LỄ HỘI 'TÔN VINH CÀ PHÊ - TRÀ VIỆT' LẦN 2 - NĂM 2024: Tự tin xuất khẩu cà phê đạt 5 tỉ USD

Dù không khó đạt mục tiêu xuất khẩu 5 tỉ USD song để tăng trưởng bền vững, ngành cà phê Việt Nam cần hướng đến sản xuất chất lượng cao

Hội thảo "Giải pháp để xuất khẩu cà phê đạt 5 tỉ USD" trong khuôn khổ Lễ hội "Tôn vinh cà phê - trà Việt" lần 2 - năm 2024 do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 30-3 tại Trung tâm Thương mại Gigamall (TP Thủ Đức, TP HCM) đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp thiết thực để cà phê Robusta Việt Nam ghi dấu ấn trên bàn đồ thế giới.

Mục tiêu dễ đạt nhưng...

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, chỉ ra giá cà phê đã lập đỉnh 102.000 đồng/kg nhưng nhiều nông dân bán ở giá 60.000 - 70.000 đồng/kg, còn doanh nghiệp (DN) phải mua giá cao để trả đơn giá thấp ký trước đó.

Theo ông Đỗ Hà Nam, mặc dù mục tiêu xuất khẩu cà phê 5 tỉ USD không khó đạt được nhưng chính trong làn sóng giá tăng hiện nay, có những DN lại gặp khó khăn, thậm chí thua lỗ. "Nhiều DN không mua được cà phê để xuất khẩu. Một số nhà mua hàng cảnh báo nếu DN xuất khẩu không giao hàng đúng hạn thì họ sẽ tìm nguồn cung khác" - ông Nam nêu thực tế.

ThS Nguyễn Quang Bình, chuyên gia phân tích thị trường cà phê, nhận định với giá bán hiện nay, không cần bàn giải pháp gì thì kim ngạch xuất khẩu cà phê năm 2024 cũng đạt 5 tỉ USD. Tuy nhiên, quan trọng hơn là cần tìm giải pháp để phát triển bền vững. "Nên tăng cường sản xuất, chế biến cà phê đặc sản bởi cà phê thường có giá 4.000 USD/tấn, còn giá cà phê đặc sản ít nhất là 6.000 - 8.000 USD/tấn" - ông Bình so sánh.

Ông Phạm Chánh Trực - nguyên Trưởng Ban Kinh tế trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM - lưu ý cần sản xuất theo hướng hữu cơ, xanh, tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao và tính đến sự khác biệt của sản phẩm. Chẳng hạn, sản xuất cà phê hữu cơ sẽ cho ra sản phẩm cà phê đặc sản, từ đó chế biến thành sản phẩm thương hiệu có uy tín.

"Cần đầu tư vào chất lượng để xuất khẩu 5 tỉ USD cà phê có giá trị thực chất hơn. Song song đó, tiếp tục đẩy mạnh quảng bá sản phẩm và xóa bỏ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún" - ông Phạm Chánh Trực góp ý.

Nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cùng các khách mời đồng chủ trì Hội thảo “Giải pháp để xuất khẩu cà phê đạt 5 tỉ USD” trong khuôn khổ Lễ hội “Tôn vinh cà phê - trà Việt” lần 2 - năm 2024. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cần sự hỗ trợ đồng bộ

Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty CP Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu cà phê Napoli, thông tin trung bình mỗi địa phương hiện có khoảng 100 DN cà phê, riêng TP HCM có khoảng 2.000 DN. Tính chung, cả nước có khoảng 10.000 DN cà phê. Số lượng DN rất lớn nhưng việc phát triển cà phê thương hiệu Việt ra thị trường thế giới còn hạn chế.

"Tôi đi khoảng 100 nước trên thế giới và thấy có rất ít thương hiệu cà phê Việt Nam. So với Thái Lan, Malaysia, độ bao phủ và thị trường của thương hiệu cà phê Việt rất hạn chế. Để khắc phục, bên cạnh hỗ trợ DN đầu tư máy móc, thiết bị và sản phẩm, cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến" - ông Hưng đề xuất.

Theo ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn cầu, để ngành cà phê có thể tập trung vào chế biến sâu, cần chính sách hỗ trợ về tài chính cho nông dân, DN. "Ngân hàng chỉ hỗ trợ lãi suất 5%-6%/năm trong 3-6 tháng, sau đó quay lại lãi suất thả nổi nên DN rất khó phát triển bền vững" - ông Luận phản ánh.

Bà Trương Thị Ánh Tuyết, Phó Trưởng Văn phòng Đại diện khu vực miền Nam Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), cho hay ngân hàng cam kết đồng hành với DN và hộ nuôi trồng với lãi suất ưu đãi giảm 2% so với thị trường.

Liên quan lĩnh vực chế biến, TS Đỗ Việt Hà - Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP HCM, Phó Chủ tịch Hội hóa học TP HCM - cho biết ngành chế biến thực phẩm của Việt Nam đã đạt được trình độ nhất định. Với trình độ như vậy, có thể nâng cao chất lượng, giá trị và sự đa dạng của sản phẩm cà phê, thay vì chỉ là loại thức uống như bình thường.

"Chất lượng bảo quản cà phê ở kho đang kém hơn bảo quản gạo trong khi giá cà phê cao gấp 3 lần gạo. Tuy nhiên, để DN mạnh dạn đầu tư vào công nghệ, cần chính sách hỗ trợ của nhà nước" - TS Đỗ Việt Hà kiến nghị.

Vị thế không thể thay thế

Ông Đỗ Hà Nam nêu thực tế cà phê Việt Nam có vị trí không thể thay thế. Công ty CP Tập đoàn Intimex đã thử mua cà phê từ nước khác về làm cà phê hòa tan nhưng không thể ra được vị của cà phê hòa tan Việt Nam và không được thị trường thế giới chấp nhận. "Vai trò của cà phê Việt là không thể thay thế nhưng cần có giải pháp, chiến lược để phát triển bền vững" - ông Đỗ Hà Nam gợi mở.

Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Việt Nam là cường quốc về cà phê Robusta. Song, cách đây 10 năm, giới thưởng thức cà phê quốc tế chỉ công nhận cà phê Arabica là đặc sản, còn cà phê Robusta bị xem là thấp cấp. Với nỗ lực của các nông trại, DN và giới rang xay, đến nay, Việt Nam có 500 tấn cà phê Robusta đặc sản. "Tiềm năng thị trường cà phê đặc sản rất lớn. Nhờ sự phát triển phân khúc này, cà phê Việt Nam có thêm danh tiếng trên thế giới" - ông Minh nhận xét.

Nhiều hoạt động hấp dẫn tại lễ hội

Khách hàng đến với lễ hội sẽ được tham gia chương trình với nhiều hoạt động như thưởng thức trà, cà phê miễn phí; hội thảo "Giải pháp để xuất khẩu cà phê Việt đạt 5 tỉ USD"; trình diễn, thuyết trình về cà phê/trà; gala "Hành trình 30 năm Giải Mai Vàng"; Coffee Talk với chủ đề "Khởi sự kinh doanh với thức uống".

Không chỉ có vậy, với mỗi hóa đơn mua hàng tại Lễ hội, khách hàng sẽ nhận được ưu đãi đặc biệt đến từ những điểm đến giải trí mới lạ tại TTTM Gigamall, như: Không gian nghệ thuật tương tác đa giác quan Van Gogh đầu tiên tại Việt Nam, Không gian Van Gogh Immersive 720 hiện đại, Sàn thể thao công nghệ đẳng cấp thế giới JP Sport Games hay Trung tâm giáo dục – Giải trí công nghệ tương tác Jazzy Paradise.

Đặt vé thưởng lãm Không gian nghệ thuật tương tác đa giác quan Van Gogh tại đây.

THÁI PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/le-hoi-ton-vinh-ca-phe-tra-viet-lan-2-nam-2024-tu-tin-xuat-khau-ca-phe-dat-5-ti-usd-196240330235127481.htm