Lăng kính chứng khoán 17/11: Nên tăng tỉ trọng hay tranh thủ chốt lời?

Nhà đầu tư nên chậm lại để quan sát trạng thái cung cầu, có thể tranh thủ khả năng tăng điểm của thị trường để chốt lời hoặc cơ cấu lại danh mục.

Nhận định đầu tư

Chứng khoán Yuanta (Yuanta): Thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên 17/11 và chỉ số VN-Index có thể thử thách quanh vùng 1.135 điểm.
Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho nên nhịp điều chỉnh có thể nhanh chóng kết thúc và thanh khoản được kỳ vọng sớm gia tăng trở lại trong những phiên giao dịch tới.
Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng cho thấy các nhà đầu tư vẫn lạc quan với diễn biến thị trường hiện tại. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỉ trọng cổ phiếu và mua mới.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC): Thị trường vẫn trong giai đoạn thăm dò tại vùng 1.115 - 1.130 điểm sau phiên bật tăng mạnh. Dự kiến diễn biến này sẽ tiếp diễn trong thời gian gần tới trước khi có tín hiệu cụ thể hơn. Tuy nhiên, tạm thời vẫn cần lưu ý áp lực cung sẽ gây sức ép trở lại khi thị trường tăng điểm.

Nhà đầu tư nên chậm lại để quan sát trạng thái cung cầu. Hiện tại, có thể tranh thủ khả năng tăng điểm của thị trường để chốt lời hoặc cơ cấu lại danh mục.

Chứng khoán Beta: Theo quan điểm kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang nằm trong xu hướng tăng ngắn hạn khi nằm trên đường MA10 và MA20. Các chỉ báo kỹ thuật như MACD, MACD Histogram và SAR duy trì tín hiệu tích cực củng cố cho xu hướng ngắn hạn hiện tại. Vùng 1.115 điểm đang đóng vai trò hỗ trợ cho VN-Index. Trong khi đó, vùng 1.135 – 1.140 điểm sẽ đóng vai trò kháng cự.

Ngày 17/11 là phiên giao dịch cuối tuần nên mức độ biến động nhiều khả năng sẽ cao nhưng nhìn chung vẫn duy trì xu hướng tăng, tuy nhiên nhà đầu tư nên hạn chế tâm lý mua đuổi khi có dấu hiệu tăng nóng.

Tin vắn chứng khoán

- Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ năm 2023 từ mức 2,3 triệu thùng/ngày lên mức 2,4 triệu thùng/ngày và tiến gần hơn đến dự báo 2,46 triệu thùng/ngày của OPEC.

- Quý III/2023, kinh tế Nhật Bản giảm mạnh nhất trong 2 năm, giữa lúc lạm phát nội địa gây áp lực lên túi tiền của người dân, trong khi xuất khẩu giảm sút. Đây là quý giảm đầu tiên của kinh tế Nhật Bản trong 1 năm qua và là một phần của xu hướng không bền vững kể từ đầu giai đoạn dịch COVID-19, trong đó kinh tế tăng giảm đan xen.

Trong quý III/2023, GDP Nhật Bản giảm 2,1% so với cùng kỳ, sau khi tăng trưởng 4,8% trong quý trước đó. Mức giảm này cũng mạnh hơn dự báo giảm 0,6% của các chuyên gia tham gia cuộc thăm dò của Reuters.

Trần Thị Tú Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/lang-kinh-chung-khoan-1711-nen-tang-ti-trong-hay-tranh-thu-chot-loi-a636277.html