Đa dạng hóa sinh kế hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo

Đa dạng hóa sinh kế để giảm nghèo bền vững được xem là giải pháp hữu hiệu trong thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Đa dạng hóa sinh kế hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Đa dạng hóa sinh kế

Nhằm mục tiêu tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là những hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn. Tỉnh Thái Nguyên đã triển khai hỗ trợ người dân thông qua các dự án đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo và Tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, năm 2023 toàn huyện đã có trên 300 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo của huyện Định Hóa được hỗ trợ từ Dự án đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo và Tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. UBND huyện Định Hóa đã phê duyệt 36 Phương án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, gồm: phương án chăn nuôi gà, chăn nuôi trâu, bò, dê sinh sản, sinh sản, 01 phương án hỗ trợ máy móc chế biến chè, 01 phương án hỗ trợ máy móc sản xuất lúa J02...

Là một trong 11 hộ dân được nhận bò giống theo chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững bà Khuông Thị Loan, người dân tộc Tày, trú tại xóm Tràng, xã Tân Dương, huyện Định Hóa chia sẻ: Tôi là một bà mẹ đơn thân, một mình nuôi con nhỏ, gia đình thuộc hộ nghèo, thu nhập bấp bênh, chủ yếu đi làm thuê, làm mướn để lo cho cuộc sống qua ngày.

Được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là xã Tân Dương, gia đình chúng tôi được nhận một con bò giống để chăm sóc và nuôi dưỡng. Quá trình thực hiện dự án, chúng tôi đã được cán bộ khuyến nông của xã tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cỏ; cách làm chuồng trại, kỹ thuật chọn con giống, chăm sóc và phối giống cho bò...

Bà Khuông Thị Loan cho biết: Chúng tôi rất vui mừng và không biết nói gì hơn khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Hiện nay, con bò nuôi ngày một lớn, sinh trường phát triển tốt, đây sẽ là nguồn thu nhập lớn, giúp gia đình tôi từng bước thoát nghèo.

Bà Khuông Thị Loan phấn khởi dắt bò đi ăn cỏ.

Tập trung nguồn lực nâng cao nhận thức cho người dân

Còn tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên xác định việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo theo Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, huyện Đại Từ đã tập trung mọi nguồn lực, nâng cao năng lực và nhận thức cho cán bộ, người dân về giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Giai đoạn 2022 - 2023, huyện được giao trên 17 tỷ đồng nguồn vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững và chuyển tiếp trên 3 tỉ đồng nguồn vốn từ năm 2022, 14 tỉ nguồn vốn từ 2023. Từ nguồn vốn trên, các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn trên địa bàn đã tập trung thực hiện các mô hình, dự án theo kế hoạch.

Trong đó với Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đang triển khai 8 dự án phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp tại 8 xã với các dự án hỗ trợ phân bón phát triển cây chè; hỗ trợ trâu, bò sinh sản với tổng số người tham gia dự án là 515 người, trong đó hộ nghèo là 276 hộ; hộ cận nghèo 188 hộ; hộ mới thoát nghèo là 43 hộ; hộ làm kinh tế giỏi là 8 hộ.

Bà Lý Thị Hồng, xóm 12, xã Cù Vân chia sẻ: Gia đình tôi thuộc hộ nghèo đã nhiều năm nay, kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào trồng lúa, đời sống còn nhiều khó khăn, vất vả. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là xã Cù Vân, gia đình tôi được hỗ trợ một con bò giống. Quá trình thực hiện dự án, tôi được cán bộ khuyến nông của xã tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cỏ; cách làm chuồng trại, kỹ thuật chọn con giống, chăm sóc và phối giống cho bò…

Như vậy, việc tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch phù hợp theo từng vùng, tăng cường liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, bổ sung nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương để thực hiện cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi qua hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội, tăng cường đào tạo nghề và chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp… giúp mở rộng sinh kế, cải thiện thu nhập cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh, góp phần để Thái Nguyên từng bước hoàn thành mục tiêu giảm nghèo.

Phương Thảo

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/da-dang-hoa-sinh-ke-ho-tro-cac-ho-ngheo-ho-can-ngheo-post681735.html