Lịch học dày đặc ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng tiếp thu của trẻ

Theo BS Nguyễn Thanh Sang, nếu trẻ ngủ từ 22h và dậy lúc 6h, việc vào học sớm không ảnh hưởng đến sức khỏe hay khả năng học tập của các em. Lịch học dày đặc mới là vấn đề.

6h mỗi ngày, chị Lê Hằng (sống ở TP Thủ Đức) bắt đầu đánh thức hai con để chuẩn bị tới lớp. Con gái lớn của chị Hằng học lớp 2, giờ học bắt đầu từ 7h nên chị thường cho con dậy sớm để kịp giờ đi học.

Rèn con ngủ sớm dậy sớm

Đối với chị Hằng, đây là khung giờ đẹp để trẻ con đi học và phụ huynh đưa con xong đi làm mà không bị tắc đường. Tuy nhiên, để có thể hàng ngày đưa con đi học đúng giờ, gia đình chị gặp không ít khó khăn vì trẻ đã quen nếp sống dậy muộn khi còn học mẫu giáo.

Thay đổi môi trường học tập khiến trẻ chưa kịp thích nghi việc phải dậy sớm. Ảnh minh họa: Lê Quân.

“Hồi mẫu giáo, con lúc nào cũng ngủ đến 9h mới đến trường. Hồi đấy, nhà mình có cô giúp việc, bố mẹ cũng bớt nặng gánh. Từ hồi bé lên tiểu học, nhà không thuê giúp việc. Vợ chồng lại phải tập cho con theo lối sinh hoạt mới. Mọi thứ loạn cả lên”, chị nhớ lại.

Kể lại câu chuyện mỗi sáng gọi con dậy đi học, chị Hằng miêu tả hai mẹ con không khác gì “đánh trận”. Lúc đầu, bé chưa quen nên hay khóc, đòi ngủ thêm. Vợ chồng chị Hằng phải tìm đủ cách dọa nạt, nịnh nọt con mới chịu dậy. Sau này, anh chị rèn cho con ngủ sớm, dậy sớm, việc cho con dậy từ 6h không còn là nỗi ám ảnh. Nhiều khi, con chị Hằng tự giác dậy sớm hơn cả bố mẹ.

Rút kinh nghiệm hồi con học mẫu giáo hay ngủ trễ theo mẹ, chị Hằng quyết tâm sửa lại thời gian biểu của mình vì con. Từ một người có giờ giấc làm việc tự do, chị bắt đầu đi ngủ từ 10h, chậm nhất là 10h30 để con ngủ theo. Quen với giấc ngủ đủ 7-8 giờ mỗi tối, con chị Hằng mỗi sáng tỉnh dậy luôn tỉnh táo và vui vẻ. Bé luôn ăn sáng cùng mẹ trước khi vào lớp, đi học đúng giờ và chưa lần nào bị giáo viên phản ánh việc ngủ gật trong lớp.

Khác với nhà chị Hằng, gia đình chị Hồng (sống ở quận 8, TP.HCM) không gặp khó khăn khi đánh thức con dậy vì hai bé đã được rèn thói quen ngủ sớm dậy sớm từ bé. Hai con trai của chị Hồng đều theo học tại một trường tiểu học ở quận 1, TP.HCM. Giờ vào học là 7h mỗi sáng nên hai bé thường được mẹ đánh thức từ 6h.

“Ngày thường vào lúc 6h, ngày nghỉ vào lúc 7h, con mình sẽ dậy để phơi nắng, tập thể dục trên sân thượng khoảng 10-15 phút rồi mới về nhà ăn sáng. Thói quen này chồng mình đã duy trì được cho các con từ nhỏ nên việc con dậy sớm là điều bình thường, không có gì khó”, chị Hồng chia sẻ, đồng thời nói thêm việc dậy sớm tập thể dục là điều hiếm thấy ở trẻ nhỏ cùng độ tuổi với con chị.

Để con dậy sớm mà vẫn thoải mái, không bị thiếu ngủ, chị Hồng cho con ngủ từ 21h30. Con có phòng riêng sát vách phòng bố mẹ nên chị Hồng dễ dàng giám sát, nhắc nhở hai con. Mỗi ngày, đến 21h, hai bé tự động vệ sinh cá nhân và tắt điện đi ngủ.

Đôi khi con có nhiều bài tập, chị Hồng động viên con làm nhanh rồi ngủ trước 22h30, hoặc để buổi sáng dậy sớm làm, không được phép thức muộn hơn. Khi đã rèn cho con nhịp sinh hoạt khoa học, việc đi học từ 7h sáng không còn là vấn đề quá nan giải.

Theo chị, lịch trình con cái phụ thuộc nhiều vào sự rèn luyện của bố mẹ và mang lại ảnh hưởng tích cực cho gia đình. Việc cho con ngủ sớm có thể giúp con trẻ phát triển tốt về mặt thể chất lẫn tinh thần cũng như giúp bố mẹ chủ động thời gian biểu của mình. Chị cho biết điều mình tự hào nhất là con chị rất ít khi muộn học vì ngủ dậy trễ.

Nhà chị Hồng cách trường 5 km, mất gần 20 phút di chuyển nếu không kẹt xe. Bình thường, anh chị mất khoảng hơn 20 phút đưa con đi học vào buổi sáng. Như vậy, gia đình chị chỉ có 30 phút để cho con vệ sinh cá nhân, ăn sáng để kịp đến trường.

"Gia đình mình không khó để có thể theo được lịch học 7h. Nhưng nếu được, giờ học dời qua 7h30 sẽ hợp lý và dễ dàng cho nhà mình hơn. Con cái sẽ không phải ăn sáng vội, bố mẹ cũng không vì thời gian gấp mà chạy xe nhanh đưa con đi học cho kịp giờ", chị bày tỏ.

Bổ sung quan điểm của chị Hồng, chị Hằng cho hay mình đã quen với giờ vào học 7h nên không muốn con vào học lúc 8h hay muộn hơn vì sợ kẹt xe. Ngoài ra, theo chị, việc vào học lúc 8h hay muộn hơn cũng có thể khiến phụ huynh để con thức khuya, thời gian ngủ của các bé cũng không thêm được bao nhiêu.

"Nếu vào học lúc 7h15-7h30 thì gia đình mình và rất nhiều gia đình khác có thể thoải mái hơn một chút, mình đồng ý với khung giờ này. Nhưng nếu dời lên 8h hay muộn hơn, mình sẽ không kịp giờ làm do công ty mình xa nhà và kẹt xe", chị bổ sung.

Lịch học dày đặc gây ảnh hưởng đến học sinh

Trước thông tin nhiều phụ huynh phản ánh trường ở TP.HCM cho trẻ vào học từ 7h, thậm chí một số trường quy định 6h45 trẻ phải có mặt ở trường, ông Nguyễn Thanh Sang, bác sĩ chuyên khoa 1 tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), nói rằng việc cho con đi học sớm sẽ không phải vấn đề nếu cha mẹ biết sắp xếp thời gian hợp lý.

Theo ông, xét trên nguyên tắc sinh học, y khoa, trẻ cần ngủ đủ 6-8 giờ mỗi tối. Do đó, nếu trẻ ngủ từ 22h và dậy lúc 6h, việc 6h45 vào học không ảnh hưởng đến sức khỏe hay khả năng học tập của các em.

Theo chị Hồng, mỗi sáng gọi con dậy sẽ không phải là cuộc chiến nếu đêm hôm trước con ngủ sớm. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Tuy nhiên, ông Sang nêu một vấn đề thực tế hiện nay là nhiều trẻ không thể ngủ sớm do cha mẹ thức khuya, các em sẽ thức theo cha mẹ.

Chưa kể, khi đứng trên phương diện của phụ huynh, ông Sang nhận thấy phần lớn cha mẹ thường bận rộn công việc đến nửa đêm rồi mới ngủ. Nếu 6h phải dậy cho kịp đưa con tới lớp, phụ huynh sẽ cảm thấy mệt mỏi. Đó cũng là một phần lý do nhiều phụ huynh phản đối cách sắp xếp giờ học của nhà trường.

Nếu đứng trên phương diện của nhà trường, việc cho trẻ vào học sớm là một chính sách phù hợp để giải quyết vấn đề tắc đường, nhất là ở khu vực đô thị như TP.HCM. Dù vậy, nhà trường cũng cần cân nhắc, xem thử sự thay đổi này có thật sự hiệu quả hay không. Nếu vấn đề tắc đường không thể giải quyết, kèm theo việc phản đối từ phần lớn phụ huynh, nhà trường nên điều chỉnh cho phù hợp.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang nêu thêm tại Việt Nam, các trường quy định ca sáng thường kéo dài trong khoảng 4,5 giờ. Trẻ vào học lúc 8h thì không đủ thời gian để học hết ca sáng. Tuy nhiên, theo ông, thời lượng học như vậy là quá nhiều. Các trường nước ngoài chỉ cho trẻ học trong khoảng 3-4 giờ, sau đó để các em nghỉ ngơi, ăn trưa rồi buổi chiều học tiếp.

“Nhìn chung, xếp giờ học sớm từ 6h45 không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Nhưng lịch học dày đặc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng tiếp thu của các em”, bác sĩ Sang nhấn mạnh.

Thái An - Linh Thùy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lich-hoc-day-dac-anh-huong-den-suc-khoe-kha-nang-tiep-thu-cua-tre-post1366506.html