươi

Năm 1974, tôi đi bộ khoảng gần ba chục cây số tới một xã vùng cao làm việc. Dù trời xế chiều rồi, nhưng công việc đã xong nên tôi đi bộ về luôn. Với ý nghĩ: Không về tới cơ quan thì tiện đâu ngủ nhờ ở đấy. Nhưng vì buổi trưa không có gì ăn nên vừa qua được vài con dốc, thấy người bải hoải, rồi xỉu xuống bãi cỏ ven đường. Đang mê man, bỗng như có người vỗ nhẹ vào mình. Mở mắt nhìn, nhưng chỉ thấy một màu lòe nhòe vàng úa, rồi nghe thấy có tiếng người:

- Ô!... Anh Phong à?

Giữa chốn hoang vu, lại trong hoàn cảnh thế này thì tiếng gọi tên mình như có phép màu làm cho tôi tỉnh lại. Nhận ra ông là Triệu Quý Tiến, Trưởng Ban Thống kê xã Lũng Vài mà tôi đã có nhiều lần làm việc. Mừng quá, nhưng cái đói lấn lướt tất cả. Tôi nghĩ, người Dao đi đâu cũng thường có gói cơm mang theo nên thều thào:

- Anh! Anh có còn, gói cơm, mang theo không?

Ông Tiến hơn tôi 20 tuổi, nhưng vì là quan hệ công tác nên tôi thường gọi ông bằng anh. Còn ông, chắc ông nghĩ tôi là cán bộ huyện nên cũng gọi tôi bằng anh. Ông ái ngại, nói nhát gừng:

- Đúng là người Dao chúng tôi, đi đâu cũng có gói cơm mang theo, nhưng hôm nay thì… Thôi thì, thế này vậy, anh về nhà tôi đi!

Tôi nghĩ, sao ông lại nói lấp lửng như vậy chứ? Nhìn vào cái túi của ông, còn thấy có lá chuối lộ ra ngoài cơ mà. Vượt qua cái xấu hổ, giọng tôi lả đi:

- Em cũng không thể về huyện được nữa rồi. Nhưng, về nhà anh, chắc là... Em thấy trong túi của anh…

Thấy tôi nói vậy, ông mới ngặt nghẽo phân bua:

- Đúng là tôi vẫn còn một nửa gói cơm thật, nhưng là cơm từ… tối hôm qua, phải ngày nắng nóng, chắc là...

Không để ông Tiến nói hết câu, mắt tôi đã sáng lên:

- Vâng! Tối nay em sẽ ngủ ở nhà anh, nhưng bây giờ anh cứ đưa gói cơm ấy cho em ăn tạm cái đã.

Minh họa của Trung Hiếu (Bảo tàng tỉnh Yên Bái).

Giở nắm cơm ra, tôi hơi nhíu mày: Nhiều hạt đã vữa, có mùi chua. Tôi gạt bỏ lớp ngoài, vội vục mồm vào ngoạm từng miếng như con lợn đói xốc mõm vào máng cám. Trong lúc tôi ăn, ông Tiến đi đâu đấy. Khi quay lại, thấy ông cầm một nắm lá, nhìn tôi đầy thương cảm:

- Anh nhai nắm lá này, rồi nuốt nước vào để phòng đau bụng! Đường về nhà tôi cũng phải vài ba cây số nữa - ông liếc nhìn bầu trời, hoàng hôn đã xuống, vội nói tiếp - Mình phải đi nhanh một chút, sắp tới giờ hổ đi kiếm ăn rồi, nguy hiểm lắm!

Đúng là những năm 1970, ở vùng núi Lào Cai hầu như khu rừng già nào cũng có hổ, gấu và các loài thú khác. Việc bị hổ vồ, gấu tát, lợn rừng húc cho lòi ruột không phải là hiếm. Tôi thấy sợ, dù mệt vẫn theo ông đi luôn.

* * *

Tối ấy, ông Tiến tiếp tôi sâu măng nướng, canh rau phéc nam và gà nhép nấu măng chua. Toàn là những món dân dã truyền thống của người Dao, rất ngon. Đặc biệt là món sâu măng, khi đặt vào lưỡi có cảm giác ngầy ngậy, mỡ của nó tan dần rồi như lan tỏa... Ăn uống no nê xong, hai mắt tôi díp lại. Vì đã đi bộ gần bốn mươi cây số, xương cốt đau như bị dần nên tôi có ý định muốn xin ông một chỗ nghỉ. Ngôi nhà của ông lợp cỏ gianh, cột chôn, nửa đất nửa sàn. Đây là kiểu nhà đặc trưng của người Dao du canh, du cư. Tôi và ông ngồi quanh bếp, chuyền tay nhau cây điếu ục. Ông hút liên tục, còn tôi thỉnh thoảng mới nhắp vào miệng điếu lấy hơi thuốc cho đỡ buồn ngủ. Có vẻ như ông chưa muốn đi nằm, mắt chắm chắm nhìn vào bếp lửa. Trong đầu tôi thoáng phân vân: Cả ngày đi đường, lên dốc, xuống dốc như vậy đến hổ, báo cũng mệt chứ nói gì đến người? Chắc là còn có uẩn khúc gì, nên tôi cố gượng để ngồi cùng ông. Bỗng ông tựa cây điếu ục vào cây củi, nhìn tôi vẻ thăm dò:

- Anh là… cán bộ huyện, vào nghỉ ở nhà tôi thế này, liệu có sợ bị ảnh hưởng gì không?

Câu hỏi của ông Tiến, vô tình làm tôi tỉnh hẳn ra. Có một lần, khi nhận được báo cáo của xã Lũng Vài, tôi thấy văn bản viết rất rõ ràng và đầy đủ, hơn hẳn báo cáo của các xã khác. Tôi nói với ông thủ trưởng của mình, có ý là ông Tiến giỏi thế, sao lại không là đảng viên, không làm cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã? Thì ra, câu chuyện này rất tế nhị: Ông Tiến là người tốt, có năng lực, nhưng lý lịch có nhiều vấn đề chưa rõ… Đúng, ông Tiến là người tốt! Vì không gặp được ông, bây giờ không biết tôi sẽ ra sao nữa? Tôi ngẫm nghĩ một chút, tránh không trả lời trực diện vào câu hỏi của ông, nhưng vẫn muốn ông giãi bày tâm sự sâu kín trong lòng:

- Em mới về huyện công tác được vài ba năm, thấy mọi người trong ngành đều nói tốt về anh. Các báo cáo của anh gửi về huyện rất đúng yêu cầu nghiệp vụ, còn anh thì rất năng nổ và là điển hình của ngành, nhưng còn hoàn cảnh gia đình của anh thì…

Có lẽ như tìm được sự đồng cảm, ông Tiến kể cho tôi nghe những dấu ấn của cuộc đời ông. Nghe xong, tôi cứ tưởng tượng mình đang đi trong hoang mạc của cuộc đời ông. Giá như có khiếu viết văn, tôi sẽ viết lại cuộc đời ông như là một thiên truyện. Ông Tiến sinh năm 1930 tại một phố cổ ở Hà Nội, gia đình vào loại giàu có, gia giáo và đã học đến lớp 5 trường Pháp. Năm 1942, ông bị mẹ mìn lừa bắt cóc rồi đem bán lên miền núi cho người Mán ở Lũng Vài. Dù lúc đó đã mười hai tuổi nhưng do bị ốm ngã nước, lại trong thời loạn lạc nên ông không thể tìm được đường về lại quê nhà. Được bố mẹ nuôi chăm sóc tận tình, ông hòa nhập rất nhanh với tập quán của người Mán. Những năm kháng chiến bí mật, ông có được làm liên lạc, tham gia dẫn đường cho cán bộ Việt Minh qua vùng này. Nhưng thật bất hạnh cho ông, tất cả những người đó đều đã hy sinh. Có người bị Việt gian chặt đầu đem lên đồn Phố Lu đổi muối, có người bị bỏ vào bao tải mang ra cầu Cốc Lếu ném xuống sông Hồng. Còn bề nổi của ông lại được nhiều người biết đến: Mỗi khi có quan Pháp về Lũng Vài, chức sắc ở xã đều gọi ông ra làm phiên dịch từ tiếng Pháp ra tiếng Mán. Khi có người Mán là cán bộ Việt Minh bị bắt, ông còn bị đưa ra đồn Phố Ràng làm phiên dịch. Khi Bộ đội Cụ Hồ về giải phóng Phố Ràng, ông còn bí mật dẫn các chiến sĩ đi trinh sát đồn địch. Ông vén đùi cho tôi xem, đó là một vết dao đâm đã thành sẹo. Dấu ấn đặc biệt này, chỉ có “Người của ta” mới biết được. Tôi thật sự xúc động khi ông gọi cán bộ Việt Minh, anh Bộ độ Cụ Hồ là “Người của ta”. Không những vậy, ông còn hy vọng: “Người của ta” nhiều lắm, nhất định sẽ có người còn sống và họ sẽ về lại nơi đây. Ông buồn, vì việc ông làm cho Việt Minh thì không ai biết, còn việc ông làm thông ngôn cho quan Pháp thì ai cũng biết, có người còn bảo ông làm chỉ điểm cho giặc…

Thực tình, tôi chỉ biết nghe. Những sự kiện ông vừa kể, lúc đó tôi còn chưa có mặt trên cõi đời này. Nhưng tôi có một linh cảm: Lời nói của ông là chân thực, cũng tin “Người của ta” nhất định sẽ có người về lại vùng này…

Câu chuyện của ông, nó vô tình lưu lại trong tôi như một chiếc dằm nằm trong da thịt. Sau này, hễ gặp được người có trách nhiệm là tôi lại có ý thăm dò về trường hợp của ông. Họ đều đánh giá ông là người rất cần cho công việc ở một xã vùng cao, có năng lực… Thời kỳ hòa bình mới lập lại, cả Lũng Vài duy nhất ông biết chữ Quốc ngữ nên được làm thư ký cho ủy ban hành chính xã; khi xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, Lũng Vài có hai hợp tác xã thì ông làm kế toán cho cả hai.

* * *

Đến khoảng năm 1980, ông Tiến nghỉ công tác. Vì nhà ông ở vùng sâu, vùng xa nên tôi không có dịp gặp lại ông nữa. Đến đầu những năm 1990, bỗng ông Tiến tới cơ quan huyện gặp tôi. Thì ra, ông muốn được tư vấn kê khai làm thủ tục khen thưởng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Phấn khởi quá, tôi dẫn ông đến gặp cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ hướng dẫn làm thủ tục. Chỉ mấy hôm sau đã thấy ông mang hồ sơ đến nộp. Nhưng hồ sơ của ông không có sự xác nhận, đề nghị của chính quyền cơ sở, bởi không có ai biết được việc ông đã tham gia làm liên lạc, dẫn đường cho cán bộ Việt Minh để xác nhận. Mặc dù vậy, cán bộ theo dõi công tác thi đua, khen thưởng vẫn đi xác minh, nhưng cũng không tìm được nhân chứng. Ông buồn lắm! Nhưng quy định là vậy, biết làm sao được? Tôi hiểu, với ông tấm huân chương không quan trọng, cái chính là có nó thì danh dự của ông được công nhận; cái tiếng làm Việt gian, chỉ điểm cho giặc được gột rửa.

Thế rồi cuộc sống lại như một dòng chảy, dường như nó cuốn theo mọi thứ… Mãi tới năm 1998, tôi nhận được tin: Đơn vị bộ đội đã giải phóng Phố Ràng sẽ về thăm chiến trường xưa. Tự dưng tôi có một linh cảm: “Người của ta” mà ông Tiến được làm liên lạc, dẫn đường nhất định còn sống và sẽ về đây.

Đúng dịp kỷ niêm 50 năm chiến thắng Phố Ràng, huyện được đón tiếp các anh Bộ đội Cụ Hồ về thăm chiến trường xưa. Khi xe chở đoàn cựu chiến binh về đến huyện, một cụ già ngoài 75 tuổi, vừa bước xuống xe đã vội đến gặp lãnh đạo huyện. Ông nói vẻ rất quan trọng: “Tôi là Đại đội trưởng, chỉ huy đánh trận đánh này. Ngày ấy tôi được một cậu người nhỏ, thâm thấp nhưng rất nhanh nhẹn dẫn đường. Cậu ta tên là Tiến, là Tiên, là Tiền gì đấy… A!… Mà cậu ta là người Kinh, ở Hà Nội bị bán lên đây làm con nuôi người Mán, còn biết cả tiếng Pháp nữa. Nhưng, không biết làm thế nào mà tìm được cậu ta đây?”.

Tôi cảm thấy như có dòng điện chạy trong người, sau gáy như có hàng vạn chiếc kim châm. Cụ cựu chiến binh này chắc chắn là “Người của ta”, ông Tiến thường nói đây rồi. Nhưng, nếu mời ông Tiến đến ngay thì e là vội vã và thiếu tế nhị? Tốt nhất là mời ông Tiến về dự lễ, để họ tự nhận ra nhau là “đẹp” nhất.

Sáng hôm sau, khi đến viếng nghĩa trang, các cựu chiến binh cầm hương, chậm rãi đến thắp cho từng ngôi mộ. Bỗng người Đại đội trưởng năm xưa phục lên một ngôi mộ vô danh, kêu lên: “Trời ơi! Các em ơi! Anh có tội với các em rồi!”. Mấy chị phụ nữ bên cạnh không cầm được nước mắt, họ xúm vào đỡ cụ. Một chị nói: “Cụ ơi! Các cụ không có tội gì đâu ạ! Tất cả là do chiến tranh - chiến tranh đã buộc các cụ phải đi đến các chiến trường... Cụ ơi! Cụ đứng lên đi!”. Cụ già xúc động: “Không!... Người có tội là chúng tôi! Các em tôi - đồng đội của tôi đều có tên cả! Vậy mà bây giờ lại thành những nấm mộ vô danh... Tội này to quá! Lớn quá! Các anh biết sửa thế nào đây các em ơi? Các em có linh thiêng thì về đây chứng kiến tấm lòng của các anh...”.

Hàng trăm con người chứng kiến sự việc này, họ đều lặng đi vì xúc động. Trên gò má của mỗi người, chảy dài những giọt nước ân tình. Ông Tiến cũng chạy lại cùng đỡ cụ già. Cụ ôm vào vai ông Tiến, tay bóp vào bả vai, vừa bóp, vừa vỗ vỗ. Tôi đã được nghe ông Tiến kể về thói quen này của người Đại đội trưởng, bỗng thấy rùng mình, đất dưới chân như sụt xuống. Tôi chơi vơi như được bay bổng trong một giấc mơ đẹp như cổ tích! Linh cảm của tôi đã đến thời khắc thành sự thực rồi! Lúc đó, ông Tiến buột miệng khẽ thốt lên: “Đại đội trưởng!”. Cụ cựu chiến binh chững lại, buông tay đẩy ông Tiến ra xa, rồi nhìn xoáy từ đầu đến chân, thốt lên: “Em!... Em nói Đại đội trưởng? Đại đội trưởng nào?”. Ông Tiến dàn dụa nước mắt, chỉ nói được vài từ: “Dạ! Em... Em…”. Cụ già vội vã: “Thế em là người ở đâu?”. Ông Tiến mếu máo: “Dạ!... Em… người… Lũng Vài!...”. Chỉ nói được có vậy, rồi ông Tiến úp hai tay vào mặt nấc lên. Dường như nguyên Đại đội trưởng cũng đã linh cảm được cái điều mà mình mong đợi. Cụ đặt hai tay lên vai ông Tiến, như nhìn một báu vật: “Sao lại khóc? Ngày vui sao lại khóc? Em! Em vén quần lên anh xem nào?”.

Một câu chuyện thần kỳ, có hậu đang diễn ra ngay trước mắt rồi. Trong bản khai thành tích, ông Tiến đã lấy vết sẹo trên cơ thể mình để chứng minh mình là người trung thực. Đó chính là vết sẹo trên bắp đùi của ông. Khi ông dẫn Đại đội trưởng đi trinh sát, một tên địch nấp trong bụi bất ngờ nhảy bổ ra, giơ dao găm đâm Đại đội trưởng. Ông Tiến liền nhảy tới, giơ chân đạp. Mũi dao ấy đã đâm sượt vào bắp đùi của ông. Ông Tiến nhìn quanh, vẻ ngại ngùng. Đại đội trưởng sốt sắng: “Trời ơi! Vui quá! Mừng quá! Em cứ vén quần lên, để anh khẳng định tin vui này với mọi người!”. Ông Tiến nhìn quanh, ngại ngùng ngồi xuống mô đá. Đại đội trưởng liền ngồi thụp xuống, vén ống quần ông Tiến lên, rồi đặt bàn tay lên vết sẹo trên bắp đùi ông Tiến khẽ xoa xoa. Nước mắt cụ bỗng trào ra, rơi trên vết sẹo. Cụ kêu lên: “Trời ơi!... Đúng rồi!... Em tôi đây rồi! ... Người liên lạc, dẫn đường cho tôi đây rồi!...”.

Ông Triệu Quý Tiến nấc lên, chơi vơi gục vào người Đại đội trưởng năm xưa. Hàng trăm con người chứng kiến, rơi nước mắt! Những giọt nước mắt ân tình, tưới cho cây đời mãi mãi xanh tươi!...

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/363424-mai-mai-xanh-tuoi