Làn sóng điện thanh trên đồi A1

Từ ngày 30/3/1954 đến3/4/1954 là 4 ngày đêm mà ngọn đồi A1 như bị xé ra từng mảnh bởi sự giằng co giữa quân ta và địch. Lúc này, địch đã mất các cứ điểm C1, D1, E1 nên phải bằng mọi giá giữ được A1. Bởi nếu mất A1 - ngọn đồi chỉ cách sở chỉ huy của Đờ Cát 500m - linh hồn và trái tim của tập đoàn cứ điểm sẽ bị uy hiếp nghiêm trọng...

Trong tác phẩm “Điện Biên Phủ, một góc địa ngục” của Bernard Fall - một phóng viên chiến trường có nhắc đến những đoạn thoại ám hiệu trên chiến trường Điện Biên Phủ:“Khách hàng đi ngang qua đường vải trắng, yêu cầu nhà phát hành gửi dưa hấu, gửi dưa hấu thật nhiều!”,“Khách hàng đã lên đường vải đỏ, có hai con bò húc đổ quán cà phê, yêu cầu chủ hàng gửi gấp bí ngô, bầu, củ ấu”…Sau khi những ám hiệu đó được phát đi từ một chiếc máy điện thanh là hàng loạt đạn từ các cỡ pháo của ta ầm ầm đổ xuống bộ binh và xe tăng địch đang ào ạt xông lên đồi A1. Nhiều đợt phản kích của quân địch đã bị chặn lại, khiến chúng bất ngờ và hoảng loạn. Chủ nhân của những ám hiệu thông báo tọa độ của quân địch một cách chính xác là đồng chí Chu Văn Mùi - Tiểu đội trưởng của Đại đội thông tin 1271.

Một phần bức tranh panorama chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Từ ngày 30/3/1954 đến3/4/1954 là 4 ngày đêm mà ngọn đồi A1 như bị xé ra từng mảnh bởi sự giằng co giữa quân ta và địch. Lúc này, địch đã mất các cứ điểm C1, D1, E1 nên phải bằng mọi giá giữ được A1. Bởi nếu mất A1 - ngọn đồi chỉ cách sở chỉ huy của Đờ Cát 500m - linh hồn và trái tim của tập đoàn cứ điểm sẽ bị uy hiếp nghiêm trọng. Tướng Ðờ Cát ra lệnh cho quân lính giữ đồi A1 bằng bất cứ giá nào. Ta và địch đã tranh chấp nhau từng tấc đất. Địch tập trung mọi vũ khí, phương tiện tối tân nhất quyết tâm cắt đứt bộ phận phòng ngự trên đồi A1 của ta với tuyến sau của trung đoàn. Giữa lúc ấy đồng chí Chu Văn Mùi phụ trách tổ điện thanh cùng đồng chí Đàm Văn Đức đang ở mặt trận phía Tây Điện Biên Phủ nhận nhiệm vụ từ Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, nhanh chóng di chuyển về đồi A1 nối lại đường dây với chỉ huy sở trung đoàn bằng vô tuyến điện thanh.

Từ mặt trận phía Tây Nam sang phía Đông, tổ điện thanh đã vượt bao nguy hiểm trên những quãng đường, những bãi trống mà địch đã bố trí kế hoạch hỏa lực sẵn sàng nhả đạn. Các anh đã phải mạo hiểm, khôn khéo lừa địch mới có thể tới được góc Đông Bắc ngọn đồi A1. Một cảnh tượng bàng hoàng diễn ra trước mắt 2 người lính của tổ điện thanh, trong các hầm thương binh nằm chật ních, chỉ còn 3 đồng chí khỏe mạnh. Đồng chí Mùi và Đức chọn một căn hầm đã bị sập một nửa để đặt máy điện thanh, tổ chức liên lạc với trung đoàn và chiến đấu bảo vệ trận địa. 7h sáng ngày 2/4/1954, phát hiện máy bay địch xuất hiện thả quân tiếp viện, Chu Văn Mùi mở máy báo cáo với Đại đoàn. Lệnh của Đại đoàn là phải chuẩn bị đánh quân tiếp viện.

Ở một góc đồi A1, trước mặt bảy tám mươi mét, là quân địch cho xe tăng lên phản kích, đằng sau là hầm thương binh, người nặng người nhẹ. Không thể chần chừ, Chu Văn Mùi bàn với đồng đội rồi vào hầm trao đổi với số thương binh còn có thể chiến đấu được, lập tổ chiến đấu bảo vệ trận địa. Chỉ ít phút sau, bộ binh địch đã xuất hiện. Sau những tranh chấp ác liệt, tổ điện thanh bị lọt vào vòng vây của địch. Quân Pháp tràn qua, Mùi và Ðức vội vàng thu máy, thu pin rút vào một đường hào phía trong, tiếp tục giữ liên lạc.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Chu Văn Mùi.

Bỗng từ hướng Mường Thanh địch tiếp viện lên rất đông. Mùi và Đức bàn nhau ra phía cửa mở để liên lạc với đơn vị. Nhưng với ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, Chu Văn Mùi báo cáo xin ý kiến của Đại đoàn. Trong máy vọng lên không phải tiếng điện thanh viên mà tiếng của Đại đoàn trưởng truyền mệnh lệnh: “Cố giữ trận địa được phút nào hay phút ấy, để đội dự bị chuẩn bị được đầy đủ mở cuộc tiến công tiếp viện vào đêm 2 tháng 4”.

Vậy là Mùi và Đức đều quyết tâm: “Còn người, còn trận địa!”.

Từ vị trí quan sát, thấy một đám quân cơ động địch bắt đầu vượt sông Nậm Rốm, lập tức Chu Văn Mùi gọi trận địa pháo 105mm nã vào quân địch: “Khách hàng đi ngang qua đường vải trắng, yêu cầu nhà phát hành gửi dưa hấu, gửi dưa hấu thật nhiều!”. Ðáp lời anh, đạn pháo của ta dập xuống đầu địch.

Và cứ thế, trong các tình huống khác nhau, bằng những tiếng lóng, lúc thì “Khách hàng đến đường vải đỏ”, lúc thì “đến đường vải xanh”, lúc “Quản lý thanh toán tài chính...”, với vũ khí của mình là chiếc máy điện thanh, Chu Văn Mùi và Đàm Văn Đức cùng năm trận địa pháo đã chiến đấu với quân thù. Có những lần địch tiến vào phía tổ điện thanh. Mùi gọi pháo bắn về phía mình. Trận địa pháo hỏi lại: Công sự có bảo đảm không? Mùi và Ðức trả lời: Bảo đảm! Pháo ta bắn tới tấp. Hầm rung lên. Cần ăng ten của máy điện thanh bị tiện dần tới khi còn hơn gang tay. Sau một đợt pháo kích, Mùi lại tìm chiếc máy điện thanh bị vùi trong đất.Tiếng máy vẫn kêu, nhưng rồi Mùi chợt lặng người khi nhìn thấy Đàm Văn Đức - người đồng đội cùng chiến đấu đã hy sinh. Chu Văn Mùi nhận thêm một nhiệm vụ phải tìm gặp bằng được Trung đoàn trưởng 102 Nguyễn Hùng Sinh hiện đang ở cửa mở 2, để nối máy liên lạc với Đại đoàn. Con đường tìm về phía cửa mở để gặp Trung đoàn trưởng không phải dễ dàng. Ngọn đồi A1 có tầm quan trọng sống còn đối với địch, nên chúng đã có kế hoạch hỏa lực bắn vào những hướng nghi quân ta đột nhập, nhất là phía ta đã mở cửa. Cuộc giao tranh giữa đôi bên đã làm cho những đường hào sụt lở, nhiều quãng bị lấp bằng. Trong khi tất cả đường liên lạc từ Bộ chỉ huy chiến dịch xuống các đơn vị ở Điện Biên Phủ đều thông suốt, riêng ở phía đồi A1, pháo địch bắn dữ dội, 12 chiến sĩ điện thoại đã hy sinh hoặc bị thương nặng mà không sao nối lại được liên lạc.

Máy vô tuyến điện do chiến sĩ thông tin Chu Văn Mùi sử dụng phục vụ công tác liên lạc trong chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954.

Mùi bò quanh bò quẩn tìm cách tránh đạn địch khi vượt qua bãi trống. Có lúc ngất đi, rồi tỉnh lại. Đói, khát suốt mấy ngày, lại mang trên mình chiếc máy nặng 25 cân nên Mùi di chuyển rất khó khăn. Đang suy tính tìm cách vượt, bỗng một chiếc dù lửng lơ từ từ rơi xuống. Chớp thời cơ, Mùi vọt lên, vượt qua gờ hố bom, nhảy xuống lòng hố. Một loạt đạn vút trên đầu anh chứng tỏ phía địch đã phát hiện mục tiêu đang di động. Một trái bom đen trũi đang lao xuống, rít lên xèn xẹt. Địch cũng sợ chính bom của chúng, nên thụt xuống hầm. Chu Văn Mùi lấy hết sức lực lao lên và chạy về phía hầm chỉ huy của Trung đoàn trưởng Hùng Sinh. Có máy điện thanh,Trung đoàn trưởng Hùng Sinh đã nối được liên lạc với Đại đoàn, triển khai đội dự bị đánh lên đồi A1. Tiếng Trung đoàn trưởng vang lên, rõ ràng qua chiếc máy điện thanh: “Đề nghị đại đoàn điều thêm quân, tối nay chúng tôi lại tiến công. Vâng! Lại tiến công!”.

Vậy là Chu Văn Mùi và tổ điện thanh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Làn sóng điện trên đồi A1 đã thắng địch một trận oanh liệt, giòn giã.

Khi biết được tinh thần chiến đấu dũng cảm của đồng chí Chu Văn Mùi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định công nhận Đảng viên chính thức trước thời hạn 5 tháng cho đồng chí Chu Văn Mùi và đề nghị tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng Nhất cho anh. Ngày 31/8/1955, đồng chí Chu Văn Mùi được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".

Hà Phạm

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/lan-song-dien-thanh-tren-doi-a1-i729700/