Kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu suy yếu mới vào cuối năm

Kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu suy yếu mới trong những tháng cuối năm, với hoạt động của các nhà máy yếu hơn trong tháng 11, trong khi hoạt động của ngành dịch vụ lần đầu tiên suy giảm trong năm nay.

Hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc đang suy yếu với chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất giảm xuống 49,4 điểm trong tháng 11, từ mức 49,5 điểm trong tháng 10. Ảnh: Getty

Dữ liệu công bố hôm 30-11 của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất giảm xuống 49,4 điểm trong tháng 11, từ mức 49,5 điểm trong tháng 10. Đây là tháng thứ hai liên tiếp chỉ số này ở dưới mức 50, ranh giới giữa sự mở rộng và thu hẹp trong hoạt động của các nhà máy.

Kết quả trên thấp hơn mức dự báo 49,8 điểm trong cuộc khảo sát các nhà kinh tế của Wall Street Journal. Lượng đơn đặt hàng mới trong và ngoài nước đều giảm, trong khi thước đo nhu cầu tuyển dụng nhân công mới của các công ty suy yếu, cho thấy khu vực sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đang chịu áp lực do nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại cũng như chi tiêu trong nước trì trệ.

Chỉ số PMI trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc giảm xuống 49,3 điểm trong tháng 11 từ mức 50,1 điểm trong tháng 10. Đây là tháng đầu tiên trong năm nay chỉ số PMI dịch vụ của Trung Quốc giảm xuống ngưỡng 50.

Hoạt động của khu vực dịch vụ lành mạnh hơn so với sản xuất trong suốt năm 2023 khi người tiêu dùng Trung Quốc quay trở lại các cửa hàng, nhà hàng và điểm du lịch sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ hầu hết các hạn chế liên quan đến Covid-19 hồi đầu năm. Nhưng cơn bùng nổ tiêu dùng như kỳ vọng chưa thực sự diễn ra khi khủng hoảng bất động sản và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đã làm giảm nhu cầu chi tiêu của các hộ gia đình. Dữ liệu mới cho thấy người tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thậm chí đang bi quan hơn.

Chỉ có ngành xây dựng ghi nhận mức tăng trưởng so với tháng trước nhờ chính phủ tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

Những khó khăn của Trung Quốc làm trầm trọng thêm những trở ngại mà nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt, bao gồm chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông cũng như chi phí vay tăng mạnh do các ngân hàng trung ương thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát.

Kết quả khảo sát PMI cho thấy nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ chậm lại trong quí cuối cùng của năm 2023 sau khi hồi phục khiêm tốn vào mùa hè. Các nhà kinh tế cho biết, năm tới có thể đặt ra thách thức tăng trưởng thậm chí còn lớn hơn trừ khi chính phủ Trung Quốc và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tăng cường kích thích để vực dậy niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng như thúc đẩy chi tiêu và đầu tư.

Louise Loo, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Oxford Economics, nhận định dữ liệu PMI mới nhất có thể sẽ khiến các quan chức Trung Quốc “hơi lo lắng”.

“Họ có thể sẽ xem xét dữ liệu của ngày hôm nay để quyết định cần kích thích kinh tế thêm nữa hay không”, Loo nói.

Các quan chức Trung Quốc đã triển khai một loạt biện pháp nhằm củng cố nền kinh tế, gồm cắt giảm lãi suất và nhiều nỗ lực vực dậy thị trường bất động sản đang suy thoái, chẳng hạn nới lỏng các hạn chế mua nhà ở một số thành phố. Những biện pháp đó đã có tác dụng. PBoC cũng như nhiều nhà kinh tế kỳ vọng Trung Quốc sẽ đạt được mức tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay, phù hợp với mục tiêu của chính phủ. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng hoạt động kinh tế suy yếu trên diện rộng cho thấy các biện pháp kích thích cho đến nay vẫn chưa đủ để thúc đẩy sự phục hồi bền vững.

“Dù các nhà hoạch định chính sách đã tạo nền tảng cho tăng trưởng một cách hiệu quả, nhưng kinh tế Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khó khăn. Họ thực sự cần tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ”, Carlos Casanova, nhà kinh tế cấp cao về châu Á của ngân hàng Union Bancaire Privé, bình luận.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng Bắc Kinh nên tập trung hỗ trợ thị trường nhà đất, vì sự ổn định của lĩnh vực bất động sản sẽ giúp niềm tin quay trở lại với người tiêu dùng. Các lựa chọn sắp tới của Trung Quốc bao gồm nới lỏng hơn nữa các hạn chế đối với việc mua nhà và thúc giục các ngân hàng cho các nhà phát triển lành mạnh vay nhiều hơn để họ có thể hoàn thành những dự án còn dang dở.

Một số nhà kinh tế cho rằng Bắc Kinh cũng nên xem xét việc hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình để họ chi tiêu. Trong khi những nhà kinh tế khác ủng hộ hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang khó khăn hơn nhiều so với các công ty lớn và công ty được nhà nước hậu thuẫn. PBoC có thể cắt giảm lãi suất hơn nữa hoặc điều chỉnh các chính sách khác trong những tháng tới để khuyến khích cho vay nhiều hơn.

Cách tiếp cận kích thích từng phần được áp dụng cho đến nay phản ánh sự thận trọng của giới lãnh đạo Trung Quốc đối với các chính sách lớn sau khi gói kích thích khổng lồ năm 2008 gây ra bong bóng bất động sản, để lại những hậu quả chưa thể giải quyết hết cho đến hiện tại.

Ngoài những khó khăn ngắn hạn, nền kinh tế Trung Quốc cũng đương đầu với những thách thức dài hạn, bao gồm các cuộc xung đột về thương mại và an ninh quốc gia với Mỹ và các đồng minh, cũng như một xã hội đang già đi nhanh chóng.

Các quan chức Trung Quốc đang cố gắng thực hiện quá trình tái cân bằng nền kinh tế đầy khó khăn, theo mô hình tăng trưởng dựa nhiều hơn vào tiêu dùng và các lĩnh vực như sản xuất tiên tiến và giảm sự phụ thuộc vào đầu tư bất động sản và cơ sở hạ tầng. Đây sẽ là một quá trình chuyển đổi có thể gây tổn thương cho tăng trưởng trong ngắn hạn.

Trong một bài phát biểu gần đây tại Hồng Kông, Thống đốc PBoC Phan Công Thắng cho biết quá trình chuyển đổi kinh tế đang diễn ra của Trung Quốc “sẽ là một hành trình dài và khó khăn, nhưng đó là một hành trình chúng ta phải đi”.

Theo WSJ

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/kinh-te-trung-quoc-co-dau-hieu-suy-yeu-moi-vao-cuoi-nam/