Kỹ năng cần thiết khi bị tai nạn lao động

Chỉ riêng Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận gần 950 trường hợp tai nạn lao động với nhiều dạng tổn thương từ dập nát đến đứt lìa

Vụ tai nạn lao động nổ lò gas tại Đồng Nai mới đây khiến 6 người tử vong trong trạng thái không còn nguyên vẹn gây chấn động xã hội. Cách đó vài ngày, một vụ tai nạn thương tâm khác xảy ra ở Yên Bái làm 7 công nhân nhà máy xi măng bị nghiền tử vong cũng đã khiến cộng đồng chưa hết bàng hoàng xót xa.

Dồn dập nhập viện, tay chân đứt rời

Dồn dập xảy ra các vụ tai nạn lao động lớn chết nhiều người gióng lên hồi chuông báo động về sự an toàn tính mạng, sức khỏe con người cũng như trách nhiệm của chủ doanh nghiệp. Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh mới đây tiếp nhận cấp cứu một phụ nữ đang làm việc tại công trường bất ngờ bị thanh sắt rơi trúng xuyên vào người. Nạn nhân là bà Đ. (45 tuổi), nhập viện trong tình trạng đau đớn, trên người còn dính thanh sắt dài cả thước xuyên từ hông ra mông. Các bác sĩ mổ cấp cứu trong 1 giờ đã rút được dị vật sắt nhọn dài 80 cm, đường kính 2 cm ra khỏi nạn nhân an toàn, các mảnh gỉ sắt được lấy bỏ toàn bộ, các phần đụng dập được cắt lọc sạch sẽ.

TS-BS Nguyễn Văn Châu, Tổng Giám đốc Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, cho biết bệnh viện đã liên tục cấp cứu nhiều ca bị dị vật đâm xuyên thấu cơ thể do tai nạn lao động, trong đó nhiều ca nghiêm trọng bị cắt cụt bàn tay, cẳng tay, bàn chân, ngón chân… do bất cẩn với máy cắt, cuốn, dập, ép…

Hai nạn nhân nhập viện trong tháng 4 vừa qua bị máy nước đá cắt là anh T. (33 tuổi, bị cắt cụt ngón IV, V tay trái) và anh E. (19 tuổi, bị cắt cụt ngón II, III tay phải kèm gãy hở nát đốt giữa ngón IV tay phải). Trong 2 trường hợp nặng khác bị đứt lìa chi thể do máy dập, chị T. (26 tuổi) bị rất nặng với vết cắt cụt cổ tay trái và các ngón III, IV tay trái. "Chưa kể, nhiều nạn nhân nguy kịch như thanh sắt đâm xuyên cổ do ngã giàn giáo, dao đâm thấu ngực… đã được chúng tôi cứu kịp thời" - BS Châu thông tin.

Ca đứt tay được các bác sĩ Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM hỗ trợ chuyên môn nối được

Tàn phế, di chứng nặng nề

Tại các bệnh viện trên địa bàn TP HCM như Chấn thương Chỉnh hình, Chợ Rẫy, Đại học Y Dược… hầu như ngày nào cũng tiếp nhận cấp cứu do tai nạn trong quá trình thao tác lao động, té ngã từ trên cao xuống. TS-BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy, cho hay trước đó đã kích hoạt quy trình báo động đỏ cứu chị P.T.K.O (28 tuổi, ở Tây Ninh) bị máy kéo sợi cuốn lóc toàn bộ da đầu. Phải mất 4 giờ rưỡi, 2 ê-kíp mới ghép da đầu, nối vành tai lại cho bệnh nhân.

Chỉ riêng tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 921 trường hợp tai nạn lao động do máy cưa sắt, gỗ; máy ép, cuốn, xay, dập… với đủ dạng tổn thương từ bong tróc, dập nát đến đứt lìa chân tay.

Bác sĩ chuyên khoa II Võ Hòa Khánh, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, cho biết các dạng tai nạn lao động như: dập nát bàn tay, ngón tay, đây là tổn thương rất nặng nề do máy dập, máy ép. Với một cường độ, nhiệt độ cao làm dập nát một diện rộng làm tổn thương nặng nề các cấu trúc quan trọng của bàn tay, ngón tay dẫn đến hoại tử bàn tay, cổ tay và phải làm mỏm cụt.

Tổn thương lóc da do máy cuốn, vặn xoắn làm lóc da rộng từ cẳng tay đến ngón tay dẫn đến hoại tử da rộng, phải cắt bỏ da hoại tử và ghép da. Tổn thương đứt lìa hoặc đứt gần lìa bàn tay, cổ tay, ngón tay do máy cưa gỗ, cưa sắt, máy cắt cỏ, phải khâu nối chi bị đứt lìa, nguy cơ mỏm cụt và tàn tật. "Nguyên nhân thường gặp nhất là do bất cẩn khi thao tác máy móc, vừa làm vừa giỡn; mệt mỏi do làm tăng ca, ngủ gật; máy móc cũ kỹ, không được bảo trì đúng quy định; không được huấn luyện kỹ khi vận hành; không bảo hộ lao động, không đeo bao tay, giày bảo hộ, kiếng bảo hộ…" - BS Khánh thông tin.

Theo các bác sĩ, chấn thương cột sống thường gặp, trong đó tai nạn lao động (20%) do té từ trên cao và để lại di chứng rất nặng nề, tàn phế. Người bệnh ngoài tốn kém chi phí, chăm sóc kéo dài, phục hồi chức năng còn có thể mất khả năng sinh hoạt, lao động.

ThS-BS chuyên khoa II Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115, cho biết chấn thương cột sống là một chấn thương nghiêm trọng có thể gây tàn phế, tử vong cao. Bệnh viện đã cứu kịp 2 thợ sửa thang máy (29 tuổi ở Tiền Giang và 31 tuổi ở Hải Dương) bị tai nạn nghề nghiệp gãy cột sống khi rơi từ tầng 7 là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người trong vấn đề an toàn lao động. "Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến di chứng liệt, mất khả năng vận động đối với người bị nạn kiểu này" - BS Sóng cảnh báo.

Một ca đứt tay được nối cứu kịp

Trang bị kỹ năng cứu người

Các chuyên cho rằng tai nạn là điều không ai muốn song việc sơ cứu đúng cách và xử trí kịp thời sẽ giúp người bị tai nạn giảm thiểu những biến chứng đáng tiếc. Theo bác sĩ chuyên khoa I Phan Tuấn Trọng, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, sơ cứu đúng kỹ thuật và kịp thời được xem là giải pháp quan trọng, không chỉ giúp hạn chế thương tổn mà còn cứu sống người bệnh trong gang tấc.

Bác sĩ chuyên khoa I Triệu Quốc Ngọc, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh, khuyến cáo sự thành công trong việc nối chi thể đứt lìa không chỉ phụ thuộc trang thiết bị chuyên dụng, phẫu thuật viên mà điều quan trọng nhất là phần đứt lìa phải được bảo quản đúng cách sau khi xảy ra tai nạn. Thời gian vàng để ghép nối bộ phận đứt lìa là 6 giờ sau tai nạn nên cần đưa nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

"Cần chú ý an toàn lao động. Nếu không may xảy ra tai nạn đứt lìa chi thể, cần bảo quản đúng để việc phẫu thuật thuận lợi và khả năng thành công cao hơn. Đó là nhanh chóng rửa sạch phần bị đứt lìa bằng dung dịch nước muối sinh lý hoặc nước sạch, sau đó bọc trong lớp gạc vô trùng hoặc vải sạch rồi cho vào trong một túi ni-lông, buộc kín túi và cho vào trong xô nước đá (nhiệt độ lý tưởng khoảng 4 - 5 độ C); không để phần chi bị đứt rời tiếp xúc trực tiếp với nước đá vì có thể gây bỏng lạnh. Với tai nạn dị vật đâm xuyên thấu, cần bình tĩnh sơ cứu đúng cách, cẩn thận cố định dị vật, tuyệt đối không được tự ý rút bỏ các dị vật vì có thể gây nguy hiểm tới tính mạng nạn nhân" - BS Ngọc lưu ý.

Đối với người lao động, cần chú ý tuân thủ các hướng dẫn về an toàn lao động, đặc biệt khi làm việc trong điều kiện nguy cơ cao như leo trèo, sửa tháng máy, thao tác làm việc không bảo đảm thăng bằng hoặc không có phương tiện bảo hộ chắc chắn.

"Để bảo đảm an toàn lao động, nên có phòng hộ đầy đủ khi làm việc như có bao tay, giày bảo hộ, kiếng đeo mắt… Kiểm tra máy móc kỹ lưỡng khi vận hành. Không lơ là khi đang làm việc" - BS Khánh nhấn mạnh.

Chủ sử dụng lao động ngoài bảo đảm an toàn lao động, phòng ngừa sự cố, cần có những chính sách về bảo hiểm tai nạn, hỗ trợ, động viên người lao động không may bị nạn.

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ky-nang-can-thiet-khi-bi-tai-nan-lao-dong-196240503201354245.htm