Làm kinh tế giỏi, sẵn sàng nhận lệnh động viên

Trở về địa phương sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, cùng với phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống, nhiều công dân ở các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp và Tiền Giang tiếp tục tham gia lực lượng dự bị động viên do Sư đoàn 8, Quân khu 9 quản lý. Nhiều người trong số này đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, tham gia các hoạt động ở địa phương, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Trung sĩ Nguyễn Thành Tân, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4, Trung đội 2, Đại đội 1, Tiểu đoàn 261A (Trung đoàn 2, Sư đoàn 8) là một tấm gương nỗ lực vượt khó phát triển kinh tế với mô hình nuôi lươn. Ba mất sớm, Tân ở cùng với mẹ và anh trai cũng là tiểu đội trưởng dân quân của xã Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại Trung đoàn 320, Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp, Tân được người anh họ hướng dẫn và cung cấp lươn giống để nuôi.

Thời gian tập trung huấn luyện, anh thường gọi video call để hướng dẫn mẹ và anh trai cách chăm sóc, nhờ vậy, lươn vẫn phát triển rất tốt. Đợt đầu anh thả 3.000 con giống, sau 6 tháng nuôi thì bán lần 1 được 280kg với giá 220.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi gần 40 triệu đồng. Ngoài nuôi lươn, anh còn làm công nhân xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 với thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng.

Đồng chí Lê Văn Lẹ (bên trái) hướng dẫn thành viên trong Tổ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp trồng cây công trình.

Trên cương vị Chủ tịch Hội Nông dân xã Thới Lai, huyện Bình Đại (Bến Tre), Đại úy Huỳnh Văn Bền (cán bộ khung B), Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn Súng máy phòng không 12,7mm (Sư đoàn 8) có những thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn, khoa học kỹ thuật và định hướng các mô hình kinh tế cho đồng đội. Ngoài nuôi dê thịt và dê sinh sản cung ứng cho thị trường, anh còn là đầu mối thu mua, tìm đầu ra cho người nuôi dê ở địa phương với thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng.

Từ năm 2021 đến nay, anh còn đề nghị vay vốn cho 1 trung đội trưởng, 1 khẩu đội trưởng cùng đơn vị để chăn nuôi bò, giúp anh em ổn định cuộc sống. “Tôi cùng Ban Thường vụ Hội Nông dân xã Thới Lai phối hợp với các ngành chức năng mở lớp kỹ thuật chăn nuôi bò, chăm sóc hoa màu và chăm sóc vườn dừa phòng trừ sâu đầu đen... Năm qua, chúng tôi còn phối hợp vận động 6 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 3 thanh niên là con em hội viên nông dân”, anh Huỳnh Văn Bền cho biết.

Cũng nhờ ham học hỏi, tích cực lao động sản xuất mà Trung úy Lê Văn Lẹ (cán bộ khung B), Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 9, Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 2) hiện có diện tích trồng hoa kiểng hơn 4ha tại xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

Nhập ngũ năm 2007 tại Trung đoàn 9, Sư đoàn 8, sau khi về địa phương, anh Lẹ tự học sửa kiểng, thiết kế tiểu cảnh sân vườn, có thu nhập ổn định. Nhận thấy địa phương mình gần làng hoa Sa Đéc, nhu cầu nhân lực phục vụ bà con trồng hoa rất lớn nên anh tham mưu với địa phương thành lập Tổ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp vào tháng 8-2022. Tổ gồm 24 thành viên (16 dân quân, 8 dự bị động viên) do anh làm tổ trưởng, hoạt động chủ yếu là chăm sóc, tạo dáng hoa kiểng; lắp đặt hệ thống điện, phun tưới tự động, nhà mát; sửa chữa máy nông nghiệp với thu nhập ổn định từ 350.000 đồng đến 500.000 đồng/ngày.

“Tôi cũng như anh em trong tổ tham gia đều đặn các đợt huấn luyện khi có lệnh triệu tập. Ai có nhu cầu kiếm thêm thu nhập, tôi sẵn sàng truyền nghề, hỗ trợ chia sẻ công việc cũng như kinh nghiệm trồng hoa kiểng. Bên cạnh đó, nhờ tham gia các đợt huấn luyện đã giúp tôi kết nối với đồng đội để tìm hiểu thêm thị trường, nguồn cây giống cũng như bắt tay làm ăn để tăng thu nhập cho anh em”, anh Lê Văn Lẹ chia sẻ.

Theo Thượng tá Lâm Quang Hợp, Chính ủy Trung đoàn 2, với sức trẻ, lòng nhiệt huyết, nhiều đồng chí đã tiếp cận nhanh với nguồn vốn ưu đãi, khoa học và công nghệ, thị trường, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Trong các lần tập trung huấn luyện hay chi trả phụ cấp, chỉ huy đơn vị đều phổ biến, nhân rộng điển hình, mô hình kinh tế tiêu biểu; kịp thời biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các đồng chí làm kinh tế giỏi để anh em khác học tập. Những tháng ngày quân ngũ đã trui rèn cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng dự bị động viên ý thức chấp hành kỷ luật, trau dồi kỹ năng, ý chí làm hành trang trong thực hiện nhiệm vụ và cuộc sống đời thường.

Thượng tá Lâm Quang Hợp cho biết thêm: “Mỗi đợt huấn luyện là dịp để anh em thể hiện “tình đồng đội” trên mặt trận phát triển kinh tế. Người khá giả, có cơ ngơi làm ăn hiệu quả giúp người khó khăn bằng cách hướng dẫn kinh nghiệm, kiến thức trồng trọt, chăn nuôi và tạo điều kiện về vật chất để cùng nhau vươn lên trong cuộc sống. Nhờ vậy, nhiều đồng chí đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn. Hằng năm, anh em tham gia huấn luyện đủ nội dung, thời gian, kết quả luôn đạt khá, giỏi trở lên; quân số tham gia huấn luyện thời gian gần đây luôn đạt và vượt chỉ tiêu”.

Bài và ảnh: HỮU TÀI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/lam-kinh-te-gioi-san-sang-nhan-lenh-dong-vien-765861