Lập Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả chuyên về nhân lực giao thông chất lượng cao

Hiện nay, Nhà nước đang đầu tư nhiều công trình, hạ tầng giao thông, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, metro,… đòi hỏi nguồn nhân lực thi công, quản lý, vận hành trong tương lai rất lớn.

Lễ ký kết hợp tác lập Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả

Chiều nay (30/9) tại TP.HCM, Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM và Tập đoàn Đèo Cả đã tổ chức lễ công bố thành lập Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả. Tham dự buổi lễ có nhiều lãnh đạo Trung ương và địa phương.

Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho biết, chương trình đào tạo hiện nay chưa hoàn toàn đáp ứng được tính thực tiễn. Trong khi từ khâu quản lý dự án, tổ chức thi công, thanh quyết toán dự án đường sắt, metro, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo là xu thế tất yếu của thế giới hiện nay.

Vì thế Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả được thành lập sẽ tăng kết nối thực tiễn, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, điều hướng rõ tiêu chí "tiến độ, chất lượng, minh bạch" ngành GTVT.

Theo ông Hoàng, mô hình viện đào tạo của một doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hạ tầng giao thông có thể xem là mới mẻ ở Việt Nam. Còn trên thế giới mô hình này rất được xem trọng và đã có nhiều trung tâm đào tạo nổi tiếng như Land Rover trong Đại học Warwick, AstraZeneca tại Đại học Oxford hay Trường Đại học của Tập đoàn Sany tại Trung Quốc.

Ông Hoàng cho biết thêm, hiện Nhà nước đang đầu tư nhiều công trình, hạ tầng giao thông, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, metro,… đòi hỏi nguồn nhân lực thi công, quản lý, vận hành trong tương lai rất lớn. Nhưng các cơ quan quản lý, doanh nghiệp gần như chưa có sự chuẩn bị nguồn nhân lực bền vững cho những dự án này.

Để tránh tình trạng phải thuê nhà thầu nước ngoài, nhân sự nước ngoài, vừa tốn kém và lại phụ thuộc,… việc thành lập Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả nhằm mục đích đào tạo những thế hệ sinh viên gắn lý thuyết với thực tiễn.

"Đèo Cả sẽ cấp học bổng cho các sinh viên có ý chí cầu tiến, tiếp nhận các sinh viên ngành giao thông để hướng dẫn thực tập nhằm tạo điều kiện cho các em hiểu về doanh nghiệp ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, rút ngắn quy trình đào tạo, thử việc tại doanh nghiệp", ông Hoàng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Phương, Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh cho biết, trên thế giới, mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là một mô hình hợp tác phổ biến. Sự hợp tác này tác động rất tích cực tới hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học và đã không ngừng nâng cao chất lượng cho người học.

Tại Việt Nam, trong những năm qua, mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sử dụng của thị trường là một nhiệm vụ quan trọng đối với các cơ sở đào tạo.

Nhận thức GTVT là ngành đi đầu trong ứng dụng công nghệ để phát triển hệ thống giao thông thông minh, đặc biệt là đón đầu xu thế xây dựng đường sắt đô thị, đường sắt cao tốc, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM và Tập đoàn Đèo Cả chính thức hợp tác thành lập Viện Nghiên cứu - đào tạo Đèo cả nhằm thực hiện 4 nhiệm vụ chính: Đào tạo; nghiên cứu khoa học ứng dụng & chuyển giao công nghệ; Tư vấn và thực hiện dự án.

"Trong thời gian tới, chúng tôi quyết tâm xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm của ngành giao thông, làm chủ các thí nghiệm đặc thù mà VN chưa làm chủ như: Hầm gió, động đất, kết cấu nhịp lớn, câu treo dây võng, cầu treo dây văng", ông Phương nhấn mạnh.

Ngọc Trang

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/lap-vien-nghien-cuu-dao-tao-deo-ca-chuyen-ve-nhan-luc-giao-thong-chat-luong-cao-183230930211841806.htm