Lụa Việt Nam vươn tầm thế giới

Việt Nam nổi tiếng với những sản phẩm thủ công, trong đó có lụa tơ tằm. Cách đây 5 năm, từ một dự án phát huy những giá trị của lụa tơ tằm truyền thống Việt Nam, làm mới lụa bằng những thiết kế hiện đại, độc đáo và kể những câu chuyện vẻ đẹp Việt Nam trên lụa, giờ đây, lụa Desilk đã vượt ra ngoài phạm vi quốc gia đến được với người tiêu dùng trên khắp thế giới.

Một cuộc gặp gỡ chính thức của Phó Thủ tướng Cộng hòa Uzbekistan và phái đoàn Uzbekistan, sau buổi gặp và làm việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam để tìm hiểu về ngành dâu tằm tơ Việt Nam. Uzbekistan nằm ở Trung Á vốn là một điểm dừng chân quan trọng của các thương nhân trên Con đường Tơ lụa nối phương Đông và phương Tây từ cả nghìn năm trước. Quốc gia này có một lịch sử tơ tằm lâu đời và hiện là một trong trong ba quốc gia sản xuất tơ lụa lớn của thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Hiện tơ tằm của Uzbekistan xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới trong đó có cả Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có những nét riêng về lụa tơ tầm truyền thống mà lụa Desilk tự hào chia sẻ.

Mặc dù cách biệt vì ngôn ngữ nhưng với sợi dây gắn kết chính là sợi tơ tằm vốn nổi tiếng là dai, chắc và bền, lụa Desilk và các vị khách Uzbekistan nhanh chóng đã tìm được tiếng nói chung. Cách mà Desilk xây dựng thương hiệu với ba trụ cột trong sáng tạo là thiên nhiên, văn hóa và thủ công truyền thống Việt Nam, qua đó kể những câu chuyện về vẻ đẹp Việt Nam trên lụa đã gây ấn tượng mạnh mẽ với các vị khách Uzbekistan.

Lụa Việt vươn tầm thế giới

Bà Zulaykho Makhk, Phó Thủ tướng Cộng hòa Uzbekistan cho biết: "Năm ngoái Tổng thống của chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với vị Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng của các bạn trong khuôn khổ chương trình “Một vành đai một con đường” tại Trung Quốc. Trong cuộc gặp đó, lãnh đạo và nhân dân chúng tôi hết sức hoan nghênh về chủ trương, đường lối phát triển của đất nước các bạn, đặc biệt là về đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ. Hai bên nhất trí xúc tiến, củng cố và phát triển mối quan hệ về mọi mặt giữa nhân dân hai nước lên tầm cao mới. Đến Việt Nam dịp này, chúng tôi đã thảo luận nhiều hướng hợp tác tiềm năng giữa hai nước về vấn đề hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là về lĩnh vực dâu tằm tơ cũng là thế mạnh của chúng tôi. Với lịch sử sản xuất và giao thương lâu đời thông qua “Con đường tơ lụa” hàng ngàn năm nay".

Hợp tác với các làng nghề, nghệ nhân; thiết kế sáng tạo kết hợp với kỹ thuật truyền thống và kỹ thuật số nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống là những bí quyết tạo ra sản phẩm độc đáo không chỉ thể hiện tay nghề của người thợ dệt Việt Nam, đây sẽ là yếu tố tạo nên diện mạo mới cho những thương hiệu cao cấp của người Việt.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/lua-viet-nam-vuon-tam-the-gioi-216898.htm