LUẬT SƯ NGUYỄN HUYỀN MINH: ĐẢM BẢO CÁC QUY ĐỊNH QUẢN LÝ NỀN TẢNG SỐ CỦA DỰ ÁN LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI) KHÔNG TRÙNG LẶP VỚI QUY ĐỊNH HIỆN HÀNH

Theo chương trình Phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Quan tâm đến nội dung này, Luật sư Nguyễn Huyền Minh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng cần đảm bảo các quy định quản lý nền tảng số của dự án Luật này không trùng lặp với quy định hiện hành.

THIẾU TƯỚNG TỐNG VIẾT TRUNG: CẦN ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG KỸ HƠN KHI MỞ RỘNG GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ ĐẾN TẤT CẢ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

DỰ KIẾN BÁO CÁO ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI 05 VẤN ĐỀ LỚN TRONG TIẾP THU, GIẢI TRÌNH VÀ CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI)

Luật sư Nguyễn Huyền Minh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và dự kiến Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến, xem xét thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 05/2023. Phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi Luật sư Nguyễn Huyền Minh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội xung quanh dự án Luật này.

Phóng viên: Thưa Luật sư, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 được thực hiện cho đến nay đã bộc lộ một số những bất cập, hạn chế, không phù hợp với thực tiễn. Luật sư có thể cho biết đó là những vướng mắc gì?

Luật sư Nguyễn Huyền Minh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: Tôi cho rằng, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã đưa ra các quy định liên quan đến việc áp dụng và công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử trong các giao dịch điện tử. Tuy nhiên, các quy định và hướng dẫn liên quan đến nội dung này tại luật hiện hành còn chung chung, thiếu chi tiết, gây khó khăn trong việc áp dụng (cho cả người dân và cơ quan giải quyết tranh chấp).

Trên thực tế, khi xảy ra tranh chấp, cơ quan giải quyết tranh chấp, đặc biệt là các toàn án địa phương, còn lúng túng trong việc công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử và các giao dịch điện tử giao kết bằng hình thức này.

Với sự phát triển của công nghệ và việc giao dịch thông qua môi trường số ngày càng phổ biến, các quy định hiện hành tại Luật Giao dịch điện tử năm 2005 điều chỉnh chữ ký điện tử và giao dịch điện tử cần được bổ sung và cập nhật.

Phóng viên: Một trong những giải pháp là mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Giao dịch điện tử. Quan điểm của Luật sư khi mở rộng giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của của đời sống xã hội, phạm vi điều chỉnh được mở rộng đến đâu và nếu mở rộng như vậy sẽ tác động đến xã hội như thế nào?

Luật sư Nguyễn Huyền Minh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: Ở phiên bản Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cập nhật nhất mà tôi được tiếp cận, một nội dung mở rộng đáng lưu ý là dự án luật đưa ra các quy định quản lý nền tảng số, bao gồm cả các nền tảng số cung cấp xuyên biên giới đến người dùng Việt Nam.

Tuy nhiên, do một số hình thức nền tảng số (ví dụ mạng xã hội, nền tảng cung cấp nội dung theo yêu cầu, hay sàn thương mại điện tử) đã và đang được quản lý bởi các quy định pháp luật chuyên ngành, việc đưa ra các quy định áp dụng chung cho nền tảng số có thể làm thêm thêm gánh nặng tuân thủ cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ngoài ra, nền tảng số cũng là một nội dung được đề xuất quản lý tại Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tôi cho rằng, cần có sự cân nhắc, rà soát để tránh sự trùng lặp về đối tượng và nội dung quản lý tại 2 dự án Luật này.

Tại Phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5/2023.

Phóng viên: Khi mở rộng phạm vi điều chỉnh đến gần như tất cả các lĩnh vực của đời sống như vậy, có một quan ngại là làm thế nào để đảm bảo được an toàn thông tin cá nhân không bị lộ, lọt. Vấn đề này được giải quyết thế nào, thưa Luật sư?

Luật sư Nguyễn Huyền Minh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: Để tuân thủ một số quy định mới được đưa ra tại dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), doanh nghiệp có thể thu thập và xử lý nhiều dữ liệu hơn từ khách hàng và người dùng. Tôi cho rằng, đây cũng là một điểm mà cơ quan soạn thảo cần lưu ý, để đảm bảo các quy định mới sẽ không gây ra những gánh nặng tuân thủ quá mức cần thiết đối với doanh nghiệp. Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cũng cần được rà soát để đảm bảo tính thống nhất với Nghị Định bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Phóng viên: Tại Phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, đóng góp ý kiến cho dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5. Luật sư có kiến nghị, đề xuất những nội dung nào đối với việc sửa đổi Luật này?

Luật sư Nguyễn Huyền Minh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: Tại phiên họp 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ba dự án lớn sẽ được xem xét và đóng góp ý kiến, bao gồm dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, và dự án Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Liên quan đến Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), tôi đề xuất tập trung xem xét lại và đánh giá các quy định về nền tảng số. Đặc biệt, cần đảm bảo các quy định quản lý nền tảng số tại dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) không trùng lặp với quy định hiện hành và quy định sắp ban hành.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Luật sư!

Ánh Nguyệt - Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=73060