Làng nghề tiện gỗ ở Nhị Khê Trụ vững trước sóng gió thị trường

Thời kinh tế lạm phát, nhiều làng nghề truyền thống đã rơi vào cảnh long đong tìm đầu ra, nhưng với làng nghề tiện gỗ ở Nhị Khê (Thường Tín, Hà Nội) thì khác. Không những chẳng bị mai một theo thời gian, làng nghề truyền thống nơi đây còn đang phát triển rất mạnh mẽ. Những sản phẩm do người thợ Nhị Khê tạo nên như: chiếu gỗ, mành gỗ... đang ngày càng có chỗ đứng trên thị trường cả trong và ngoài nước.

Huyền thoại nghề xưa Nằm cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 20 km, nên cứ dịp cuối tuần, nhiều người dân thành phố lại xuôi theo Quốc lộ 1A đến xã Nhị Khê, huyện Thường Tín để thăm quan ngôi làng nổi tiếng này. Điểm du lịch làng nghề Nhị Khê từ lâu cũng là địa chỉ được rất nhiều du khách nước ngoài lựa chọn. Bởi đến đây, họ không chỉ được tận mắt chứng kiến bàn tay khéo léo của những người thợ tài hoa “biến” những súc gỗ xù xì trở thành những sản phẩm tinh xảo; mà còn được hòa vào một không gian làng quê rất đặc trưng của Bắc bộ với cây đa, giếng nước, sân đình. Và tuyệt vời hơn khi được nghe người dân nơi đây kể về những con người làm nên lịch sử của mảnh đất này như: anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, cụ tổ nghề tiện Đoàn Tài... Nghề tiện gỗ ở Nhị Khê có lịch sử hàng trăm năm nay. Tương truyền Tổ tiên Thánh sư Đoàn Tài là người đã có công khai sinh ra làng nghề. Truyện rằng, dưới thời vua Lê chúa Trịnh, có một người thợ tiện tài hoa tên là Đoàn Tài. Đoàn Tài có khả năng tiện được nhiều sản phẩm độc đáo như: cái điếu 18 lỗ hút, có thể để 18 trai tráng cùng hút một lúc... Đặc biệt, nhiều sản phẩm do ông tiện đã được đem tiến vua. Bằng tài nghệ của mình, ông đã được vua phong sắc “Lê Triều sắc tứ mộc tượng”. Ông đến Nhị Khê và truyền nghề tiện cho dân làng nơi đây. Từ đó dân chúng tôn ông là tổ nghề tiện. Người dân Nhị Khê đến nay vẫn lưu truyền câu ca dao cổ: “Sống thì sống đủ trăm năm/ Chết thì chết giữa hai nhăm tháng mười”. Ở các làng quê Bắc bộ của Việt Nam, tháng 10 là mùa gặt. Ông tổ nghề tiện mất ngày 25/10 âm lịch, đúng vào mùa được coi là no ấm, nên dân làng tiện luôn tâm niệm nhờ ơn phúc của tổ nghề nên họ có được cuộc sống đầy đủ như ngày hôm nay. Vì vậy, cứ đến ngày giỗ của cụ, người làng dù làm ăn gần xa cũng về làng để tưởng nhớ công ơn tổ nghề. Tìm đường “vượt biên giới” Xe vừa dừng ở đầu làng Nhị Khê, chúng tôi đã nghe được những âm thanh đặc trưng của nghề tiện gỗ: tiếng rít của lưỡi cưa máy cắt gỗ, rồi âm thanh rộn rã của máy tiện, máy khoan, máy bào như hòa quyện vào nhau... Bước qua cổng làng, đập vào mắt chúng tôi là những mảnh gỗ, phiến gỗ, cây gỗ ngổn ngang, xếp thành từng đống dọc đường làng. Vào sâu các ngõ, ngách trong làng, nơi những âm thanh phát ra từ những chiếc máy cưa, bàn tiện ngày một rõ dần. Tất cả những điều đó đã làm nên sức sống, sự nhộn nhịp của một làng nghề. Đến Nhị Khê, bước vào bất kỳ một cơ sở sản xuất nào, khách du lịch đều có cảm giác như đang ở trong một xí nghiệp khép kín. Bởi dù là hộ sản xuất nhỏ hay lớn đều có đầy đủ: máy cưa, máy đột, bàn tiện gắn mô-tơ điện, mũi tiện có bộ gá đỡ nâng đẩy, bộ phận quét sơn, lò sấy, đánh bóng... Hiện nay, thị trường đang ưa chuộng những sản phẩm mành, chiếu được tiện từ gỗ nên đến nhiều xưởng du khách dễ dàng bắt gặp những khoanh gỗ tròn, trên có nhiều lỗ giống như những tổ ong. Trước ánh nhìn ngạc nhiên của du khách, một người thợ giải thích: “Từ miếng gỗ tròn được cưa ra, qua máy đột sẽ tạo những hạt có nhiều hình dáng như: hình quả trám, hình hạt sen... Sau khi được sơn màu, người thợ sẽ xâu hạt tạo thành những kiểu mành, rèm... được người tiêu dùng ưa thích”. Người dân nơi đây cho biết, thông thường, đồ tiện gỗ chỉ có hai chủng loại: Một là đồ thờ cúng: ống hương, bát nhang, mâm bồng, lọ hoa, đài nến... bằng gỗ mộc tiện ra rồi đem sơn son thếp vàng. Hai là đồ dân dụng như: chấn song gỗ, tay vịn cầu thang, chân bàn ghế, tủ, hạt xâu làm mành, chiếu gỗ, thảm gỗ, đệm ghế ngồi ô tô, đồ trang trí nội thất... Đặc biệt, trong 2 cuộc kháng chống Pháp, Mỹ, với vốn nghề do cụ tổ truyền lại, người dân Nhị Khê đã sáng tạo và tiện ra những sản phẩm có ích phục vụ quân đội, chiến tranh như: cán xẻng, khung tăng bạt, chuôi lựu đạn... Không dừng ở việc tiện gỗ, khi hòa vào cơ chế thị trường, người dân Nhị Khê đã vận dụng nghề tổ của mình để chuyển từ sản xuất đồ gia dụng giản đơn sang đồ mỹ nghệ cao cấp. Nguyên liệu để tiện bây giờ không chỉ dựng lại ở gỗ, người thợ còn tiện cả những chất liệu được du khách ưa chuộng như: sừng, ngà, xương, vỏ trai, đá... Từ làng quê nhỏ bé này, rất nhiều đồ trang sức, thủ công mỹ nghệ chất lượng cao như: tràng hạt đeo, bình, lọ, bát, đĩa, hộp đựng, gạt tàn thuốc lá, các con vật quý, đế đèn, cây đèn... đã “vượt biên giới” đến với nhiều nước châu Âu, châu Á. Được biết, làng Nhị Khê hiện có trên 400 hộ, hầu như gia đình nào cũng theo nghề tiện. Nghề tiện tại Nhị Khê không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân trong làng, mà còn thu hút được nhiều lao động từ các làng xóm lân cận tham gia sản xuất. Hiện nay, thu nhập từ nghề truyền thống ở Nhị Khê chiếm trên 80% tổng thu nhập của cả làng. Trái với tưởng tượng của nhiều người về cuộc sống khó khăn của người dân nông thôn. Khi đến Nhị Khê nhiều du khách không khỏi bị “choáng” vì những ngôi nhà cao tầng khang trang, những chiếc ô tô bóng loáng đậu trước cửa nhà. Nghề truyền thống phát triển, nên về Nhị Khê, không khó để bắt gặp những “đại gia” với cung cách làm ăn chuyên nghiệp: giao dịch, bán hàng qua internet, fax... Không khó để thấy, những cơ sở sản xuất như: gia đình anh Nguyễn Văn Thăng, chị Trần Thị Mai, Nguyễn Xuân Vọng, Lê Duy Kiên, Nguyễn Hùng, Nguyễn Hữu Việt, Hùng Mai... đã góp phần tạo nên sự trù phú, giàu có cho quê hương của danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, cũng như nhiều làng nghề khác, bên cạnh niềm vui vật chất mà nghề tổ đem lại, người dân làng nghề tiện Nhị Khê cũng đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm ô trường. Hiện tại, người dân nơi đây vẫn đang chờ đợi dự án quy hoạch xây dựng làng nghề tập trung tại khu đồng Sếu với diện tích 25 ha sẽ sớm được thực hiện. Được như vậy, người dân làng tiện Nhị Khê sẽ vừa có thêm điều kiện phát triển nghề truyền thống, vừa được sống trong bầu không khí trong lành mà lâu nay chính họ đã “đánh cắp”. Chiều xuống, bâng khuâng khi phải tạm biệt khung cảnh nên thơ của ngôi làng cổ kính Nhị Khê, chợt nghe lời thì thầm: “Bao giờ Thường Tín hết cây, sông Tô cạn nước thì... Nhị Khê bỏ nghề... Quốc Việt – Nguyễn Hiếu

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://baodaidoanket.net/ddk/mdNews.ddk?id=18279