Lan tỏa những mô hình hay, những tấm gương điển hình tiêu biểu

Trong 3 năm thực hiện Cuộc vận động 'Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ' (gọi tắt là CVĐ) đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo của các cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, các mặt công tác. Trong buổi gặp mặt, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quân thực hiện CVĐ đã có nhiều ý kiến phát biểu và gửi tham luận tới chương trình. Báo Quân đội nhân dân xin lược trích một số ý kiến tham luận tại buổi gặp mặt, tôn vinh.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Thượng tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị chụp ảnh lưu niệm với các ĐHTT.

Thượng tá Nguyễn Đức Hưng, Chính ủy Sư đoàn 308, Quân đoàn 1:

Cán bộ tự giác nêu gương từ trong suy nghĩ đến hành động

Thực hiện CVĐ đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 3 năm liền Sư đoàn 308 được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư lệnh Quân đoàn tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Quyết thắng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ huy. Song điều mà tôi thấy tâm đắc và sâu sắc nhất đó là sự nêu gương và tình đoàn kết: Cán bộ càng cao thì càng phải nêu gương, càng phải làm trước, làm tốt. Nêu gương từ trong suy nghĩ đến hành động, từ việc nhỏ đến việc lớn, mọi lúc, mọi nơi…

Thượng tá Nguyễn Đức Hưng.

Nói ra thì dễ, nhưng thực hiện thì tốn rất nhiều thời gian, công sức; phải dày vò, thậm chí phải chấp nhận cả thiệt thòi. Quy định cho cấp dưới chấp hành thì dễ; nhưng yêu cầu đối với mình thì lại rất khó. Tôi đơn cử như việc thực hiện quy định không hút thuốc lá. Bản thân tôi trước đây cũng là người nghiện thuốc lá khá nặng. Sau khi sư đoàn phát động phong trào “Đơn vị không khói thuốc”, tôi quyết tâm bỏ, nhưng thời gian đầu thực hiện cũng rất khó khăn, phải đấu tranh với chính mình, vì nó đã là thói quen gắn bó với mình trong một thời gian dài… Vì thế, tôi đã đặt ra yêu cầu với bản thân là không hút nữa, tôi kiên trì thực hiện và đã bỏ được. Hay như là việc nâng cao chất lượng bắn súng. Một hôm khi đi kiểm tra, động viên cán bộ luyện tập bắn súng K54 bài 1, để tham gia hội thao. Anh em đã mời tôi bắn thử và kết quả không cao. Tôi rất buồn và cảm thấy xấu hổ. Sau lần đó, tôi đã tận dụng thời gian tự tập luyện, đồng thời tự đặt ra mục tiêu thi đua với bộ đội. Với quyết tâm đó trong đợt kiểm tra của Bộ Quốc phòng năm 2016, tôi đã bắn được 209 điểm, góp phần vào kết quả đạt giải Nhất cặp Sư đoàn trưởng, Chính ủy Sư đoàn Bộ binh toàn quân.

Là cán bộ chủ trì đơn vị tôi luôn giữ vững vai trò trung tâm đoàn kết của đơn vị. Trong thực hiện nhiệm vụ tôi luôn tôn trọng các đồng chí trong chỉ huy, xây dựng mối đoàn kết thống nhất, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau; nhất là đoàn kết trong cấp ủy, chỉ huy. Cùng với đó là luôn phát huy tốt vai trò nêu gương cá nhân, phải tự giác học trước, làm trước, làm tốt; cán bộ đảm nhiệm chức trách, nhiệm vụ càng cao, tuổi càng trẻ, thì càng phải thể hiện tính tiền phong, gương mẫu. Phải thực hiện “nói phải đi đôi với làm”, “nói ít, làm nhiều”, “thực hiện theo chức trách, nêu gương theo hành động”.

Trung tá Hoàng Minh Sơn, Chỉ huy trưởng Đảo Nam Yết, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân:

Quan tâm tới bộ đội, xây dựng đảo vững mạnh

Đảo Nam Yết - nơi tôi đang công tác là đảo tiền tiêu của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, phạm vi quản lý rộng, đan xen với các đảo nước ngoài chiếm đóng trái phép... Đây là khu vực hết sức nhạy cảm, đặt ra yêu cầu rất cao đối với nhiệm vụ SSCĐ. Trước tình hình đó, tôi và các đồng chí trong cấp ủy, chỉ huy đảo suy nghĩ, bàn bạc và xác định quyết tâm chính trị: Muốn bảo vệ đảo thì phải xây dựng đảo thực sự mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân. Đây chính là nội dung cốt lõi, thực hiện của CVĐ.

Trung tá Hoàng Minh Sơn.

Để đảo mạnh về phòng thủ, chúng tôi suy nghĩ trước hết phải tập trung xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có nghị lực vượt qua khó khăn và có quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ. Thực tế rèn luyện đến nay, có thể khẳng định 100% anh em trên đảo không chỉ quen với sóng gió mà còn có một tinh thần thép trước những khó khăn, thách thức; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ biển, đảo quê hương. Với cương vị là chỉ huy trưởng đảo, tôi nhớ đến ngày sinh, sở thích, hoàn cảnh của từng chiến sĩ. Lúc cán bộ, chiến sĩ ốm đau tôi luôn ở bên cạnh. Ở trên đảo mọi việc đều được công khai, ai cũng được quan tâm, nhất là các đồng chí khó khăn về sức khỏe và hoàn cảnh gia đình.

Tôi cùng các đồng chí trong ban chỉ huy đảo luôn hiểu rằng, ngư dân chính là cột mốc chủ quyền quốc gia trên biển, vì vậy cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết phải là điểm tựa vững chắc để ngư dân bám biển. Do đó, việc giúp đỡ, cứu hộ, cứu nạn ngư dân trên biển đối với chúng tôi không chỉ là nhiệm vụ đơn thuần, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim của mọi cán bộ, chiến sĩ. Trong 3 năm qua, đảo Nam Yết đã cấp cứu thành công 45 ngư dân; khám, điều trị, cấp thuốc cho 228 lượt ngư dân; chia sẻ hàng nghìn lít nước ngọt; giúp đỡ ngư dân tránh, trú bão an toàn; cấp lương thực, thực phẩm lúc thiếu thốn cho bà con... góp phần tô thắm thêm hình ảnh “Người chiến sĩ Hải quân” trong lòng nhân dân, tạo tâm lý an tâm, tin tưởng, giúp ngư dân bám biển, bám ngư trường đánh bắt hải sản. Thực hiện CVĐ, nhiều năm liền đảo Nam Yết được tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng.

Đại úy Nguyễn Thị Vinh, Phó chủ nhiệm Bộ môn Tin học-Khoa Khoa học Tự nhiên, Trường Sĩ quan Lục quân 1:

Vững tin, vượt qua khó khăn

Trong 3 năm thực hiện CVĐ là thời điểm tôi đã vượt qua những khó khăn riêng, được rèn luyện vững vàng hơn về ý chí và nghị lực để vươn lên học tập, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của nhà trường giao; chăm lo xây dựng hạnh phúc gia đình và nuôi dạy con ngoan học giỏi.

Đại úy Nguyễn Thị Vinh.

Trên cương vị Phó chủ nhiệm bộ môn, để đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong tình hình mới, tôi xác định phải có kiến thức toàn diện, chuyên sâu. Chính vì vậy, tôi luôn tích cực tìm tòi, nghiên cứu, nắm chắc nội dung, thường xuyên cập nhật các tri thức mới, bám sát thực tiễn. Trong khi đó từ năm 2014 đến năm 2016, gia đình tôi gặp hoàn cảnh khó khăn: Bố, mẹ đẻ và chị gái tôi đã ra đi mãi mãi. Những lúc đau buồn, khó khăn tôi lại nhớ về lời Bác Hồ chia sẻ với đồng bào trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bác nói: "Mỗi người mỗi gia đình đều có nỗi đau khổ riêng, cộng lại các nỗi đau đó là nỗi đau của tôi". Từ đó tôi tự động viên mình, phải tự tin vào tương lai, phải vững tin, phải làm việc cho tốt để không phụ lòng tin chia sẻ của đồng nghiệp và anh em bạn bè. Từ đó, tôi có thêm động lực để cố gắng hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Tôi đã tham mưu cho đồng chí chủ nhiệm bộ môn tham mưu, đề xuất với Đảng ủy chỉ huy khoa nhiều chủ trương biện pháp lãnh đạo trong giảng dạy. Về bản thân, trong giảng dạy, tôi sử dụng linh hoạt các phương pháp, tập trung làm rõ nội dung trọng tâm của bài giảng; tích cực tham gia giảng thử, giảng mẫu và tham gia thi giảng viên giỏi để từ đó rút kinh nghiệm nâng cao năng lực chuyên môn, trình độ sư phạm. Từ năm 2014-2016 tôi đã tích cực tham gia nghiên cứu sáng kiến “Xây dựng phần mềm mô phỏng huấn luyện môn học công binh ở Trường Sĩ quan Lục quân 1”, “Nâng cao chất lượng dạy học cho học viên đào tạo đại học ngành quân sự cơ sở”; chủ biên tài liệu “Sử dụng phần mềm Microsoft Word 2010” cấp trường. Các tài liệu và đề tài đã được Bộ Quốc phòng và nhà trường nghiệm thu đạt chất lượng khá và đưa vào sử dụng. Năm 2016 tôi được giải B trong hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị huấn luyện toàn quân. Sự nỗ lực của tôi đã được tập thể ghi nhận, ba năm liền (2014-2106) tôi được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, góp phần để Bộ môn Tin học-Khoa học Tự nhiên được tặng danh hiệu đơn vị Quyết thắng.

Đại tá Vương Kim Hải, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An:

“Các anh đúng là Bộ đội Cụ Hồ, bộ đội của dân”

Tôi rất vinh dự tự hào được sinh ra và lớn lên trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, thực hiện CVĐ, tôi luôn trăn trở, suy nghĩ mình phải làm gì, làm như thế nào để tham mưu cho Đảng ủy, thủ trưởng Bộ chỉ huy và trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị triển khai CVĐ một cách hiệu quả, thiết thực. Tôi xin báo cáo 2 trong số những nội dung mà tôi đã tham mưu cho Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh tiến hành hiệu quả trong thời gian qua.

Đại tá Vương Kim Hải.

Việc làm thứ nhất: “Tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân đi biển”. Tôi luôn suy nghĩ, mỗi ngư dân bám biển, vươn khơi cũng chính là một chiến sĩ trên tuyến đầu đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Mỗi chuyến đi biển, lá cờ đỏ sao vàng trên mỗi con thuyền của ngư dân, là niềm tự hào, cũng là một cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên, nhiều lần đến thăm bà con thấy tàu về đầy cá ai cũng phấn khởi, nhưng nhìn lá cờ Tổ quốc lại bạc màu và rách, anh em tôi không khỏi chạnh lòng. Mong muốn ngư dân thường xuyên có lá cờ luôn mới, tôi đã tham mưu và trực tiếp chỉ đạo thành lập Đội xung kích thanh niên vận động quyên góp ủng hộ; hằng tháng phối hợp với các địa phương ven biển tổ chức tặng cờ Tổ quốc và trao quà cho ngư dân. Hiện nay, hoạt động tặng cờ đã trở thành thường xuyên, được hưởng ứng rộng rãi từ các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, trường học... Đến nay, chúng tôi đã tặng gần 10.000 lá cờ Tổ quốc và hàng trăm suất quà cho bà con ngư dân, trong đó có cả giáo dân.

Việc làm thứ hai: “Gắn kết yêu thương giữa lương và giáo”. Cách làm là chỉ đạo Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ thuộc LLVT tỉnh tiến hành kết nghĩa với các tổ chức Đoàn và Hội của các địa phương vùng giáo, nhất là địa bàn Công giáo toàn tòng. Đầu tiên, chúng tôi chỉ đạo Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh làm điểm kết nghĩa với Hội phụ nữ xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc (địa phương này có 11 chi hội với 756 hội viên là giáo dân).

Hoạt động kết nghĩa đã được bà con giáo dân và một số linh mục rất cảm phục. Linh mục quản xứ Bố Sơn Hoàng Trọng Hiếu có nói với tôi rằng “Các anh đúng là Bộ đội Cụ Hồ, bộ đội của dân”.

Trung tá QNCN Ninh Thị Nguyệt, nhân viên Lữ đoàn 205, Binh chủng Thông tin Liên Lạc:

Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ trước hết phải say mê nghề nghiệp

Tôi tự hào là một nhân viên kỹ thuật đang công tác tại Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật, Lữ đoàn 205, Binh chủng Thông tin Liên Lạc- Binh chủng được Đảng, Quân đội xác định là một trong những lực lượng “Tiến thẳng lên hiện đại”. Được giao nhiệm vụ quản lý khai thác hệ thống tổng đài điện tử - một hệ thống tổng đài lớn, quan trọng trong các nút mạng thông tin quân sự từ Bắc vào Nam, trang bị khí tài hiện đại, vùng mạng bảo đảm kỹ thuật rộng, thường xuyên phải cơ động để lắp đặt, đồng bộ hệ thống; đòi hỏi phải có sự nỗ lực cao.

Trung tá QNCN Ninh Thị Nguyệt.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ với Bộ đội thông tin “Đã cố gắng, cần luôn cố gắng hơn nữa, phải không ngừng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, ra sức học tập thêm nghiệp vụ kỹ thuật, bảo đảm công tác thông tin liên lạc kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn trong mọi tình huống”, tôi xác định, trước hết mình phải tự học tập để làm chủ được hệ thống trang bị khí tài.

Để nắm bắt và làm chủ trang bị khí tài tôi đã học thêm ngoại ngữ ngoài giờ. Vừa trực ca, vừa học chuyên môn vừa học tiếng Anh tôi gặp không ít khó khăn về thời gian, áp lực công việc và kinh tế nhưng tôi kiên trì vừa học để nắm chắc ngữ pháp vừa tranh thủ dò dẫm đọc, dịch tài liệu để học thêm các thuật ngữ chuyên ngành, từng bước tiếp cận khai thác tổng đài từ dễ đến khó. Mỗi ngày, tôi tranh thủ đọc một ít, khi có sự cố về tổng đài tôi lại đọc, đọc đến đâu, ghi chép lại đến đó. Tất cả những kinh nghiệm, những bài học thực tế đó đều được tôi ghi chép cẩn thận, tỷ mỉ, đã giúp tôi nâng cao trình độ tay nghề một cách rõ rệt. Mỗi lần có sự cố cảnh báo về hệ thống thay vì đợi sự hỗ trợ của hãng thì tôi đã tự đọc tài liệu và tìm phương pháp xử lý kịp thời. Mặc dù gia đình cách khá xa đơn vị nhưng bất kể ngày hay đêm, khi có sự cố bất thường, tôi lập tức lên đường...

Qua 3 năm thực hiện CVĐ, những thành công của tôi tuy nhỏ bé nhưng nó là nguồn động lực để tôi tiếp tục phấn đấu rèn luyện. Tôi nhận thấy, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ, trước hết phải say mê nghề nghiệp, có quyết tâm cao và có mục đích rõ ràng.

Thượng tá Trịnh Hữu Tăng, Phó chính ủy BĐBP tỉnh Lạng Sơn:

Cán bộ phải gần gũi, sâu sát cơ sở

Bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia là nhiệm vụ chính trị trung tâm của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Lạng Sơn trong thực hiện CVĐ. Từ lời dạy của Bác Hồ "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” tôi nghĩ, để hoàn thành được nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp. Từ đó, tôi đã suy nghĩ và đề xuất với Đảng ủy BĐBP tỉnh, tham mưu cho Tỉnh ủy Lạng Sơn ra Nghị quyết về xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện. Đề ra một số mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; tập trung phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân; đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự địa bàn; xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới; huy động các cấp, các ngành và nhân dân cùng quán triệt, triển khai.

Thượng tá Trịnh Hữu Tăng.

Cùng với đó, tôi đã tham mưu cho Đảng ủy BĐBP tỉnh chỉ đạo các đồn Biên phòng cùng với địa phương tổ chức ký giao nhận đoạn đường biên, cột mốc cho các hộ gia đình cư trú sát biên giới, phối hợp cùng BĐBP quản lý, bảo vệ; thành lập các tổ an ninh tự quản an ninh trật tự địa bàn; thường xuyên tổ chức các lực lượng phối hợp để tuần tra, quan sát, bảo vệ hệ thống đường biên, cột mốc. Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh được cụ thể hóa đến từng mặt công tác, từng nội dung công việc của đơn vị và mỗi cá nhân, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên, phải phát huy tốt vai trò nêu gương, hành động mẫu mực, tinh thần gần gũi, sâu sát cơ sở của lãnh đạo, chỉ huy các cấp để giáo dục, động viên, cổ vũ bộ đội vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhất là đối với địa bàn trọng điểm, phức tạp.

Tôi xin lấy ví dụ ở đơn vị mình. Đó là vào thời điểm đầu năm 2015, tình hình buôn lậu trên tuyến biên giới tỉnh Lạng Sơn diễn ra hết sức phức tạp, số hàng lậu được chuyển qua biên giới rất lớn. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã triển khai 55 lán chốt chặn 24/24 giờ. Cán bộ cùng ăn cùng ở, hoạt động với bộ đội để ngăn chặn hàng lậu trong điều kiện rất khó khăn, vất vả, núi cao, khe sâu; khí hậu khắc nghiệt. Bởi vậy không có đồng chí nào chùn bước, đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đại úy Tô Hồng Thái, Chính trị viên phó, Tiểu đoàn Phòng hóa 78, Bộ Tham mưu Quân khu 5:

Thu hút và tập hợp tuổi trẻ nghiên cứu sáng kiến, cải tiến trang thiết bị

Khi làm nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ đơn vị chúng tôi phải trực tiếp tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, chất phóng xạ nguy hiểm. Do đó, nếu không có bản lĩnh, sức khỏe, không thành thạo kỹ chiến thuật và bảo đảm tốt, đồng bộ trang bị khí tài, xe máy thì có thể phải đánh đổi bằng cả tính mạng.

Trên cơ sở thực hiện các nội dung của CVĐ, tôi luôn trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để phát huy tính xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ đột phá vào nghiên cứu sáng kiến, cải tiến trang thiết bị, mô hình huấn luyện và rèn luyện sức khỏe cho bộ đội, đáp ứng yêu cầu công tác huấn luyện, SSCĐ của đơn vị. Đó cũng chính là động lực thôi thúc tôi nghiên cứu ra sáng kiến "Khắc phục trở lực hô hấp hộp lọc độc". Sáng kiến được cán bộ, chiến sĩ sử dụng hiệu quả, làm giảm trở lực của các loại hộp lọc độc, giúp cán bộ, chiến sĩ có thể chịu đựng được lâu hơn trong khí tài; bên cạnh đó cũng ứng dụng hiệu quả vào huấn luyện, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa các loại hộp lọc độc, làm cho hàng trăm hộp lọc được hồi sinh, tiết kiệm thời gian, công sức, làm lợi cho đơn vị hàng trăm triệu đồng.

Đại úy Tô Hồng Thái.

Từ kết quả ban đầu mà cá nhân tôi đạt được, tạo được niềm tin cho cán bộ, đoàn viên thanh niên thực hiện phong trào "Tuổi trẻ với sáng kiến, cải tiến trang thiết bị, mô hình huấn luyện ". Phong trào đã thực sự lan tỏa, thu hút và tập hợp được đông đảo các lực lượng tham gia; nhiều tổ, nhóm nghiên cứu sáng kiến đã được hình thành và hoạt động có hiệu quả. Do đó, trong nhiều năm trở lại đây, năm nào đơn vị cũng có sáng kiến tham gia dự thi cấp quân khu và hàng trăm sáng kiến, cải tiến trang thiết bị, mô hình, tranh vẽ, sơ đồ huấn luyện của cán bộ, đoàn viên thanh niên được ứng dụng hiệu quả vào huấn luyện, SSCĐ.

Để giúp chiến sĩ vượt qua những trở ngại ban đầu trong huấn luyện, tôi cùng với Ban chấp hành Đoàn cơ sở tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chỉ huy đơn vị thực hiện phong trào “Rèn sức, luyện khí tài”. Phong trào có nhiều hoạt động: Chạy dài, hành quân đeo mặt nạ, đeo mặt nạ đá bóng, đánh bóng chuyền, kéo co.. Từ kết quả phong trào “Tuổi trẻ với sáng kiến, cải tiến trang thiết bị, mô hình huấn luyện ”, phong trào “Rèn sức, luyện khí tài ” đã góp phần để đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh ở nhiều địa phương đạt kết quả tốt. Thành tích của tôi góp phần để Tiểu đoàn được UBND thành phố Đà Nẵng, UBND tỉnh Gia Lai và Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu biểu dương khen thưởng.

NHÓM PV BÁO QĐND

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/lan-toa-nhung-mo-hinh-hay-nhung-tam-guong-dien-hinh-tieu-bieu-507596