Lỗi chủ quan từ hàng loạt vụ mất trộm bò

Có rất nhiều người dân vẫn giữ thói quen cột bò qua đêm tại nương rẫy, dưới gốc cây, xa nhà, xa khu dân cư và không có người trông coi. Việc làm này vô tình đã tạo thuận lợi cho các đối tượng xấu thực hiện hành vi trộm cắp tài sản.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Hàm Thuận Bắc đang tiếp tục đấu tranh với 2 đối tượng Đào Văn Hưng (SN 1980) và Nguyễn Đình Nghĩa (SN 1967, cả 2 cùng trú huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) để làm rõ hành vi trộm cắp tài sản là bò của người dân. Khi mới bị bắt các đối tượng này khai nhận từ tháng 8/2023 đến tháng 3/2024 thực hiện 5 vụ trộm với 22 con bò. Tuy nhiên, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thu thập chứng cứ, đấu tranh với 2 đối tượng. Đến nay có đủ cơ sở để xác định từ tháng 8/2023 đến tháng 3/2024, 2 đối tượng này đã thực hiện 6 vụ trộm với 40 con, giá trị khoảng 300 triệu đồng. Trong đó, có những vụ chúng trộm số bò rất lớn. Đơn cử như vụ trộm ngày 7/4, chỉ trong một đêm các đối tượng này đã trộm 16 con bò có giá trị hơn 150 triệu đồng của 2 hộ dân ở xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc. May mắn cho các hộ dân này là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hàm Thuận Bắc đã kịp thời điều tra, bắt giữ 2 đối tượng và thu hồi tài sản trả lại cho người dân.

2 đối tượng Đào Văn Hưng và Nguyễn Đình Nghĩa

Bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Hàm Thuận Bắc xác định nhóm đối tượng này hoạt động rất tinh vi và có tính chất chuyên nghiệp. Chúng đã chuẩn bị phương tiện là xe ô tô tải và có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng người. Trước khi ra tay chúng thường đi thực tế để quan sát những khu vực người dân cột bò qua đêm mà xa khu dân cư, không có người trông coi. Sau đó chúng lợi dụng đêm tối trộm bò của người dân đưa lên xe tải và đưa về nhà ở tỉnh Đắk Nông tiêu thụ.

Chiếc xe tải mà 2 đối tượng dùng để trộm bò của người dân

Những năm gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ trộm cắp bò khiến người dân dư luận hoang mang, lo lắng. Theo các nạn nhân, phần lớn các vụ trộm cắp bò xảy ra là do người dân có thói quen cột bò ở khu vực sản xuất, nương rẫy. Cùng với đó, một số hộ nuôi thường chăn thả bò ở khu vực xa để có nguồn cây cỏ dồi dào, gần nguồn nước. Vì đường xa nên nhiều hộ dân đã chọn cách cột bò qua đêm ở khu vực đó để ngày mai tiếp tục chăn thả khỏi tốn thời gian di chuyển đàn bò. Một số hộ dân đã chủ quan không cử người ở lại trông coi bò qua đêm. Cùng với đó, một số hộ dân sau khi đưa bò về nhà lại cột bò dưới các gốc cây cách xa nhà hoặc cột trong chuồng trại không bảo đảm an ninh lại gần đường lộ và cách xa nhà… Những yếu tố này đã tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ gian lợi dụng để thực hiện hành vi trộm cắp và nhanh chóng tẩu thoát cùng tang vật.

Qua vụ việc trên cho thấy để xảy ra tình trạng mất trộm bò như thời gian vừa qua có phần lỗi rất lớn từ người dân. Từ thực tế về nạn mất trộm bò trên địa bàn đã gióng lên hồi chuông cảnh báo nhắc nhở người dân cần nêu cao ý thức bảo vệ tài sản, gia súc; việc xây dựng chuồng trại cần được mọi người lưu tâm, bảo đảm tường rào chắc chắn, an toàn, đồng thời việc chăn thả gia súc cũng không thể lơ là.

Để ngăn chặn tình trạng trộm cắp bò, hơn ai hết người dân cần nêu cao ý thức tự bảo vệ tài sản, cảnh giác với các đối tượng lạ mặt xuất hiện ở địa phương. Khi chăn thả bò, cần phải có người trông giữ cẩn thận và khi có vụ việc xảy ra, hay phát hiện đối tượng khả nghi cần báo ngay cho lực lượng công an hoặc chính quyền địa phương biết để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý, không để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” như hiện nay...

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/loi-chu-quan-tu-hang-loat-vu-mat-trom-bo-118707.html