'Mắc phải gỡ và gỡ đến cùng'

Sáng nay, 18.1, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đây là nghị quyết không chỉ người dân - những đối tượng được thụ hưởng, mà các địa phương cũng rất chờ đợi, bởi đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm tháo gỡ vướng mắc để địa phương thực hiện hiệu quả hơn Chương trình mục tiêu quốc gia.

Là nghị quyết được chờ đợi, bởi thực tế thời gian qua khi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những vướng mắc, không ít địa phương vẫn gặp khó bởi thiếu quy định cụ thể về cơ chế đặc thù khi thực hiện chính sách nhân văn này.

Ba chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đối tượng thụ hưởng của 3 Chương trình này là nông dân, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, những vùng có điều kiện kinh tế hết sức khó khăn. Đây là 3 Chương trình có vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, góp phần giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân theo nghị quyết của Đảng đã đề ra.

Cũng bởi tầm quan trọng đặc biệt, tại Kỳ họp thứ Sáu vừa qua, lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ đồng thời 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và ban hành nghị quyết riêng về vấn đề này. Qua giám sát của Quốc hội cũng cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện các Chương trình cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương còn chậm, số lượng văn bản ban hành nhiều, một số nội dung chưa rõ ràng, khó thực hiện. Một số cơ chế đặc thù chậm được ban hành hoặc chưa cụ thể hóa đầy đủ các yếu tố đặc thù dẫn đến vướng mắc trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Còn tình trạng cát cứ, phân tán, manh mún trong tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Việc thực hiện cơ chế lồng ghép, phân cấp, phân quyền, cơ chế đặc thù theo chủ trương của Đảng và Nhà nước chưa thực sự phát huy hiệu quả; thu hút nguồn lực xã hội hóa còn hạn chế… Điều này đòi hỏi cần sớm có những cơ chế chính sách đặc thù để địa phương chủ động hơn, “tự tin” hơn khi thực hiện các Chương trình.

Nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới, dự thảo Nghị quyết đã đưa ra nhiều cơ chế đặc thù. Trong đó, có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Cơ chế phân cấp, phân quyền là một trong những vấn đề được nhắc đến nhiều thời gian qua. Khi cơ chế phân cấp, phân quyền chưa triệt là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện các chính sách “bị khó”, “bị vướng”, bởi tâm lý “sợ sai”. Chính những vướng mắc, rào cản này đã làm cho việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Với nhiều cơ chế đặc thù, với sự phân cấp, phân quyền triệt để như dự thảo Nghị quyết sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc mà các địa phương đang gặp phải, tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương trong thực hiện các chương trình, dự án. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, sự phân cấp phân quyền ở đây không có nghĩa là “buông” mà cấp trên vẫn phải chịu trách nhiệm, không phải phân cấp, ủy quyền là ở dưới muốn làm gì thì làm. Muốn vậy, ngoài nâng cao trách nhiệm của các cơ quan được giao thực hiện, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, trong đó phát huy hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân trong quá trình thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù này.

Trên cơ sở thảo luận tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, cũng như ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tin rằng, Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù sẽ được thông qua với những cơ chế, chính sách thật sự khả thi, hiệu quả. Những chính sách này tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện, tạo sự chủ động linh hoạt cho địa phương thực hiện Chương trình. Như Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã nhấn mạnh, việc ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phải trên nguyên tắc, "mắc phải gỡ và gỡ đến cùng", chứ "không gỡ lưng chừng và tuyệt đối không tạo rào cản mới". Đặc biệt, việc ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phải có ý nghĩa cả trước mắt cũng như lâu dài.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/mac-phai-go-va-go-den-cung-i357803/