Loạt diễn biến liên quan ông Putin những ngày gần đây

Giới quan sát cho rằng việc ông Putin tới Crimea và Mariupol ngay sau khi ICC phát lệnh bắt giữ có thể được coi là thông điệp rằng ông Putin có thể đi bất cứ đâu ông ấy muốn.

ICC phát lệnh bắt giữ, Nga phản ứng gắt

Ngày 17-3, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã phát lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo đài RT, ICC cáo buộc chủ nhân Điện Kremlin vi phạm tội ác chiến tranh khi đưa “bất hợp pháp” trẻ em “từ các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine sang Nga”.

Bộ Ngoại giao Nga ngay lập tức bác bỏ thông báo này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng các quyết định của ICC không có hiệu lực với Moscow. “Từ quan điểm pháp lý, các quyết định của ICC không có ý nghĩa gì đối với Moscow. Nga không phải là một bên ký vào Quy chế Rome của ICC và do đó không có nghĩa vụ tuân theo quy chế này” - bà nói.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng nói rằng phán quyết của ICC là thái quá và không thể chấp nhận được. “Nga, giống như nhiều quốc gia khác, không công nhận thẩm quyền của tòa án này. Theo đó, bất kỳ tuyên bố nào của ICC đều vô hiệu đối với Liên bang Nga về mặt pháp lý”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS

Việc thực thi phán quyết của ICC phụ thuộc vào 123 quốc gia thành viên của tòa án này. Nga, Mỹ, Ukraine, Trung Quốc, Ấn Độ,... đều không phải là thành viên của tổ chức này.

Theo hãng tin RIA Novosti, rõ ràng không phải ngẫu nhiên mà ICC phát lệnh bắt giữ ông Putin chỉ vài giờ sau khi có thông báo chính thức về chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Moscow. Theo tờ báo, ICC đang muốn đặt Bắc Kinh vào thế khó trước thềm chuyến thăm.

Ông Putin đến Ukraine sau lệnh bắt của ICC

Sáng sớm 19-3, ông Putin tới thành phố Mariupol (tỉnh Donetsk, vùng Donbass, miền đông Ukraine) bằng trực thăng. Nhà lãnh đạo Nga sau đó tự lái xe ô tô đi qua nhiều quận nội thành và nói chuyện với người dân địa phương, theo hãng thông tấn TASS.

Trước đó ngày 18-3, ông Putin tới Crimea nhân dịp kỷ niệm 9 năm Nga sáp nhập bán đảo. Chuyến thăm của ông Putin tới các khu vực trên ở Ukraine diễn ra chỉ một ngày sau khi ICC phát lệnh bắt giữ ông.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) tới thăm Crimea ngày 18-3. Ảnh: REUTERS

Theo bình luận viên tờ Sky News - ông Stuart Ramsay, chuyến thăm của ông Putin cho thấy ông không hề nao núng và bận tâm trước lệnh bắt giữ, và dường như đây còn là cơ hội nhà lãnh đạo Nga thể hiện sức mạnh.

“Điều này nhằm gửi một thông điệp rằng đó không chỉ là công việc bình thường đối với ông ấy mà còn ám chỉ ông ấy có thể đi bất cứ nếu muốn, kể cả vào khu vực Ukraine tuyên bố chủ quyền" - ông này nhận định.

Đức tuyên bố thi hành lệnh ICC, Nga lập tức đáp trả gắt

Ngày 19-3, Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann nói rằng Berlin sẽ thực thi lệnh bắt giữ của ICC đối với ông Putin nếu ông ấy đặt chân vào lãnh thổ Đức.

“Tôi hy vọng ICC nhanh chóng hợp tác với Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế Interpol cũng như các quốc gia thành viên và yêu cầu họ thực thi lệnh bắt giữ. Đức sẽ bắt ông Putin nếu ông ấy đặt chân vào lãnh thổ Đức và giao cho ICC” - ông nói với tờ Bild am Sonntag.

Theo RT, đáp lại tuyên bố của Berlin, Chủ tịch Ủy ban Điều tra Nga - ông Aleksandr Bastrykin cho biết cơ quan này sẽ “đưa ra đánh giá pháp lý cần thiết đối với các tuyên bố của Bộ trưởng Tư pháp Đức về việc bắt giữ công dân Nga”, đồng thời nhấn mạnh các yêu cầu của ICC là “bất hợp pháp”.

Đại sứ Nga tại Đức - ông Sergey Nechayev cho biết lập trường của Berlin đối với lệnh của ICC “gây ra mối lo ngại cực độ” và coi đó là bằng chứng về mong muốn leo thang của Đức. Bên cạnh đó, ngày 20-3, Ủy ban Điều tra Nga tuyên bố mở vụ án hình sự đối với các công tố viên và thẩm phán của ICC về lệnh bắt giữ nói trên.

Ngoài Đức, còn có một số nước lên tiếng về phán quyết của ICC. Theo RT, ông Vincent Magwenya - phát ngôn viên Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa - cho biết nước này ghi nhận lệnh bắt giữ ông Putin của ICC. Tuy nhiên, ông này nói thêm rằng còn quá sớm để nói trước điều gì sẽ xảy ra nếu nhà lãnh đạo Nga đến thăm đất nước này.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen thì cảnh báo việc ICC phát lệnh truy nã ông Putin có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân cũng như tạo ra những hệ lụy khác trên toàn cầu. Thủ tướng cho rằng lệnh này chỉ gieo thêm sự chia rẽ trên thế giới, có khả năng gây nguy hiểm cho các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vốn đã căng thẳng hơn một năm nay.

Nhà lãnh đạo Campuchia cho biết lệnh này cũng đặt ra mối đe dọa đối với các nỗ lực quốc tế trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như nỗ lực giải quyết “các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và dịch bệnh”. Hơn nữa, động thái của ICC đã làm tăng mạnh nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân ở châu Âu do ICC kích động Moscow, Thủ tướng Campuchia cảnh báo.

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/loat-dien-bien-lien-quan-ong-putin-nhung-ngay-gan-day-post724895.html