Kỳ vọng đại biểu Quốc hội

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đại diện cho người dân, ở cơ quan quyền lực cao nhất thì sự chuyên nghiệp là cần thiết.

Thực tế thời gian qua còn nhiều đại biểu (ĐB) sau khi được bầu vẫn vắng họp vì quá bận rộn, kiêm nhiệm hoặc gánh vác nhiều trọng trách khác ở cơ quan hành chính. Chủ tịch Quốc hội (QH) từng đề nghị chấn chỉnh việc ĐB vắng họp. Cụ thể tại kỳ họp thứ 7, QH khóa XIV diễn ra chỉ trong 2 tuần (từ 20-5 đến 14-6-2019) có số lượng ĐB vắng họp nhiều nhất, mỗi ngày vắng không dưới 30 người, có ngày vắng tới 100 người.

ĐBQH có vị trí, vai trò quan trọng trong tổ chức và hoạt động của QH, là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Ngoài ra, còn có quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu trách nhiệm trước cử tri, là cầu nối giữa chính quyền nhà nước với nhân dân. ĐBQH không chỉ phải đủ khả năng tham gia xây dựng luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước mà còn phản ánh tâm tư, nguyện vọng cử tri đến cơ quan chức năng.

Phát biểu của ĐQQH tại kỳ họp là rất cần thiết. Những kiến nghị của cử tri được đưa ra nghị sự, ý kiến đóng góp có chất lượng sẽ giúp hình thành các quyết sách đúng đắn nhờ trải qua thảo luận, tranh luận, chất vấn và trả lời chất vấn. Tranh luận giữa các ĐBQH, người đứng đầu ban ngành cả nước và người đại diện cho dân còn cho thấy những công việc cần chia sẻ, giải quyết thấu đáo. Đối với đất nước, đó là tín hiệu tích cực và dân chủ.

Mỗi kỳ họp QH thường có kế hoạch, thông báo trước để các ĐB thu xếp. ĐBQH vắng họp là mất đi cơ hội đề đạt kiến nghị, nguyện vọng người dân lên cơ quan quyền lực cao nhất, đóng góp hình thành chính sách quan trọng. Nhân dân cả nước luôn dõi theo tình hình thời sự qua kỳ họp QH và đặt rất nhiều kỳ vọng vào ĐB mà mình bầu ra sẽ phát biểu có chất lượng, đề đạt ý kiến và nguyện vọng cử tri để nghị sự giải quyết; hơn nữa đóng góp ý kiến xác đáng vào thời điểm có tính bước ngoặt, góp phần hình thành các giải pháp có giá trị phát triển đất nước.

Với tinh thần ấy, tăng số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách là cần thiết. Lãnh đạo cơ quan hành chính, UBND ở địa phương là nơi phải giải quyết rất nhiều sự vụ mỗi ngày, nên cân nhắc ứng cử ĐBQH. Bên cạnh đó, các cơ quan thẩm quyền cần quan tâm ở khâu lựa chọn, đề cử người ứng cử thật sự xứng đáng, có thời gian tham gia các kỳ họp, chuyên tâm, chuyên nghiệp để thay mặt người dân quyết định vấn đề quan trọng của đất nước.

Đỗ Ngô Trần

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/ky-vong-dai-bieu-quoc-hoi-20210319211708211.htm