Làm người có thể đánh mất tất cả nhưng đừng đánh mất lương tâm

Nếu không thể khiến cuộc sống này tốt đẹp hơn thì cũng đừng khiến nó xấu thêm. Sống tử tế không những giúp ích cho cuộc đời mà còn khiến thân tâm mình được thanh thản.

Trong sách Tam tự kinh có câu: 'Nhân chi sơ, tính bản thiện'. Bản chất của con người khi mới sinh ra là lương thiện, có người gìn giữ được mảnh tâm trong sáng đó, ít bị vấy bẩn, có những người mảnh tâm trở nên hoen ố khi tiếp xúc với những thói hư tật xấu ở đời.

Khi nhắc đến lương tâm, có người sẽ cười khẩy. Giữa một xã hội đầy rẫy những xảo trá, lọc lừa này, lương tâm đáng giá bao nhiêu chứ? Mình không giẫm đạp kẻ khác thì sẽ bị kẻ khác giẫm đạp. Cứ thật thà, ngay thẳng thì sẽ phải chịu thiệt thòi. Việc gì có lợi cho bản thân mình thì mình làm, cần gì phải để ý đến lương tâm?

Lương tâm đáng giá bao nhiêu? (Ảnh minh họa)

Bạn có thể lừa dối người khác nhưng không thể lừa dối chính mình. Bạn có thể lừa lọc, phỉ báng, tàn nhẫn với người khác nhưng sẽ không chiến thắng nổi lương tâm của mình. Trong ai cũng có một tòa án lương tâm, đó là nơi phán xử công bằng nhất.

Tất cả những việc gì bạn làm đều sẽ mang lại một kết quả nào đó, có thể tốt đẹp hoặc tồi tệ, tùy thuộc vào việc bạn làm là tốt hay xấu. Trong Phật giáo có câu: 'Gieo nhân nào gặp quả ấy', 'quả' có thể đến sớm hoặc đến muộn, có thể ảnh hưởng đến người 'gieo' hoặc ảnh hưởng đến người khác. Chẳng hạn một người làm từ thiện sẽ mang lại quả ngọt lành cho nhiều người khác, trái lại một người có ý thức tham gia giao thông kém, gây tai nạn thì sẽ liên lụy đến nhiều người khác, đó chính là 'quả đắng'.

Lại có người cho rằng những điều tồi tệ mà mình và người khác gặp phải là do xui xẻo, đen thì phải chịu. Đó chỉ là cái cớ để bao biện cho hành vi của mình mà thôi. Thực tế, đa số những vụ tai nạn giao thông đều bắt nguồn từ hành vi của con người, chỉ một số ít còn lại là do nguyên nhân khách quan, chẳng hạn do thời tiết, thiên tai.

Gieo nhân nào sẽ gặp quả ấy. (Ảnh minh họa)

Chỉ một đốm tàn thuốc nhỏ cũng có thể gây nên cả một vụ cháy rừng, chỉ một người lái xe ẩu cũng kéo theo sinh mạng của bao nhiêu người khác. Một hành động dù rất nhỏ cũng có thể gây ra những hậu quả vô cùng lớn. Một viên đá mà ai đó vô tâm đặt giữa đường cũng có thể cướp đi sinh mạng của người khác, như câu chuyện dưới đây.

Có một anh chàng lái xe chở hàng, đang chạy trên đường thì xe hỏng. Anh ta phải dừng lại, hì hục sửa mất một lúc xe mới chạy được tiếp. Đang chạy thì có người đàn ông lái xe bên cạnh với tay ra hiệu cho anh ta:

'Này anh đánh rơi đồ kìa!'.

Anh lái xe nghĩ thầm: 'Chắc là hai hòn đá chặn bánh xe mình vác ra hồi nãy đây mà. Có gì to tát chứ!'.

Người đàn ông vẫn tiếp tục hét to: 'Này anh kia! Anh là người như vậy à? Làm người phải có lương tâm chứ! Hai hòn đá to như thế, nhỡ có người vấp phải…'

'Lương tâm thì đáng giá bao nhiêu tiền một ký chứ? Lão già nhiều chuyện' – Anh lái xe lẩm bẩm rồi phóng vọt đi.

Đến trạm thu phí, khi được một cảnh sát chặn lại kiểm tra giấy tờ, anh mới phát hiện chiếc ví của mình đã bị rơi mất, có lẽ rơi trong lúc sửa xe. Anh ta quay lại chỗ cũ tìm chiếc ví thì thấy hai hòn đá đã được ai đó bê gọn vào lề đường, còn chiếc ví có lẽ đã bị nhặt mất.

Anh ta thất thểu tìm xung quanh thì thấy tờ giấy dán lên viên đá gần đó: 'Muốn lấy lại giấy tờ, phải vác hòn đá này lên đồi'.

Anh ta bực bội nghĩ: 'Cần bao nhiêu tiền chuộc cứ nói, sao lại bắt tội nhau như vậy. Hòn đá vừa to vừa nặng, ngọn đồi lại dốc. Thật không có lương tâm'. Nhưng không có giấy tờ thì sẽ không lấy xe được, anh ta đành phải làm theo.

Một hòn đá vô tâm có thể cướp đi sinh mạng của cả một người. (Ảnh minh họa)

Anh ta hì hục bê hòn đá đến chân đồi thì thấy có mẩu giấy dán vào cái cây trước mặt: 'Đừng nói đến tiền! Xin mời lên đồi.' Thật biết cách hành hạ người khác, đi mãi đi mãi rồi anh ta cũng đến đỉnh đồi, nhưng chẳng thấy ai cả. Anh ta nhìn ngó xung quanh chỉ thấy mảnh giấy trên cây ghi: 'Hãy vác hòn đá này đi xuống.'

Xuống đến chân đồi, lại là một tờ giấy chỉ dẫn 'Hãy vác hòn đá này đi lên đồi.' Cứ như thế anh ta vác hòn đá đi qua mấy quả đồi nhỏ, mệt muốn chết. Cuối cùng anh ta cũng thấy chiếc ví da của mình ở bên cạnh một nấm mồ. Giấy tờ, tiền bạc đủ cả, không thiếu một đồng. Dưới cái ví tiền, có một bức thư:

'Cái ví này do tôi nhặt được, giờ nó đã được trả về với chủ của nó. Anh có biết tại sao tôi lại bắt anh vác hòn đá đến tận đây không? Đây là mộ của con trai tôi. Hai năm trước, vào một đêm nó đi xe máy về nhà, vấp phải hòn đá của kẻ vô lương tâm nào đó đặt giữa đường, bị ngã mà chết. Tôi đưa anh đến tận mồ của con trai tôi, là mong anh hiểu rõ một đạo lý: lương tâm là vô giá. Làm người có thể mất tất cả nhưng đừng đánh mất lương tâm.'

Câu chuyện trên có thể chỉ là một câu chuyện hư cấu, quan trọng là thông điệp mà nó gửi gắm. Chỉ một hành động rất nhỏ cũng sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn. Trên thực tế đã có biết bao nhiêu vụ tai nạn chỉ vì những hòn đá vô tâm như vậy. Những gì mà mình không muốn thì cũng đừng làm cho người khác.

Phải chăng nhân quả thường đến muộn nên người ta không biết sợ? (Ảnh minh họa)

Khi đọc câu chuyện trên, người viết liên tưởng đến bộ phim Xuân hạ thu đông rồi lại xuân của đạo diễn nổi tiếng Kim Ki Duk. Bộ phim mang những triết lý về luân hồi, nghiệp báo, sự trả giá của cái ác.

Bộ phim mở đầu bằng mùa xuân, chú tiểu do buồn chán đã lấy dây buộc những hòn đá vào ba con vật: cá, ếch và rắn. Nhìn những con vật di chuyển khó khăn, chú cười thích thú. Nhưng hành động của chú đều không qua nổi đôi mắt của sư phụ. Ban đêm, khi chú tiểu say giấc, sư phụ đã buộc hòn đá vào lưng chú để chú thấu hiểu sự khổ đau mà những con vật kia phải chịu đựng.

Sáng hôm sau, sư phụ bắt chúng phải tìm và giải phóng cho những con vật tội nghiệp cùng lời răn đe : 'Nếu một trong những con vật đó chết, con sẽ phải chịu dằn vặt suốt đời.' Khi chú tiểu tìm được ba con vật thì thấy cá và rắn đã chết, chú tiểu bật khóc nức nở. Không rõ chú khóc vì hối hận, vì sự thức tỉnh lương tâm hay vì lo sợ nghiệp báo mà chú sẽ phải gánh lấy.

Làm người có thể đánh mất tất cả nhưng đừng đánh mất lương tâm. (Ảnh minh họa)

Mùa xuân qua đi, mùa hạ, mùa thu, mùa đông lần lượt trôi qua. Chú tiểu dần lớn lên, sa vào tình yêu, phạm giới luật, bỏ đi, giết người, ngồi tù, cuối cùng trở về thành một ông sư. Trải qua đủ mọi hỉ nộ ái ố của cuộc đời người ta mới rũ bỏ được dục vọng và trở về với con đường tu hành. Chú tiểu ngày xưa từng đeo đá hại chết những con vật tội nghiệp đã phải gánh lấy bao nhiêu thăng trầm, khổ đau như một món nợ phải trả.

Khi chú tiểu trở thành một nhà sư lớn tuổi, đã tự mình đeo một hòn đá nặng, tay cầm tượng Phật trèo lên đỉnh núi cao. Đây là hành động sám hối, chuộc tội, cũng gần giống cách sám hối mà người lái xe trong câu chuyện trên đã trải qua.

Đời người, làm bao nhiêu việc thiện cũng là không đủ, chỉ một lần gieo cái ác cũng phải trả giá bằng cả cuộc đời. Đó chính là quy luật nhân quả mà ai cũng sẽ phải trải qua. Nếu không thể khiến cuộc sống này tốt đẹp hơn thì cũng đừng khiến nó xấu thêm. Sống tử tế không những giúp ích cho cuộc đời mà còn khiến thân tâm mình được thanh thản.

Video xem thêm: Phan Anh: 'Tôi bị hiềm khích, điều tiếng vì làm từ thiện'

>>>XEM THÊM: Đến với câu lạc bộ võ chuyên đi làm việc thiện

Hằng Nga Baodatviet.vn

Nguồn Tiin: http://tiin.vn/chuyen-muc/song/lam-nguoi-co-the-danh-mat-tat-ca-nhung-dung-danh-mat-luong-tam.html