Loạt công trình khiến Đà Lạt được mệnh danh là 'Bảo tàng kiến trúc cổ'

Sở hữu hàng trăm công trình kiến trúc cổ kính và độc đáo, TP Đà Lạt được giới kiến trúc sư ví như một bảo tàng kiến trúc thời thuộc địa của Việt Nam. Cùng điểm qua 10 công trình tiêu biểu nhất trong 'bảo tàng' đặc biệt này.

1. Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Tọa lạc ở số 29 Yersin, ngôi trường này được xây dựng từ năm 1926-1935, ban đầu có tên là Lyceé Yersin. Điểm nổi bật trong kiến trúc của trường là dãy giảng đường chính hình vòng cung. Đây là công trình duy nhất của Việt Nam được Hội KTS thế giới (UIA) đưa vào danh sách 1.000 công trình xây dựng độc đáo thế kỷ 20.

2. Ga Đà Lạt. Ga Đà Lạt được người Pháp xây dựng từ năm 1932-1938, là nhà ga đầu mối trên tuyến Đường sắt Phan Rang – Đà Lạt dài 84 km. Tòa nhà chính của ga có 3 chóp nhọn, tượng trưng cho núi Lang Biang. Đây được coi là nhà ga tàu hỏa cổ đẹp nhất Việt Nam cũng như toàn khu vực Đông Dương.

3. Xí nghiệp bản đồ Đà Lạt. Có tiền thân là Nha địa dư Đông Dương, tòa nhà này được xây từ năm 1939-1943, là một công trình kiến trúc đồ sộ có hình khối vuông vức với mái ngói cao, mặt tường xây gạch đá. Đây là một công trình tiêu biểu cho thời kỳ hình thành đô thị châu Âu thu nhỏ trên cao nguyên Lang Biang.

4. Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt. Tọa lạc ở số 17 Trần Phú, nhà thờ nổi tiếng này được xây dựng từ năm 1931-1942, là công trình tiêu biểu cho trường phái kiến trúc Roman ở Đà Lạt. Nơi đây thường được gọi là nhà thờ Con Gà vì trên đỉnh thánh giá của tháp chuông của nhà thờ có hình con gà lớn.

5. Nhà thờ Domaine de Marie. Nằm trên một quả đồi thấp cạnh đường Ngô Quyền, nhà thờ Domaine de Marie được xây năm 1943, có kiến trúc độc đáo với nhiều điểm cách tân so với các nhà thờ cổ điển phương Tây. Người dân Đà Lạt thường gọi đây là nhà thờ Mai Anh, do khu vực nhà thờ trước kia có rất nhiều cây mai anh đào.

6. Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Lâm Đồng. Nằm ở số 2 đường Huyền Trân Công Chúa, ngôi trường này được xây từ năm 1935-1936, ban đầu là trường nữ tu Couvent des Oiseaux. Công trình có quy mô kiến trúc bề thế, hội tụ vẻ đẹp của phong cách kiến trúc cổ điển lẫn hiện đại.

7. Dinh Tỉnh trưởng. Nằm trên ngọn đồi cao cạnh khu Hòa Bình, Dinh Tỉnh trưởng được xây dựng vào thập niên 1910, là công trình đồ sộ được xây dựng sớm nhất ở Đà Lạt. Với kiến trúc cao sang, cầu kỳ, trong quá khứ Dinh là nơi ở và làm việc của thị trưởng Đà Lạt thời thuộc địa.

8. Dinh 1. Nằm trên một đồi thông bên đường Trần Quang Diệu, Dinh 1 là tòa dinh thự tráng lệ do triệu phú người Pháp Robert Clément Bourgery cho xây dựng vào năm 1940. Vào năm 1949, cựu hoàng Bảo Đại đã bỏ ra 500.000 đồng tiền Đông Dương để mua lại tòa nhà và cho sửa sang lại toàn bộ để dùng làm văn phòng làm việc tại Đà Lạt.

9. Dinh 2. Tọa lạc tại số 12 Trần Hưng Đạo, Dinh 2 được xây từ năm 1933, do các kiến trúc sư A.T. Kruzé, D. Veyssere, A. Léonard thiết kế, kiến trúc sư P. Foinet trang trí nội thất. Công trình có 25 phòng được bài trí cực kỳ sang trọng, là dinh thự mùa hè của toàn quyền Đông Dương jean Decoux

10. Dinh 3. Nằm giữa rừng Ái Ân ở địa chỉ số 1 Triệu Việt Vương, Dinh 3 được xây từ năm 1933-1938. Tòa dinh thự này cũng có 25 phòng như Dinh 2, được coi là một công trình nhà ở kiểu châu Âu đặc sắc bậc nhất Đà Lạt. Từ năm 1938 - 1945, đây là nơi vua Bảo Đại cùng gia đình đến nghỉ mát vào mỗi mùa hè.

Mời quý độc giả xem video: Mộng mơ thành phố ngàn hoa Đà Lạt | VTV Review.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/loat-cong-trinh-khien-da-lat-duoc-menh-danh-la-bao-tang-kien-truc-co-1897060.html