Kỳ 2: Chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa đã mang lại những kết quả tích cực

ThS. Lê Thị Trang (Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, những năm gần đây, chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa đã mang lại những kết quả tích cực đối với lĩnh vực văn hóa.

15 năm mở rộng địa giới hành chính: Hà Nội phấn đấu trở thành TP sáng tạo tiêu biểu của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới:

Trình diễn ánh sáng 3D tại Ô Quan Chưởng là một trong những sản phẩm du lịch mới của Hà Nội . Ảnh: Khánh Huy

Chủ động nguồn ngân sách và nguồn xã hội hóa để đầu tư cho các hoạt động liên quan đến di sản

Chủ trương xã hội hóa đã trở thành một động lực thúc đẩy các hoạt động văn hóa phát triển, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa của các tầng lớp Nhân dân, góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Câu chuyện sáng tạo luôn song hành với bảo tồn di sản, làm cho di sản sống động trong hiện thực đời sống, mang đến luồng sinh khí mới, sáng tạo trên nền bản sắc. Nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội đã chủ động được nguồn ngân sách và nguồn xã hội hóa để đầu tư cho các hoạt động liên quan đến di sản.

Chỉ riêng năm 2020, huyện Gia Lâm có nguồn vốn xã hội hóa trên 156 tỷ đồng; huyện Hoài Đức thu hút được nguồn vốn xã hội hóa là 79,7 tỷ đồng; quận Hoàng Mai huy động được được 69,4 tỷ đồng; quận Tây Hồ huy động được 29 tỷ đồng… Tính cả năm 2020, toàn TP đã thu hút được nguồn vốn xã hội hóa gần 468 tỷ đồng.

Nhờ việc triển khai chính sách xã hội hóa mà hoạt động bảo tồn di sản đã thu hút được nguồn vốn tương đối lớn từ xã hội, phát huy được giá trị văn hóa trong đời sống cộng đồng.

Các không gian sáng tạo đem đến những màu sắc mới, kết nối công chúng, truyền cảm hứng sáng tạo và thúc đẩy các sự kiện văn hóa nghệ thuật

Tính chất xã hội hóa trong các lĩnh vực sáng tạo như mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm thể hiện rõ nét trong hoạt động của các phòng tranh (gallery) và sự vào cuộc của các doanh nghiệp, đơn vị tư nhân trong việc tổ chức các dự án nghệ thuật.

Hiện nay, thị trường mỹ thuật Thủ đô hoạt động sôi nổi với sự xuất hiện của các gallery, giúp các họa sĩ hòa nhập với nền kinh tế thị trường và đời sống nghệ thuật đương đại. Một số gallery tư nhân tiêu biểu hoạt động nổi bật hiện nay như: 54 Traditions Gallery, Hanoi Design Center, Zó, Green Palm Gallery, Đào Anh Khánh Tree House, Hanoia House, Vietnam Art Gallery, Câu lạc bộ nghệ thuật V-artroom… đã cho thấy sự sôi nổi của thị trường nghệ thuật và tiềm năng xã hội hóa mang lại cho lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm. Đây chính là nhân tố giữ vai trò nâng đỡ những sáng tác mới, kết nối giữa nghệ sĩ với công chúng yêu nghệ thuật.

Các không gian sáng tạo - một thành tố cốt yếu để phát triển TPST đang hiện diện ngày một nhiều, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, duy trì và tạo ra bản sắc cho đô thị. Theo thống kê của Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, năm 2014, tại Việt Nam có khoảng 40 không gian văn hóa sáng tạo, đến nay con số đã lên tới gần 200, riêng Hà Nội chiếm hơn một nửa.

Nhiều không gian đã thu hút được sự yêu mến của công chúng và trở thành một điểm đến kết nối và truyền cảm hứng đặc biệt cho giới trẻ như: Heritage Space, Café chiều thứ 7, Manzi, Ơ kìa Hà Nội, Liu lo Art, Trung tâm hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại Vicas Art Sudio, Tổ Chim Xanh, Zó Projet, Hanoi Grapvine,…

Sự nở rộ của các không gian sáng tạo đã đem đến những màu sắc mới, kết nối công chúng, truyền cảm hứng sáng tạo và thúc đẩy các sự kiện văn hóa nghệ thuật. Đây là tín hiệu tích cực trong việc nuôi dưỡng và phát triển văn hóa từ chính cộng đồng, để người dân thực sự là chủ thể sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa nghệ thuật đương đại, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta hiện nay.

Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, thành phố đã huy động nguồn lực xã hội hóa cho các chương trình như: “Countdown” đạt khoảng 10 tỷ/chương trình; “Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert” đạt khoảng 20 tỷ/chương trình; Lễ hội âm nhạc “Gió mùa” giai đoạn 5 năm từ 2018 - 2022 đạt khoảng 15 tỷ/năm/chương trình…

“Gió mùa” từ một sự kiện âm nhạc đơn thuần đã trở thành thương hiệu văn hóa cộng đồng đặc sắc của Thủ đô. Qua 5 mùa tổ chức, đã có 250 nghệ sĩ biểu diễn trong nước và quốc tế góp mặt, khoảng 170.000 lượt khán giả tham gia, chương trình đã truyền cảm hứng tích cực đến cộng đồng qua âm nhạc, tạo động lực sáng tạo cho nghệ sĩ, duy trì sức hút với khán giả, đồng thời đo lường nhu cầu của công chúng để mang đến một lễ hội hấp dẫn hằng năm.

Bên cạnh duy trì bản sắc truyền thống, Hà Nội đang trở thành “vườn ươm” cho sáng tạo trên khắp đất nước và đặc biệt thu hút giới trẻ. Có thể nói, Hà Nội luôn nhận biết được giá trị truyền thống và giá trị hiện đại để tạo hình ảnh và diện mạo mới cho chính mình. Đông đảo các dự án trẻ, hướng tới đa dạng các mảng màu văn hóa Thủ đô.

“Những dự án tuy chưa lớn mạnh về quy mô đầu tư, nhưng tiềm năng phát triển và sự độc đáo, có chiều sâu thì không hề kém cạnh so với thành phố nào trên thế giới. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nền kinh tế số tạo ra những cơ hội thuận lợi cho sự phát triển văn hóa Thủ đô, giúp chúng ta khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa trên môi trường số, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu về phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Mục tiêu trở thành “Kinh đô sáng tạo” của Đông Nam Á là tầm nhìn phù hợp, có tính khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô và phù hợp với xu thế của thời đại ngày nay”, ThS Lê Thị Trang nhấn mạnh.

(Còn nữa...)

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-2-chinh-sach-xa-hoi-hoa-cac-hoat-dong-van-hoa-da-mang-lai-nhung-ket-qua-tich-cuc-363396.html