Làm việc từ xa lại kém hiệu quả hơn

Nghĩ cũng lạ, vào cao điểm đại dịch Covid-19 lúc mọi người buộc phải làm việc từ nhà, khá nhiều nghiên cứu được tung ra thời đó đã tán dương các lợi điểm của hình thức lao động này, như cho rằng làm việc từ nhà giúp nâng năng suất lên khá nhiều so với làm việc tại văn phòng, công sở. Điều lạ nằm ở chỗ, đến nay khi đại dịch đã qua, chủ doanh nghiệp mong muốn mọi người quay về làm việc tập trung tại trụ sở như cũ thì đồng thời cũng xuất hiện nhiều nghiên cứu với kết quả trái ngược hẳn về hiệu quả làm việc từ xa.

Nhiều công ty ra tối hậu thư cho nhân viên: quay trở lại làm việc tại văn phòng nếu không thì nghỉ việc.

Chẳng hạn, một nghiên cứu được mọi người chú ý khi xuất hiện vào năm 2020 do hai nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Harvard, Natalia Emanuel và Emma Harrington thực hiện. Lúc đó, họ nhận thấy số lượng cuộc gọi nhân viên làm cho một hãng bán lẻ trực tuyến xử lý trong mỗi giờ đã tăng 8% khi chuyển sang làm việc từ nhà.

Các tác giả kết luận, mặc dù có nhiều yếu tố gây xao nhãng, làm việc từ nhà vẫn hiệu quả hơn, nhất là cho nhân viên các trung tâm dịch vụ khách hàng và có thể là các ngành nghề khác. Trước đại dịch chỉ có 5% người Mỹ làm việc từ xa còn vào tháng 5-2020, tỷ lệ này vọt lên 62%.

Tuy nhiên, cũng nghiên cứu này nhưng được hiệu chỉnh và được Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York xuất bản thì con số 8% tăng thêm trở thành sụt giảm 4%, tức số lượng cuộc gọi được xử lý thay vì tăng 8% thì nay giảm bớt 4%!

Theo tờ Economist, không phải các tác giả bị nhầm lẫn; chỉ có điều họ nhận thêm dữ liệu chính xác hơn, kể cả lịch làm việc chi tiết. Để từ đó kết luận nay quay ngoắt: Nhân viên không chỉ xử lý ít cuộc gọi hơn, chất lượng giao tiếp cũng kém đi, họ buộc khách chờ lâu hơn. Số liệu cho thấy có nhiều cuộc gọi mang tính tiếp nối, có nghĩa vấn đề chưa được giải quyết rốt ráo trong cuộc gọi đầu tiên.

Hàng loạt nghiên cứu mới chỉ ra các điểm yếu, các khiếm khuyết của cơ chế làm việc từ xa được công bố. Một khảo sát của Đại học MIT và Đại học California, Los Angeles trên nhân viên nhập liệu ở Ấn Độ, có nhóm làm tập trung có nhóm làm từ nhà. Kết quả khảo sát cho thấy nhóm làm từ nhà có năng suất kém hơn nhóm làm tại văn phòng tập trung đến 18%.

Một nghiên cứu khác của Đại học Chicago và Đại học Essex trên nhân viên của một hãng công nghệ thông tin lớn cho thấy làm việc từ nhà gây ra mức sút giảm hiệu năng đến 19% so với thời gian làm việc tập trung trước đó. Người ta còn đo lường và nhận thấy ngay cả các kiện tướng cờ vua chơi các trận qua mạng thì kém hay hơn các trận mặt đối mặt. Rồi một nghiên cứu khác nữa dùng các thí nghiệm đo lường hiệu quả thì thấy họp qua mạng làm suy giảm năng lực sáng tạo một cách đáng kể.

Kể ra, nói về lẽ thường tình thì làm việc từ nhà có nhiều bất tiện như không thể hợp tác trôi chảy với đồng nghiệp như khi cùng ở trong một không gian chung. Nhân viên trong các khảo sát đều than không có “đồng nghiệp ở gần bên để hỏi khi cần”. Một chuyên gia rà soát tần suất giao tiếp giữa 62.000 nhân viên Microsoft và nhận thấy làm việc từ xa làm cho các kết nối theo nhóm giảm mạnh, cá nhân cô lập nhiều hơn và bầu không khí làm việc trầm lắng hơn.

Họp từ xa không thể nào đạt được hiệu quả tranh cãi, trao đổi và động não như họp bằng xương bằng thịt. Đặc biệt nhân viên mới hầu như không học hỏi được gì từ kinh nghiệm người đi trước nếu làm việc từ xa.

Hiện nay các tập đoàn lớn nhất là các công ty tài chính đang gây sức ép buộc nhân viên quay lại làm việc tập trung. Ngay cả các công ty công nghệ lớn như Apple, Google, Meta… từng đi đầu trong cho phép nhân viên làm việc từ nhà nay cũng yêu cầu nhân viên vào văn phòng ít nhất ba ngày trong mỗi tuần.

Nhiều công ty ra tối hậu thư cho nhân viên: quay trở lại làm việc tại văn phòng nếu không thì nghỉ việc. Nhiều công ty khác dùng biện pháp khen thưởng để khuyến khích nhân viên quay về cách làm cũ. Chính quyền các địa phương cũng muốn nhân viên đi làm nhộn nhịp trở lại để giải quyết khủng hoảng thừa diện tích văn phòng làm việc, phố xá không có người mua sắm, tiệm ăn khu trung tâm không có khách ăn.

Ngược lại, nhân viên đã quen với sự tự do của phong cách làm việc từ nhà đang chống lại sức ép nói trên. Đối với nhiều người, tránh được khoảng thời gian mất cho việc di chuyển đi về hàng ngày là một điểm cộng cho thời gian làm việc tại nhà, không có gì sánh được. Họ cho rằng mô hình làm việc từ xa giúp cân bằng sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất, cân bằng cuộc sống chốn công sở và cuộc sống gia đình. Họ sẵn sàng nghỉ việc ở nơi đòi hỏi nhân viên có mặt ở văn phòng suốt tuần, nhận lương thấp hơn để làm việc thoải mái ở nhà.

Hiện nay hai bên tạm thời thỏa hiệp: nhân viên sẽ áp dụng chế độ làm việc một nửa thời gian tập trung tại văn phòng, nửa còn lại linh hoạt làm từ xa. Có lẽ nào sẽ xuất hiện các nghiên cứu cho đây là phương thức làm việc hiệu quả nhất, cho năng suất cao nhất?

Nguyễn Vũ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lam-viec-tu-xa-lai-kem-hieu-qua-hon/