Lộc Yên (Quảng Nam) xây dựng, phát triển du lịch nông thôn

Du lịch nông thôn dần trở thành xu hướng và được du khách lựa chọn trải nghiệm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Đây được xem là nhân tố quan trọng trong sự hồi sinh và duy trì văn hóa truyền thống nông thôn.

Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, du lịch sinh thái gắn với hoạt động nông nghiệp, nông thôn là một trong những sản phẩm du lịch chủ đạo. Tại Quảng Nam, các sản phẩm du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp đang được các địa phương trong tỉnh chú trọng phát triển.

Làng cổ Lộc Yên nằm trong một thung lũng khá đẹp, được bao bọc bởi hệ thống sông, suối, núi phong phú. Vùng trũng thấp là ruộng đồng, khe suối, chỉ có duy nhất con đường dẫn vào làng là trung tâm của thung lũng, tạo nên bức tranh đầy thơ mộng của Lộc Yên.

Cùng với bức tranh đầy màu sắc đó, văn hóa kiến trúc đá chính là cái lõi tạo nên nét đặc trưng cho ngôi làng. Vật liệu đá được sử dụng trong hầu hết công trình kiến trúc tại đây, từ việc phân tầng cho bậc ruộng, xây ngõ cho đến lát đường đi, xây nhà, xây giếng nước… Tất cả tạo nên nét chấm phá gợi lên cái hồn, cái nhân văn của cư dân.

Khách du lịch học cách sàng lúa

Du khách học cách tưới rau

Du khách trải nghiệm đi cày

Hiện tại, Lộc Yên còn lưu giữ 8 ngôi nhà cổ có niên đại hơn 100 năm tuổi theo thiết kế nhà ba gian hai chái truyền thống của người Việt. Lộc Yên còn là nơi nổi tiếng với những loại trái cây đặc sản theo mùa.

Mô hình trồng cây ăn trái tại Lộc Yên cũng rất đặc biệt, chia thành 3 tầng thực vật, gồm: tầng trên cùng là các cây lâu năm như lòn bon, quế, mít, dâu đất, cau... tầng giữa có chuối, tiêu, thanh trà, măng cụt… tầng dưới là thơm (dứa), chè… Với cách thức trồng trọt như vậy, làng Lộc Yên hứa hẹn là điểm đến đầy hấp dẫn cho du khách muốn ghé thăm và thưởng thức hệ thống đặc sản.

Huyện Tiên Phước đã triển khai đề án “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với phát triển du lịch sinh thái làng quê trung du”.

Theo đó, làng cổ Lộc Yên đang xây dựng các sản phẩm du lịch làng quê, du lịch xanh gắn với các sản phẩm OCOP giữa không gian văn hóa thuần Việt. Với các thế mạnh trên, nếu được khai thác hiệu quả, làng cổ Lộc Yên hoàn toàn có thể bứt phá và trở thành điểm nhấn du lịch nông thôn nổi bật tại Việt Nam.

Để các mô hình làng du lịch nông thôn được định vị và phát triển theo hướng bền vững, cần đi kèm sản phẩm đậm chất bản địa, chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng phục vụ...

Theo đó, định hướng “du lịch nông thôn” là sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng, gắn với hệ sinh thái và sản phẩm nông nghiệp theo chiến lược phát triển sản phẩm OCOP. Định hướng phát triển du lịch nông thôn tại Quảng Nam không chỉ dừng lại với thị trường du khách nội địa mà còn hướng đến thị trường quốc tế.

Vì vậy, cần thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, hướng dẫn người dân cách thức phục vụ và văn hóa ứng xử du lịch để đạt chất lượng trải nghiệm tốt nhất đến du khách.

Bảo vệ môi trường gắn với duy trì bản sắc văn hóa địa phương là yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch nông thôn tại Quảng Nam. Và cuối cùng liên kết vùng với các sản phẩm du lịch lân cận để tạo nên chuỗi giá trị du lịch đặc trưng của tỉnh.

Có thể thấy, Quảng Nam với những tài nguyên hiện có cộng với chính sách quy hoạch du lịch đúng đắn sẽ tạo tiền đề và bệ phóng để loại hình du lịch nông thôn trở thành từ khóa quan trọng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Thực tiễn phát triển du lịch gắn với nông thôn tại một số nước trong khu vực và Việt Nam cho thấy, loại hình du lịch này đã được định hình như nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương, mang lại nhiều giá trị về mặt kinh tế và văn hóa xã hội.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/loc-yen-quang-nam-xay-dung-phat-trien-du-lich-nong-thon-post243410.html