Kỳ III: Nâng hạng tiêu chuẩn cho sản phẩm OCOP

PTĐT - Câu chuyện xây dựng sản phẩm OCOP, nâng tầm giá trị của sản phẩm theo chiều hướng đi lên và không có điểm kết thúc là một thách thức lớn đặt ra cho mỗi cấp, mỗi ngành và mỗi địa phương.

Kỳ III:Nâng hạng tiêu chuẩn cho sản phẩm OCOP

Sản phẩm tương Dục Mỹ, xã Cao Xá (huyện Lâm Thao) được chọn là sản phẩm chủ lực, thực hiện chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP.

>>> Kỳ II: Xây dựng sản phẩm OCOP - những vấn đề đặt ra
>>> Kỳ I: Đòn bẩy từ mỗi xã một sản phẩm
PTĐT - Câu chuyện xây dựng sản phẩm OCOP, nâng tầm giá trị của sản phẩm theo chiều hướng đi lên và không có điểm kết thúc là một thách thức lớn đặt ra cho mỗi cấp, mỗi ngành và mỗi địa phương. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để nâng hạng tiêu chuẩn cho sản phẩm, gắn sao cho sản phẩm OCOP, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Để giải quyết vấn đề này, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, tích cực từ nhiều phía.

Thực tiễn cho thấy, không riêng chương trình OCOP, mà thông qua các chương trình, dự án khác, vai trò, sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong việc định hướng đúng và trực tiếp tạo lòng tin, khơi dậy tinh thần lao động, ý chí khởi nghiệp của người dân vùng nông thôn là không thể phủ nhận. Căn cứ nhiệm vụ của Chương trình, tùy theo điều kiện, đặc điểm cụ thể, các địa phương trong tỉnh đã lựa chọn bước đi, lộ trình thích hợp, phù hợp với điều kiện thực tế để tìm ra sản phẩm lợi thế, đầu tư phát triển, nâng cấp thành sản phẩm OCOP đạt cấp tỉnh, cấp Quốc gia.
Như vậy để tăng “sao”, nâng hạng sản phẩm thì ngay từ bước lựa chọn, đăng ký ý tưởng sản phẩm cũng cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở khoa học thực tiễn, bởi điều này sẽ quyết định cho sự thành công và hướng đi đúng đắn của sản phẩm sau này. Nét độc đáo của chương trình là các sản phẩm OCOP được đánh giá thường xuyên hằng năm, gọi là chu trình OCOP giúp các sản phẩm thăng hạng “sao”. Và tất nhiên, việc gắn sao và có nhiều sao sẽ là một trong những lợi thế giúp sản phẩm tăng sức cạnh tranh khi tham gia thị trường.Để đạt thứ hạng cao, ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, mỗi địa phương cần chú trọng khuyến khích người dân sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra những sản phẩm khác biệt, ấn tượng và chất lượng thu hút người tiêu dùng. Do đó, các ngành chức năng cần tạo môi trường sáng tạo cho người dân thông qua đánh giá và xếp hạng sản phẩm, từ đó người dân xác định được các điểm còn yếu của sản phẩm để cải tiến và tiếp tục đánh giá, xếp hạng, phấn đấu nâng cấp sản phẩm cao hơn nữa.

Sản phẩm thịt chua của HTX thịt chua Thanh Sơn được cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2019.

Trên cơ sở các sản phẩm tiềm năng sẵn có, trong năm 2019, tỉnh đã ưu tiên lựa chọn danh mục sản phẩm chủ lực để chuẩn hóa và phát triển theo chuỗi giá trị. Trao đổi về vấn đề này ở huyện Lâm Thao - địa phương vốn có thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Huyện tập trung vào hai nhiệm vụ chính, thứ nhất là ưu tiên hoàn thiện, chuẩn hóa các sản phẩm đã chọn, thứ hai là nghiên cứu phát triển các sản phẩm tiềm năng. Việc chuẩn hóa sản phẩm, huyện xây dựng các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với phát triển các sản phẩm OCOP. Việc xây dựng liên kết chuỗi phải được khẳng định ở mỗi mắt xích, từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, một sản phẩm muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, trước tiên phải đạt chất lượng tốt. Do đó, hướng phát triển bền vững cho sản phẩm là liên kết tạo thành chuỗi, bảo đảm quy trình an toàn, có truy xuất nguồn gốc, từ đó mới tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường.Được biết, Lâm Thao lựa chọn 5 sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng là rau an toàn Tứ Xã, tương Dục Mỹ, bánh làng Dòng, ủ ấm Sơn Vi, gạo chất lượng cao J02. Huyện đã ưu tiên 2 sản phẩm chủ lực là rau an toàn Tứ Xã và tương Dục Mỹ để tiêu chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP. 3 sản phẩm OCOP còn lại, huyện tiếp tục nâng cấp và chuẩn hóa, trong đó, tập trung hỗ trợ nâng cấp, chuẩn hóa sản phẩm ủ ấm Sơn Vi trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu, là sản phẩm du lịch của tỉnh.Bà Hoàng Thị Kim Loan- Phó chủ tịch UBND xã Cao Xá chia sẻ: Để xây dựng sản phẩm OCOP, nâng tầm giá trị sản phẩm, địa phương phải dựa vào thực tế, xác định sản phẩm nào là chủ lực và đã được quy hoạch trong vùng sản xuất hay chưa. Theo đó, sản phẩm OCOP cần đáp ứng được một số điều kiện như sản xuất xuyên suốt, có sự tham gia của nhiều hộ, có giá trị kinh tế cao và mang đặc trưng vùng, miền. Việc chọn sản phẩm tương Dục Mỹ làm sản phẩm OCOP được dựa trên nền tảng sẵn có của sản phẩm, địa phương quyết định lựa chọn, khuyến khích, hỗ trợ Hợp tác xã mở rộng thành viên, vận động các gia đình sản xuất tương truyền thống tham gia để khai thác, sử dụng hiệu quả nhãn hiệu tập thể đã được xác lập, đảm bảo thống nhất về quy cách, chất lượng và giá bán của sản phẩm.Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện, do đó, việc thu hút các thành phần kinh tế tham gia OCOP là rất quan trọng. Chương trình OCOP đang thừa hưởng những nền tảng sẵn có của các địa phương từ chương trình xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp… cụ thể là về hạ tầng giao thông, thủy lợi, thương mại, văn hóa, giáo dục… Đây là điều kiện thuận lợi để khai thác tối đa nhà đầu tư tham gia phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của địa phương. Phát huy những tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện miền núi Thanh Sơn đã lựa chọn một số sản phẩm đặc sản, đặc trưng vùng miền xếp vào danh mục tham gia OCOP. Huyện đã ưu tiên 5 sản phẩm chủ lực để chuẩn hóa gồm chè xanh, thịt chua, chuối phấn, khoai tầng vàng, gà đồi. Chủ trương của địa phương là củng cố từ 8 -10 HTX và thành lập mới từ 1-2 HTX tham gia chương trình trong năm 2020.Tuy nhiên, theo bà Hà Thị Ngọc Diệp - Phó giám đốc HTX thịt chua Thanh Sơn, khu Hạ Sơn, thị trấn Thanh Sơn, để thu hút các tổ chức kinh tế, làng nghề cũng như phát triển sản phẩm OCOP, rất cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, nâng cấp chất lượng, dịch vụ cho sản phẩm dựa trên ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ hiện đại để chuẩn hóa, phát triển sản phẩm; đồng thời cũng rất cần tư vấn về phương thức quản trị sản xuất - kinh doanh. Có như thế, sản phẩm mới có sức cạnh tranh, phát triển bền vững, dần nâng đến hạng sao cao nhất. Cùng với giải pháp thu hút đầu tư từ phía các tổ chức kinh tế thì khâu tiếp thị, quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại cũng rất quan trọng vì quyết định phần lớn đến vấn đề định giá, khả năng tiêu thụ sản phẩm. Khi chúng ta tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đồng thời biết cách tiếp thị, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại thì hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và khả năng phát triển của cơ sở, doanh nghiệp là tất yếu. Nhưng trong thực tế, vấn đề này đang là một trong những điểm hạn chế lớn nhất của kinh tế khu vực nông thôn tồn tại từ nhiều năm qua. Do đó, các chủ thể tham gia chương trình OCOP cần được nâng cao kiến thức marketing và gia tăng kết nối khách hàng thông qua các kênh xúc tiến thương mại.Mục tiêu đến năm 2020 tỉnh ta lựa chọn ít nhất 27 danh mục sản phẩm có tiềm năng tham gia chương trình; tập trung phát triển và nâng cấp 50 sản phẩm OCOP, trong đó có ít nhất 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp tỉnh, 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia, có ít nhất 50 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP của tỉnh. Để thực hiện chương trình hiệu quả, ngoài các giải pháp đã nêu, công tác truyền thông làm thay đổi nhận thức cho người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của chương trình OCOP cần được đẩy mạnh, từ đó kích thích tiêu thụ, tạo động lực thúc đẩy sản xuất. Việc củng cố, phát triển các tổ chức kinh tế tham gia chương trình cần được chú trọng; trong đó tập trung thực hiện tốt công tác tổ chức đào tạo, đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ quản lý chương trình, các chủ thể tham gia OCOP; thực hiện hiệu quả công tác tư vấn và hỗ trợ ngân sách, đưa tín dụng thương mại vào chương trình, đặc biệt tập trung huy động nguồn lực thực hiện chương trình dựa trên nguồn xã hội hóa từ chính cộng đồng.Kỳ vọng với sự tập trung, nỗ lực, quyết tâm cao nhất, tỉnh ta sẽ hoàn thành mục tiêu chương trình đã đề ra, góp phần vào thành công chung của chương trình OCOP toàn quốc, để chương trình OCOP không chỉ là điểm tựa phát triển sản xuất mà các sản phẩm của mỗi làng, mỗi xã được bán ra từ chương trình, đều là một sứ giả của văn hóa vùng miền.

Nhóm PV Kinh tế

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201912/ky-iii-nang-hang-tieu-chuan-cho-san-pham-ocop-168231