Lựa chọn sách giáo khoa lớp cuối cấp: Bảo đảm tính kế thừa, đúng quy định

Năm học 2024-2025, học sinh khối lớp 5, lớp 9, lớp 12 sẽ học sách giáo khoa mới biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Các nhà trường đang tập trung nghiên cứu để đề xuất lựa chọn bộ sách phù hợp với điều kiện dạy và học.

Đặt quyền lợi của học sinh lên hàng đầu
Thực hiện Thông tư số 27 ngày 28/12/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, trước ngày 30/4 hằng năm, các tỉnh, TP trên cả nước công khai danh mục sách giáo khoa được phê duyệt đến giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh. Thời điểm này, ngành giáo dục Bắc Giang chỉ đạo các nhà trường khẩn trương đề xuất lựa chọn sách giáo khoa của 3 lớp cuối cấp theo danh mục đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt để trình UBND tỉnh quyết định sử dụng trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) nghiên cứu chọn sách giáo khoa lớp 5.

Theo Sở GD&ĐT, năm nay, các bản mẫu sách giáo khoa lớp 5, lớp 9 và lớp 12 được chuyển về tỉnh sớm, thuận lợi cho cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu, đề xuất lựa chọn. Sở đã tham mưu UBND tỉnh thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, đồng thời yêu cầu các cơ sở giáo dục tổ chức cho cán bộ, giáo viên nghiên cứu, tìm hiểu các bộ sách theo phân môn giảng dạy. Giáo viên có vai trò quan trọng trong việc đề xuất lựa chọn sách, vì vậy các nhà trường đã triển khai cho 100% giáo viên tìm hiểu các bộ sách điện tử do nhà xuất bản gửi để lựa chọn phù hợp với thực tế dạy và học tại Bắc Giang.
Tại Trường Tiểu học thị trấn Cao Thượng (Tân Yên), ngoài tham gia các buổi giới thiệu sách do các nhà xuất bản tổ chức trực tuyến, ngay sau khi nhận được bản mẫu sách giáo khoa lớp 5, hội đồng lựa chọn sách giáo khoa nhà trường đã tổ chức cho giáo viên thảo luận, đánh giá, bỏ phiếu chọn đầu sách. Trên cơ sở ý kiến của giáo viên trực tiếp giảng dạy, nhà trường đề xuất chọn bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.
Việc tiếp cận với những bộ sách mới ở khối lớp 9, lớp 12 cũng được các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh chủ động nghiên cứu, chuẩn bị tâm thế giảng dạy. Khâu lựa chọn bảo đảm nguyên tắc dân chủ, khách quan, công khai minh bạch, vì quyền lợi học sinh, thuận lợi cho việc tổ chức dạy và học tại các nhà trường.

Theo đánh giá của giáo viên, sau gần 4 năm học sử dụng sách giáo khoa mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh được học tập, tiếp cận, lĩnh hội và vận dụng kiến thức đa dạng, linh hoạt, dễ hiểu, dễ nhớ.

Cuối tháng 3/2024, Sở GD&ĐT đã tổ chức hội thảo kết nối trực tuyến các nhà xuất bản, tác giả biên soạn để giới thiệu sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12. Qua đó giúp cán bộ quản lý, giáo viên tiếp cận, nắm chắc cấu trúc, nội dung các cuốn sách đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt, đồng thời cung cấp thông tin về sách để có cơ sở lựa chọn. Cách đề xuất lựa chọn phổ biến của giáo viên hiện nay là tiếp tục chọn bộ sách đã được học từ các năm học trước. Với cách chọn như vậy, học sinh sẽ sử dụng đồng bộ trong quá trình học, tránh chồng chéo, trùng lặp nội dung. Xu hướng thứ hai là sau khi có kinh nghiệm tìm hiểu và dạy nhiều bộ sách mới ở các khối lớp trước, giáo viên sẽ đề xuất chọn một bộ sách ưu việt, phù hợp nhất trong số những bộ sách đã được học.
Việc đánh giá năng lực học sinh cũng không dựa vào nội dung sách giáo khoa như trước đây mà kiểm tra theo hướng mở, khái quát kiến thức, yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng để giải quyết các tình huống, vấn đề thực tiễn, tạo cơ hội cho học sinh phát huy tư duy, năng lực sáng tạo.
Tuy nhiên, việc triển khai giảng dạy theo chương trình sách giáo khoa mới gặp một số khó khăn do bậc THPT có thêm môn học âm nhạc và mỹ thuật nhưng hiện nay, phần lớn các trường THPT trên địa bàn tỉnh chưa có giáo viên giảng dạy các môn này. Bậc THCS có các môn tích hợp như: Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học), nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), Lịch sử và Địa lý nhưng các trường THCS chưa bố trí được một giáo viên đảm nhiệm giảng dạy toàn bộ môn học mà phải phân công nhiều thầy cô giáo tham gia dạy từng phần nội dung.
Chuẩn bị các điều kiện giảng dạy
Thực hiện lộ trình thay sách giáo khoa mới, thời điểm này, các nhà trường đã chủ động bố trí đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học sẵn sàng cho năm học tới. Trường THCS Lý Tự Trọng, phường Đa Mai (TP Bắc Giang) đã xây dựng mới 28 phòng học, phòng chức năng với đầy đủ trang thiết bị hiện đại phục vụ giảng dạy, đặc biệt là dạy thực hành các môn: Khoa học tự nhiên, công nghệ, tin học, ngoại ngữ, âm nhạc. Năm học tới, nhà trường dự kiến có 3 lớp 9. Thầy giáo Đỗ Quốc Tuấn, Hiệu trưởng cho biết: “Gần đây, nhà trường đã xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên về phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh và đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT mới. Cán bộ, giáo viên luôn sẵn sàng tiếp cận sách giáo khoa mới, chủ động nghiên cứu nội dung, phương pháp giảng dạy để học sinh tiếp thu kiến thức đầy đủ, hiệu quả nhất”.
Để tổ chức dạy và học hiệu quả, ngay từ tháng 4/2024, các nhà trường đã phân công giáo viên dạy lớp 5, lớp 9, lớp 12 cho năm học tới; tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn theo chương trình GDPT mới. Toàn tỉnh đang rà soát tổng thể nhân lực ngành giáo dục để xây dựng phương án điều tiết việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Để bảo đảm nhân lực, Sở GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Sở Nội vụ sắp xếp, bố trí, tuyển dụng giáo viên ở các bậc học, trong đó chú trọng các bộ môn mới, môn học thiếu giáo viên bảo đảm giảng dạy hiệu quả chương trình sách giáo khoa mới ở các lớp cuối cấp. Trong thời gian chờ bố trí giáo viên âm nhạc, mĩ thuật, các trường THPT dự kiến sẽ ký hợp đồng với giáo viên của Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang hoặc giáo viên âm nhạc, mỹ thuật có trình độ đại học trở lên ở các trường tiểu học, THCS.
Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Sở yêu cầu các trường lựa chọn sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 bảo đảm ổn định, kế thừa, đúng quy định để xây dựng phương án dạy và học không chỉ cho một năm học tới mà cho cả những năm học tiếp theo. Phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố ưu tiên bố trí nguồn lực cho đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ tốt cho triển khai chương trình sách giáo khoa mới ở 3 khối lớp. Sau khi UBND tỉnh quyết định chọn bộ sách, Sở GD &ĐT chỉ đạo tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 5, lớp 9, lớp 12 bảo đảm khoa học, liên thông, thống nhất giữa các môn học.

Bài, ảnh: Minh Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nhap-073811.bbg