Luật Thủ đô có thể 'hồi sinh' hàng chục dự án BT

Khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực, TP Hà Nội đã phải thông báo dừng triển khai 82 dự án đầu tư theo hợp đồng BT. Tới đây, nếu Quốc hội chấp thuận quy định như dự thảo lần này thì các dự án này sẽ sớm được thực hiện.

Khi xem xét, thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020, Quốc hội đã không đưa quy định về hợp đồng BT vào Luật. Ảnh minh họa

Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi (dự thảo), sẽ được thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào sáng 26-3.

Theo tài liệu hội nghị đã được gửi đến đại biểu Quốc hội, dự thảo đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng xác định cụ thể các nguyên tắc, điều kiện đối với việc thanh toán hợp đồng BT bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc bằng quỹ đất.

Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước được thực hiện khi đáp ứng các yêu cầu: áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới hơn, hiện đại hơn so với thiết kế; chi phí thanh toán cho nhà đầu tư thấp hơn dự toán được lập và thẩm định, đã được kiểm toán; thời gian hoàn thành ngắn hơn so với thời gian thiết kế dự tính.

Tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, thảo luận lần đầu về dự thảo, nhiều đại biểu tán thành việc cho phép TP Hà Nội thực hiện hợp đồng BT trong một số lĩnh vực và thanh toán cho nhà đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc bằng quỹ đất để kịp thời huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội trong khi nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chưa đáp ứng kịp.

Tuy nhiên, có ý kiến còn băn khoăn về cách thức phối hợp đồng bộ giữa đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BT và đấu giá đối với quỹ đất, nhà, tài sản gắn liền với đất để đối ứng cho việc thực hiện dự án BT; việc bảo đảm nguyên tắc xác định giá, bù trừ chênh lệch bằng tiền. Đây không phải là nội dung mới, nhưng khi xem xét, thông qua Luật PPP năm 2020, Quốc hội đã cân nhắc, quyết định không đưa quy định về hợp đồng BT vào luật.

Khi Luật PPP có hiệu lực, TP Hà Nội đã phải thông báo dừng triển khai 82 dự án đầu tư theo hợp đồng BT. Các dự án này chủ yếu là các dự án xây dựng đường giao thông, hệ thống xử lý rác thải, xử lý và tiêu thoát nước thải, cải tạo sông, rạch…

Theo cơ quan soạn thảo, tới đây, nếu Quốc hội chấp thuận quy định như dự thảo lần này thì các dự án này sớm được thực hiện theo hợp đồng BT, sẽ có tác động to lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, huy động được nguồn lực của khu vực tư nhân giúp giảm áp lực về vốn đầu tư công đối với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng có yêu cầu triển khai sớm nhưng chưa thu xếp được nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất được thực hiện khi đáp ứng các yêu cầu: quỹ đất dùng để thanh toán phải là vùng phụ cận liền kề với dự án đầu tư theo hợp đồng BT, chịu ảnh hưởng trực tiếp các tác động của công trình khi dự án đầu tư hoàn thành. Nhà đầu tư được lựa chọn trong cùng một cuộc đấu thầu do UBND TP Hà Nội tổ chức để chọn nhà đầu tư thực hiện đồng thời cả dự án đầu tư theo hợp đồng BT và dự án đối ứng có sử dụng đất (theo đó, sẽ lập 1 bộ hồ sơ mời thầu để đấu thầu lựa chọn 1 nhà đầu tư thực hiện đồng thời cả dự án BT và dự án đối ứng); xác định thời điểm giao đất, thời điểm triển khai dự án đối ứng có sử dụng đất (khoản 5 Điều 40). Quy trình, thủ tục cụ thể để thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT sẽ do Chính phủ quy định chi tiết (Khoản 6 Điều 40).

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/luat-thu-do-co-the-hoi-sinh-hang-chuc-du-an-bt-post732275.html