Loài cây chứa chất 'kịch độc' nhưng ở Việt Nam trồng đầy

Dù thường được trồng làm cảnh vì có hoa rất đẹp, song theo cảnh báo của chuyên gia, loài cây này cực độc, có thể gây chết người.

Cây trúc đào có tên khoa học là Nerium oleander, họ Apocynaceae, có trên 400 loài xuất hiện trên khắp thế giới, phát triển tốt với khí hậu nhiệt đới, ấm áp, cũng có thể chịu hạn hoặc sương giá tốt. Hoa trúc đào có dáng đẹp sặc sỡ, nhiều màu sắc như trắng, hồng nhạt, hồng đậm hoặc hơi đỏ cam, đỏ tía, hoa đơn hoặc hoa kép. Trong đó, loại có hoa màu hồng là phổ biến nhất. Hoa có mùi thơm nhẹ. Chính vì những lý do nói trên mà trúc đào rất được ưa chuộng để chọn trồng làm cảnh, ở Việt Nam cũng trồng rất nhiều.

Triệu chứng ngộ độc trúc đào biểu hiện ở trạng thái khó chịu, bải hoải chân tay, buồn nôn, chóng mặt.

Ngoài việc cho hoa đẹp, trúc đào còn có những giá trị khác có ích cho y học. Chẳng hạn trong lá trúc đào người ta đã chiết được các glycoside như: oleandrin (neriolin), neriin, adynerin và neriantin. Chất neriolin được dùng làm thuốc trợ tim, chữa suy tim, khó thở, chữa phù do suy tim. So với digitalin hay digoxin, neriolin có các ưu điểm là không bị phá hủy bởi men của dịch tiêu hóa, đào thải nhanh và không gây tích lũy.

Tuy nhiên, khi được sử dụng để làm cây cảnh thì phải hết sức cẩn trọng bởi trúc đào là một trong những loài thực vật chứa nhiều hợp chất có độc, có thể gây tử vong ở người, đặc biệt là trẻ em. Độc tính có trong trúc đào rất cao và đã có nhiều thông báo cho thấy trong một số trường hợp chỉ cần một lượng nhỏ cũng đã đủ gây tử vong.

Đáng kể nhất trong số các chất độc có trong cây trúc đào là oleandrin và neriin, đều là các glycoside tim mạch. Hai chất này có trong toàn bộ các bộ phận của loài cây này nhưng chủ yếu tập trung trong nhựa cây. Vỏ cây chứa rosagenin, có các tác động tương tự như strychnin. Toàn cây đều có nhựa màu trắng sữa là chất rất độc và đều gây ra các phản ứng có hại cho sức khỏe.

Y học cổ xưa cũng đã công nhận trúc đào rất độc. Bò, ngựa ăn phải một số lá trúc đào tươi đã bị ngộ độc. Qua thử nghiệm người ta thấy rằng, người uống phải nước có lá trúc đào rơi vào hay nước ngâm rễ trúc đào sẽ bị trúng độc. Ở đảo Corse, Pháp, có trường hợp ngộ độc vì ăn chả nướng xiên bằng cành trúc đào và uống nước đựng trong chai nút bằng gỗ trúc đào hoặc do uống nước suối chảy qua khu vực có nhiều cây trúc đào mọc. Theo thống kê, tại Hoa Kỳ, chỉ trong năm 2002 đã có 847 trường hợp ngộ độc có liên quan tới trúc đào.

Trường hợp ngộ độc do trúc đào có thể có các triệu chứng như sau:

-Trên hệ tiêu hóa: Buồn nôn và nôn mửa, tiết nhiều nước bọt, các tổn thương vùng bụng, tiêu chảy có thể lẫn máu.

-Trên tim mạch: Loạn nhịp tim, đầu tiên nhịp nhanh sau đó chậm dưới mức bình thường rồi loạn nhịp.

Các chất độc từ trúc đào khi nhiễm vào cơ thể còn ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương làm da xanh tái và lạnh, nạn nhân đờ đẫn, run rẩy chân tay và các cơ, tai biến mạch máu, hôn mê và có thể dẫn tới tử vong. Nhựa trúc đào dính vào da còn gây viêm tấy và bỏng rát, sưng đỏ; dính vào mắt sẽ gây loét giác mạc, nếu bị nặng có thể dẫn đến mù mắt.

Trong trường hợp nghi ngờ bị ngộ độc trúc đào, cần phải nhanh chóng gây nôn cho nạn nhân, sau đó khẩn trương đưa họ tới cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ giải độc.

Không nên trồng trúc đào ở cạnh nguồn nước như giếng, ao, bể nước; không buộc hoặc thả gia súc dưới gốc cây trúc đào, không để trẻ nhỏ nhặt chơi hoa trúc đào vì trẻ dễ cho hoa vào miệng; không dùng lá trúc đào chữa bệnh ngoài da dưới bất kỳ hình thức nào.

Nhà khoa học, lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y (Hà Nội), lưu ý: "Trúc đào có tính độc thuộc nhóm A (cực độc), vì vậy không nên trồng cây trong nhà, trường học để tránh trẻ con ăn phải. Tránh trồng cây ở nơi có chứa nguồn nước ăn vì lá rơi xuống có thể gây nhiễm độc. Tuyệt đối không tự ý dùng trúc đào vì sẽ rất nguy hiểm".

Trong đông y, trúc đào có vị đắng, chát, tính bình, có độc mạnh. Trúc đào được coi là vị thuốc có tác dụng trợ tim, lợi tiểu, tán ứ chỉ thống, giải độc thấu chẩn… Nhưng việc dùng trúc đào làm thuốc cần phải theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/loai-cay-chua-chat-kich-doc-nhung-o-viet-nam-trong-day-a651408.html