Lan tỏa văn hóa đọc trong học đường

Đọc sách là một trong những phương pháp tiếp nhận tri thức hiệu quả. Các đơn vị trường học đã không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả của thư viện, tổ chức các hoạt động sáng tạo, góp phần lan tỏa văn hóa đọc, tạo 'cầu nối' tri thức cho học sinh.

Thư viện xanh tại Trường Tiểu học và THCS Mường Bằng (Mai Sơn).

Thay vì mô hình thư viện truyền thống với giá sách và bàn đọc, Trường Tiểu học Ngọc Linh (Thành phố) đã thiết kế những góc thư viện sáng tạo như: Góc văn hóa địa phương, góc thiên nhiên, góc tra cứu, góc sáng tạo - nghệ thuật... để thu hút học sinh. Phòng đọc của thư viện đảm bảo không gian thoáng mát, rộng rãi, thiết kế, bố trí sáng tạo, trang bị đầy đủ các loại tài liệu, tư liệu, dụng cụ, đồ vật minh họa theo chủ đề. Nhà trường còn thiết kế không gian thư viện thân thiện ở sân trường và các lớp học. Hơn 5.000 đầu sách đa dạng về thể loại, phù hợp với học sinh tiểu học được thay đổi hàng tuần phục vụ nhu cầu đọc sách của các em.

Cô giáo Lê Thị Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngọc Linh, chia sẻ: Năm học 2019-2020, các giáo viên, phụ huynh và học sinh đã quyên góp gần 1.000 cuốn sách các loại cho thư viện nhà trường. Nhà trường đã đổi mới không gian thư viện, thường xuyên triển khai hoạt động thú vị như: Tiết đọc thư viện, ngày hội sách, quyên góp sách cũ, cây thư viện... Trong đó, nổi bật có mô hình tiết đọc thư viện được tổ chức trung bình mỗi lớp 1 tiết/tuần. Tại tiết đọc, các giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh tìm hiểu những câu chuyện qua sách; phân vai, diễn lại các câu chuyện và tìm hiểu nội dung, bày tỏ cảm nhận của mình. Việc tổ chức tiết đọc thư viện sẽ khuyến khích học sinh chủ động tìm đọc các cuốn sách, báo, tạp chí, thúc đẩy ý thức tự đọc và tìm hiểu tư liệu của học sinh.

Em Ngô Bảo Anh, học sinh lớp 5A1, Trường Tiểu học Ngọc Linh nói: Chúng em rất thích không gian thư viện của trường, dễ dàng tìm được những cuốn sách mình yêu thích để đọc vào giờ ra chơi hoặc cuối giờ học. Chúng em còn được tham gia các ngày hội, cuộc thi về sách để nâng cao hiểu biết.

Còn tại Trường Tiểu học và THCS Mường Bon (Mai Sơn), đối với cấp tiểu học, nhà trường xây dựng thư viện mã màu; theo đó, các loại sách được phân biệt bằng màu sắc, giúp học sinh nhỏ tuổi chưa thông thạo tiếng Việt dễ dàng tìm kiếm, mượn, trả sách. Nhà trường còn xây dựng thư viện xanh tại khuôn viên sân trường. Tại điểm trường THCS, thư viện xanh có quy mô hơn 220 m², được thiết kế rộng rãi và thoáng mát, trang trí bằng các vật liệu thân thiện với môi trường như: Mái che bằng những giàn chanh leo, hàng rào bằng ống tre, tận dụng lốp xe cũ để làm chậu cây đặt trên sân của thư viện...

Thầy giáo Lò Văn Bình, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Chúng tôi đã đầu tư xây dựng thêm thư viện xanh ngoài trời thân thiện, luân chuyển gần 14.000 đầu sách hàng tuần, hàng tháng, đáp ứng nhu cầu đọc sách mọi lúc, mọi nơi của các em, giúp học sinh vùng nông thôn có thêm các cơ hội tiếp cận tri thức, nâng cao hiểu biết, giải trí.

Văn hóa đọc phải được rèn luyện từ nhỏ và trường học là môi trường tốt nhất để rèn thói quen này cho các em. Chính vì vậy, công tác thư viện trường học trong những năm gần đây được ngành giáo dục quan tâm nhiều hơn. Hiện, toàn tỉnh có 180/367 (49%) trường học có thư viện đạt thư viện tiên tiến. Số lượng sách được các đơn vị trường học đầu tư mua mới từ nguồn Ngân sách Nhà nước cấp cho các trường hằng năm và từ nguồn xã hội hóa, các hoạt động quyên góp, ủng hộ.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường trực thuộc, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố định hướng, khuyến khích các đơn vị trường học tích cực đổi mới hình thức, hoạt động của thư viện, với nhiều mô hình hiệu quả, như: Thư viện xanh, thư viện thân thiện, thư viện mã màu... Không gian thư viện không bị bó hẹp trong 4 bức tường; các dụng cụ, thiết bị trong thư viện được thiết kế, sáng tạo từ vật liệu tái chế thân thiện với môi trường, thu hút học sinh đọc sách, báo, tạp chí để nâng cao kiến thức, rèn luyện năng lực tự học và kỹ năng sống, góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách trong nhà trường.

Cùng với việc tích cực đổi mới, sáng tạo hình thức và hoạt động của thư viện trong các trường học, dịp kỷ niệm Ngày sách Việt Nam (21/4), các trường học trong tỉnh cũng đồng loạt tổ chức ngày hội sách và các hoạt động, cuộc thi thú vị gắn với sách, như: Thi kể chuyện theo sách, giới thiệu cuốn sách hay, xếp mô hình sách, tọa đàm, trao đổi phương pháp tìm và đọc sách trong thời công nghệ 4.0, phát động phong trào quyên góp và trao đổi sách... đã thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia, góp phần khơi dậy niềm đam mê và thói quen đọc sách và lan tỏa văn hóa đọc trong học đường, giảng đường.

Lê Hạnh

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/lan-toa-van-hoa-doc-trong-hoc-duong-39125